LCĐT - Chúng tôi rời thành phố Lào Cai. Tạm biệt “thủ phủ” Apatít Cam Ðường đang sôi động trong tiếng máy âm vang, nhằm hướng Tây mờ sương mà ngược núi.
Chả hiểu cơn cớ gì mà trong tôi cứ háo hức, mong chờ để có ngày gặp lại Ú Sì Sung, Can Thàng, Phìn Hồ Thầu. Không phải do mối tình trắc trở để tiếc nuối, ngẩn ngơ mà miên man trong tôi về sự khốn khó, nhọc nhằn lam lũ kiếp mưu sinh của người dân nơi non cao ấy. Hơn hết thảy, ở đó là tấm lòng chân chất, thật thà, tình người thủy chung đồng lòng vượt qua gian khó đang vươn lên xua đói, đuổi nghèo và làm giàu trên mảnh đất “mái nhà đất nước”.
|
Ðường mới về thôn Ú Sì Sung.
|
Bạn tôi hào hứng nói: Ðã lên Phìn Hồ Thầu thì phải ngược Ú Sì Sung. Và rồi anh bạn cứ đứng lặng bên đường dõi mắt về “thượng sơn” lẩm bẩm: “Tiếc quá, dòng thác ngày nào từng tung bờm trắng xóa ngày, đêm ầm ào vẫy gọi không còn nữa...”. Rồi lại tự nhủ, cũng đúng thôi! Không phải chỉ sức mạnh của dòng thác Ú Sì Sung lãng mạn là tiềm năng cho dòng “vàng trắng” đã thành hiện thực, mà vùng đất Tả Phời (thành phố Lào Cai) này còn nhiều tiềm năng khác đang được chính bàn tay, khối óc con người làm thức tỉnh, trở mình vươn vai đứng dậy. Các hiệu ứng đó sẽ là “cú hích” mạnh, bật lên nhiều hy vọng tốt đẹp cho cuộc sống người dân nơi đây.
Trước tiên phải kể đến đó là hạ tầng giao thông. Ði trên đường bê tông phẳng lì, uốn lượn bám vào sườn núi, vượt ngàn lên vùng cao mới thấy hết quyết tâm, đồng lòng của chính quyền và nhân dân thành phố Lào Cai. Ðúng là kỳ tích với vùng cao, với đồng bào. Mạch huyết giao thông sẽ mở cửa cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, sẽ dẫn khoa học kỹ thuật từ vùng thấp lên vùng cao gần hơn, nhanh hơn.
Nếu đã từng chứng kiến tuyến đường ấy cách đây ít năm, mới cảm nhận được niềm hạnh phúc nhường nào khi phóng xe bon bon ngược Ú Sì Sung bây giờ. Những năm ấy, tôi đã từng băng ngàn, vượt núi lên Phìn Hồ Thầu với nhiều gian truân, rồi nơm nớp lo sợ lũ về đường tắc, núi lở. Khi ấy, Ú Sì Sung hoàn toàn biệt lập trong khắc khoải, cô đơn, đường lên chỉ là vệt mòn cắt rừng, gập ghềnh nốt chân trâu, chân ngựa. Nói đến Ú Sì Sung, người ta coi như “người hùng” và trầm trồ thán phục. Cách Cam Ðường hơn 20 km mà sao xa ngái. Giao thương cách trở đã là rào cản cho sự phát triển kinh tế của bà con vùng cao này. Ðó là quá khứ.
Ông Nông Văn Lẻng, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tả Phời gắn bó nhiều năm với đồng bào vùng cao bộc bạch: Từ năm 2004, Tả Phời trở thành địa phương đầu tiên của cả nước xin rút ra khỏi diện các xã được hưởng hỗ trợ từ Chương trình 135 của Chính phủ. Cán bộ, nhân dân trong xã ai cũng lo vì không còn sự trợ cấp của Nhà nước. Song, với quyết tâm cao của các cấp chính quyền, cùng sự giúp đỡ của tỉnh với nhiều biện pháp khắc phục khó khăn và định hướng trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Các nghị quyết, chính sách sát với tình hình thực tế có hiệu quả, đã củng cố được niềm tin của nhân dân, sản xuất đi vào thế chuyên canh tăng năng suất. Rồi ông say sưa kể về niềm vui của đồng bào khi tuyến đường hoàn thành. Với quyết tâm cao nhất, 12.000 m3 bê tông, 8.000 m3 cát sỏi, 5.000 tấn xi măng… thường xuyên có 20 máy trộn và 200 lao động thi công liên tục trong 4 tháng. Tổng vốn đầu tư cho tuyến đường hơn 22 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 9 tỷ đồng, còn lại là “xã hội hóa”.
Những con số, những tấm lòng sẻ chia của nhân dân thành phố Lào Cai cùng góp sức để hôm nay tuyến đường 17,2 km từ thôn Cuống đi Phìn Hồ Thầu, Ú Sì Sung thông suốt. Ông Chảo Láo Sử, Bí thư Chi bộ thôn Phìn Hồ trong lúc dẫn chúng tôi thăm trường mẫu giáo và tiểu học xây trên mảnh đất 1.300 m2 gia đình đã hiến cho thôn, không giấu nổi niềm vui. Ánh mắt, nụ cười sáng lóa trong sương sớm: Có đường mới, con tôi xuống trường đỡ khổ hơn, cháu tiếp tục học được nhiều chữ hơn… Một ước mơ rất giản dị nhưng hạnh phúc biết bao. Còn cô giáo Ðặng Thị Hồng Thu, Trường Mầm non thôn Phìn Hồ là giáo viên cắm bản nhiều năm, vui vẻ nói: Từ ngày thông đường đến nay, chúng em sáng đi, tối về thuận lợi lắm… Các cô, các thầy giáo càng chuyên tâm hơn vào sự nghiệp “trồng người” nơi đây, công việc cao cả và đầy trách nhiệm.
Giấc mơ có đường dẫn đến ấm no hạnh phúc đã thành hiện thực. Có đường mới, giao thông thuận lợi, người dân các thôn vùng cao của Tả Phời sẽ nhanh chóng xóa được nghèo, góp phần gây dựng diện mạo nông thôn mới vùng cao. Ðiều đó khẳng định, khi ý Ðảng “gặp” lòng dân, thì không có gì là không làm được, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân là tất thắng.
Chúng tôi ngược mãi đến tận cùng của non cao vùng này, điểm trường thôn Phìn Hồ Thầu chìm trong cái lạnh buốt như cắt da thịt. Chung quanh là đại ngàn ầm ào tiếng suối reo, sương lạnh. Giữa chốn hoang sơ mông lung, màn sương trắng bảng lảng phủ đầy thung, bản làng mờ ảo, thoắt ẩn thoắt hiện, những vệt nắng vàng chạy dài đuổi nhau rồi lại tan loãng trong huyền ảo. Trên các sườn núi, đào phai căng nụ hồng e ấp, hòa cùng sắc trắng của hoa mận, hoa lê rung rinh trong gió như tô thắm thêm bức tranh xuân của vùng sơn cước đẹp đến mê lòng. Anh Chảo Láo Lểnh cho biết, chỉ vượt qua ngọn núi trước mặt là ta đã đặt chân sang đất Sa Pa nơi có “chín rồng gặp tiên”. Chả biết cái truyền thuyết đó của đồng bào đã hình thành từ bao giờ, song nghe đã thấy đầy bí ẩn.
Nếu nói đỉnh Phan Xi Păng là “nóc nhà Ðông Dương”, thì ở đây Ú Sì Sung, Phìn Hồ Thầu, Can Thàng được coi là “nóc nhà” của thành phố Lào Cai. Do địa hình nằm trên núi Can Thàng của dãy Hoàng Liên Sơn, so với mực nước biển thì các địa danh này có độ cao 1.713m, cao hơn cả mức bình độ của “thành phố trong mây” Sa Pa. Nhiều người ví Ú Sì Sung, Phìn Hồ Thầu là “Sa Pa của thành phố Lào Cai”. Với tiểu vùng khí hậu ôn đới, mát về mùa hè và giá lạnh về mùa đông, là lợi thế của các bản vùng cao nơi đây phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Dưới tán rừng cổ thụ thâm u là bạt ngàn nương thảo quả thơm nức mỗi độ mùa thu hái, là nguồn thu đáng kể cũng là mô hình chăm sóc và bảo vệ rừng hiệu quả.
Thầy giáo già Phạm Huy Cảm, quê gốc Bắc Ninh gắn bó với nghiệp “trồng người” ở vùng cao Tả Phời, nay đã nghỉ hưu nhưng vẫn chưa nguôi tấm lòng với mảnh đất này. Ông là một trong những người tham gia xây dựng dự án trồng cây lê VH6 Tai nung - Ðài Loan về vùng đất này. Hiện, ông đang đảm trách dự án tại địa bàn. Là đại biểu tham dự Hội nghị điển hình tiêu biểu toàn quốc về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông hăng hái đưa chúng tôi lên Phìn Hồ, Ú Sì Sung. Tôi không khỏi thắc mắc và có câu hỏi tại sao một thầy giáo đã nghỉ hưu, vẫn lặn lội với vùng cao trong rét mướt… Với tuổi của ông đủ có quyền để được nghỉ điền viên, con cháu. Thì ra, ông vẫn còn như “mắc nợ” với mảnh đất này, mắc nợ với đồng bào đã giúp đỡ ông những năm tháng khó khăn làm nghề dạy học. Ông nói: Còn sức làm được điều gì có ích cho cộng đồng thì tôi sẽ cố làm, ngồi chơi lãng phí lắm! Thật cảm phục tinh thần của ông. Khi tham quan vườn cây dự án “trăm nghe không bằng một thấy”. Từng hàng cây trải vòng theo sườn núi, tầng lớp nhịp nhàng. Những cây lê về “nhập tịch” đất mới tỏ ra hợp đất, hợp trời, tỏa lên một sức sống trẻ trung, đang mùa đơm bông, kết quả.
|
Cây lê Tai nung sinh trưởng tốt ở thôn Phìn Hồ Thầu (Tả Phời).
|
Kỹ sư nông nghiệp Mai Trung Kiên, cán bộ Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp tỉnh cho biết: Vụ lê bói năm vừa qua đã cho kết quả khả quan, chất lượng quả thơm, ngọt, giòn, phù hợp với khí hậu nơi đây. Theo anh, chỉ cần khâu chăm sóc như vít cành, làm cỏ, bón phân đúng kỹ thuật là khẳng định dự án thành công. Ðến nay, dự án đã triển khai được 5 năm với 70 ha và hướng tiếp tục sẽ mở rộng diện tích.
Ngoài cây lê, vùng chè Shan tuyết được đầu tư trồng trên đỉnh Ú Sì Sung đang lên xanh tốt. Làm cái gì ban đầu cũng khó! Qua vận động, thuyết phục, cầm tay chỉ việc, cán bộ, đảng viên phải làm trước, thấy được hiệu quả bà con làm theo. Kiên trì, vừa làm vừa vận động đã tạo thành phong trào. Các vườn chè từ đó đã nối nhau lên xanh tốt ở vùng cao Tả Phời. Màu xanh non mướt của chè hòa với màu xanh cây ăn quả, dệt thành tấm thảm xanh của vùng cao nơi đây thêm lộng lẫy. Còn một tiềm năng đầy hấp dẫn nữa đã được người dân triển khai thành công. Tận dụng nguồn nước dồi dào mát lành của dãy Hoàng Liên ban tặng, anh Nguyễn Văn Mạnh từ Cam Ðường đã lập dự án và đầu tư cơ sở nuôi cá nước lạnh. Qua 5 năm, hiện cơ sở đã có 10 hồ, với diện tích mặt nước 2.000 m2, hằng năm, thu về hơn 20 tấn cá hồi vân, cá tầm. Khai thác tốt lợi thế này thì đây cũng là “mỏ vàng” lớn. Và còn nhiều những tiềm năng lợi thế khác mà người dân vùng cao nơi đây đang áp dụng khoa học kỹ thuật, trong chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao đời sống. Không chỉ vậy, vùng đất giàu có Tả Phời còn ấp ủ trong mình bao tài nguyên quý giá đó là nguồn “vàng nâu” đang được Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Apatít Việt Nam khai thác có hiệu quả. Ðó là “vàng đỏ”, một mỏ đồng có trữ lượng và hàm lượng cao đang được lập dự án đầu tư khai thác… Những tiềm năng của Tả Phời đang chuyển mình thức dậy.
|
Cơ sở nuôi cá hồi vân của gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh
tại vùng cao Tả Phời.
|
Nay mai thôi, cùng với lê, thảo quả, chè, cá nước lạnh và các sản vật khác sẽ là thương hiệu mạnh của Tả Phời. Các tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên quí giá sẽ tạo đà tăng trưởng cho đời sống kinh tế của người dân vùng cao nơi đây. Nếu biết khai thác đúng hướng, đúng mục đích mang tính bền vững thì tin rằng vùng cao Tả Phời nơi mờ sương sẽ ngày một ấm no. Ước mơ và hy vọng đang tỏa sáng như hoa đào bung nở rực rỡ dưới nắng xuân. Sắc thắm, hương xuân đang lan tỏa trên vùng cao Tả Phời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét