Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Một góc nhìn nhức nhối.


       
                                           Nhà văn Tống Ngọc Hân bên phải ảnh
Thật là ái ngại cho nhà văn Tống Ngọc Hân, khi xem những dòng tâm sự này. Cái lịch sự của người quen đến thăm quên không bấm chuông. Tôi muốn nhấn đậm chữ " Quen" .
Và sự lịch sự của chủ nhà khi khách  quen đến chúc sức khỏe năm mới.... Thôi thì mọi người đọc và ngẫm suy. Chỉ muốn nhắc lại đọc mấy dòng tâm sự đầu năm này mà tôi cũng thấy chùng lòng trong cái lạnh se sắt và cùng chia sẻ với Hân... Đây mời bạn đọc

DU XUÂN
Tống Ngọc Hân

Chuyến du xuân đầu tiên của năm mới Giáp Ngọ sẽ là kỉ niệm khó quên trong đời tôi. Hơn ba chục cây số xuôi con đèo mịt mờ sương và gió hun hút lạnh. Xe máy chạy chậm như rùa vì không rõ đường. Sa Pa trong cái giá lạnh 1 độ C quả là khủng khiếp. Dọc đường, thịt trâu chết rét bày bán la liệt. Gần xuống thành phố Lào cai, trời lắc rắc mưa xuân.


Điểm tôi dừng chân đầu tiên bao giờ cũng là Hội VHNT LC. Tại đây, sau những cái bắt tay với chị Trần Thị Minh, nhà văn Đoàn Hữu Nam và hai cây bút văn xuôi Công Thế, Nguyễn Văn Cự…Bàn tay cóng lạnh, nhức buốt của tôi được sưởi ấm dần.
Vừa hoàn hồn, tôi lại tiếp tục hành trình thăm viếng Đền Thượng. Ngôi đền thiêng thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tọa lạc trên một ngọn núi nằm bên dòng Nậm Thi trong vắt luôn cho tôi sự xúc động sâu sắc nhất về Lịch sử và lòng tự hào dân tộc.
Tôi tha thẩn dạo khắp các gian trưng bày của Hội Báo Xuân Lào Cai. Tại đây, tôi gặp người quen, báo quen, tác giả quen và hương sắc thân quen của một Lào Cai trù phú, rạng rỡ trong thơ văn.
Trên đường trở về, tôi điện thoại cho nhà văn Mã A Lềnh và thực hiện lời hứa đến thăm vợ chồng ông. Nghe giọng nói ấm áp, thân thuộc, “ Đang ở nhà, lên đi”. Tôi thấy ấm lòng. Cách nhà chừng 50m tôi điện thoại lại cho chắc ăn. “Đây rồi, 075”. Dừng xe trước cửa. Ngôi nhà to rộng, bề thế, khang trang trên đường Hoàng Liên. Phía trước nhà là cánh cửa kính đặc thù của những ngôi nhà mặt tiền thành phố chuyên cho thuê. Cửa kính khép hờ. Tôi hình dung phía sau cánh cửa là một nụ cười hồn hậu và câu hỏi “Mới ra à? Sa pa lạnh không?”. Chính vì sự hình dung ấy mà tôi quên béng việc phải bấm chuông cửa. Tôi hé cửa, bước vào. Phòng khách rộng mênh mông không có ai cả. Tôi còn đang ngơ ngác thì vợ của nhà văn chạy ra. Bà cáu kỉnh quát.
- Chị hỏi ai? Chị vào nhà tôi có việc gì?
Tôi nhanh miệng:
- Dạ, cháu chào bác. Cháu vào thăm hai bác ạ, cháu mới điện cho bác trai mà.
Vợ nhà văn hầm hầm tiến ra:
- Ai cho chị tự tiện vào nhà tôi mà không bấm chuông? Phép lịch sự tối thiểu của người thành phố là vào nhà người khác phải bấm chuông mà chị không biết à?
Tôi đứng như trời trồng rồi vội vàng. “Dạ cháu xin lỗi ạ.”
Bà vẫn cứ nói đi nói lại về cái chuông và cái cửa, có vẻ như nó đang bị hỏng. Đúng lúc ấy thì nhà văn bước ra. Tôi được mời ngồi xuống ghế. Bà chuyển sang cáu với ông. “Tôi đã bảo là ông chốt cửa vào sao ông không chốt hả?”. Nhà văn nhỏ nhẹ với vợ. “Có chốt nhưng không chặt”. Ngay lập tức bà vác ghế ra cửa. Bà đi ra phía trước, kéo hai cánh cửa sắt hoa vào, khóa lại cẩn thận. Sau đó mới chốt cửa kính, cả trên cả dưới. Tôi có cảm giác mình bị nhốt trong nhà, nhốt trong một không khí bức bối, ngại ngùng. Lúc đó tôi mới để ý đến cái cửa gỗ nhỏ nằm ở bên trái cửa lớn. Bà mở cánh cửa gỗ, đi ra ngoài, nhấn chuông reng reng hai lần và nói tướng lên. “Chuông đây thôi, mất lịch sự đến thế là cùng, vào nhà không bấm gì cả”. Tôi xấu hổ quá, ngồi im. Nhà văn vào nhà rót ra một chén rượu nhỏ màu tím và bảo. “Uống đi, rượu chát đấy”. Tôi đoán là rượu mận, bưng chén lên, nhấp một hụm nhỏ. Chát thật. Nhớ đến câu trách “Cứ tưởng cháu lên là phải ghé qua chỗ bác…Bác ốm quá không lên Sapa uống rượu với vợ chồng cháu được”. Tôi hỏi han mấy câu và lòng chùng xuống vì nhà văn gầy, yếu hơn lần gặp trước rất nhiều.
Tôi vào bếp, vợ nhà văn biết tôi vào nhưng vẫn quay lưng lại phía tôi, đang rửa ráy gì đó. Tôi cất lời. “Bác ạ, cháu xin lỗi bác. Năm mới cháu xuống chơi thăm và chúc sức khỏe hai bác. Giờ cháu xin phép cháu về. Bác thông cảm cho cháu nhé. Cháu ở núi xuống, cháu quên là phải bấm chuông”. Lúc đó bà mới quay lại, lạnh lùng. “Cảm ơn cô”.
Nhà văn tiễn tôi ra cửa. Tất cả diễn ra nhanh quá, chỉ trong vòng chục phút. Tôi không dám chùng chình găng tay, khẩu trang gì cả. Chào nhà văn rồi vội vàng chụp mũ lên đầu, nổ máy phóng đi. Tôi sợ, nếu nhà văn cứ đứng ở cửa lâu hơn mà nhìn theo tôi thì sẽ sảy ra chuyện.
Trên suốt đoạn đường về, tôi cứ tự trách mình, trách cái thói đãng trí của mình. Đầu năm, tôi đã làm cho người khác bực mình quá. Nhưng biết làm sao được. Chuyện đã sảy ra. 

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến