Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Cáp treo Fansipan, thảm họa cho ‘Nóc nhà Đông Dương’






Trái với các dự án đình đám khác, thông tin dự án cáp treo lên đỉnh Fansipan trị giá tới 4.400 tỷ đồng được chủ đầu tư – Công ty cáp treo Bà Nà – giữ khá kín. Và xã hội chỉ được biết đến khi công trình này được khởi công. Thông tin này không chỉ gây choáng váng cho người làm du lịch và cả giới bảo vệ môi trường, cộng đồng mạng.


Đây là hệ thống cáp treo ba dây  “dài nhất, cao nhất, phức tạp nhất thế giới” lần đầu tiên có tại Châu Á. Song song với hệ thống cáp treo là “khu nghỉ dưỡng cao cấp” gồm khách sạn 4-5 sao, khu vui chơi, mua sắm, sân golf…, khu tâm linh với một ngôi chùa trên núi và bức tượng Phật khổng lồ.
Fansipan cao 3.143 m - nóc nhà Đông Dương - 
nơi trải nghiệm và thể hiện ý chỉ của người trẻ

“Thôi rồi, Fansipan”
Trả lời truyền thông nước ngoài, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty dã ngoại Lửa Việt, một doanh nghiệp du lịch tên tuổi khẳng định, ông không thểtin được và có thể nói là bị sốc thật sự - phải dùng từ là “choáng váng”.
“Chưa có sự kiện nào ám ảnh tôi như thế, và tôi hoàn toàn không tài nào hiểu được”, ông Mỹ nói. Trước đây, ông cũng đã nghe tin đồn phong thanh về dự án này nhưng tưởng là thiên hạ “ngứa miệng đồn chơi” vì ở Việt Nam thì chỗ nào chẳng làm cáp treo – thích là làm, chẳng có quy hoạch gì cả. Tôi tin rằng lãnh đạo ngành du lịch và kể cả những nhà khoa học sẽ bảo vệ Fansipan.
Và ông còn sốc hơn nữa khi biết dự án không chỉ có cáp treo mà còn cả một khu liên hợp gồm có sân golf 18 lỗ, các resort cao cấp và nhiều khu vui chơi giải trí khác. Dự án này được triển khai ngay tại núi Fansipan là ngọn núi cao nhất Đông Dương, và nằm ngay tại Vườn quốc gia Hoàng Liên. Ông chủ Lửa Việt khẳng định: Không một nước nào lại triển khai một dự án du lịch tầm cỡ trong Vườn quốc gia như vậy.
Một dự án cáp treo có công suất tới 2.000 khách/h, một ngày tới 20.000 khách, trong khi trên đỉnh Fansipan chỉ chứa 1.000 người đã là quá tải. Vì vậy, để đáp ứng công suất này, đương nhiên sẽ phải phá rừng, bạt đất lấy mặt bằng. Ngoài ra, để đảm bảo cho tuyến cáp dài tới 7 km với các trụ đỡ khổng lồ, nằm giữa rừng nguyên sinh, người ta không thể không phá rừng xây trụ. Càng không có chuyện dùng trực thăng cẩu nguyên liệu đến các điểm xây trụ - tức là phải phá rừng lấy đường vận chuyển.
“Sẽ phải phá rừng dựng cáp, phá rừng để dựng những nhà này nhà kia. Chuyện đó thì tôi nhắc lại, về mặt luật pháp họ vi phạm những quy định về Vườn quốc gia, về bảo vệ thiên nhiên rồi”, ông Mỹ nói.
Ông Mỹ và những người bạn làm du lịch đã vò đầu bứt tai cảm thán: Thôi rồi, Fansipan!
Cáp treo Bà Nà cũng đang ế sưng?
Trả lời VTV, Chủ tịch HĐQT Sun Group (công ty mẹ của Cáp treo Bà Nà) cho rằng, việc đầu tư cáp treo sẽ góp phần thay đổi diện mạo, đời sống và tăng thu nhập cho người dân huyện Sapa. Khi có cáp treo, lượng du khách sẽ tăng lên 30% mỗi năm.
Ông Nguyễn Văn Mỹ thẳng thắn: “Tôi xin lấy sinh mạng ra mà cá là năm năm tới, hậu quả của Bà Nà hiện nay là nhãn tiền”.
Theo ông, hiện nay khách phương Tây không lên Bà Nà (Đà Nẵng) mà chọn  đi Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế)  mặc dù Bà Nà hồi xưa là một điểm nghỉ dưỡng lý tưởng của họ. Khách lên Bà Nà đông là vì tò mò. Lên xong người ta thấy ngột ngạt bê tông, vì diện tích của Bà Nà cũng hẹp, cho nên khi về họ thất vọng. “Tôi nghĩ người ta không lên Bà Nà lần thứ hai đâu. Như vậy có thể vài năm đầu vì tò mò lượng khách sẽ tăng, nhưng cái giá phải trả về lâu dài thì nhãn tiền”, ông Mỹ lập luận.
Nhà tổ chức du lịch dã ngoại này phân tích thêm, Đà Nẵng khí hậu nóng, người ta lên Bà Nà cho mát mát một chút thì còn được. Tôi đã lên Bà Nà hàng chục lần, gần đây là năm ngoái. Khách ai muốn đi thì đưa đi nhưng lên đó làm chi, chẳng có gì đặc sắc cả, vui chơi thì có khi ở thành phố còn gần gũi hơn. Tôi cứ tiếc nuối phong cảnh của Bà Nà cách đây khoảng mười mấy năm khi còn hoang sơ, buổi tối ngủ trên đó nghe gió hú, nhìn về Đà Nẵng đẹp lắm ! Bây giờ xi măng, bê tông bít hết. Như vậy tôi xin nhắc lại, Bà Nà trước mắt chỉ có một số số liệu đánh lừa người ta chứ còn về lâu dài cảnh quan môi trường bị phá vỡ, sau này khách sẽ bỏ đi.
Với Sa Pa thì càng không tưởng bởi vì SaPa đã lạnh rồi, không ai lên trên Fansipan cho nó cóng lại cả. Năm 2012 khách lên Sa Pa gần một triệu, trong đó chỉ có 30% là khách nước ngoài thôi. Tỉ lệ nghịch tăng trưởng giữa khách trong và ngoài nước đã là một hồi chuông báo động: càng ngày cảnh quan thiên nhiên, chân quê mộc mạc của SaPa càng biến mất.
“Nếu làm dự án này (cáp treo Fansipan – PV), tôi đảm bảo đó là một cách đuổi khách Tây, họ vốn thích thiên nhiên gần gũi. Tại sao Hà Giang hiện nay là điểm nóng du lịch? Mặc dù đường đi hiểm trở - chỉ có xe 16 chỗ mới đi được, dịch vụ thì thiếu thốn – chỉ có nhà nghỉ thôi chứ khách sạn chưa có, nhưng mà khách vẫn rất đông. Bởi vì đi về người ta nói với nhau, nhanh chân lên Hà Giang, vì mai mốt không khéo cảnh quan sẽ bị phá vỡ.
Lên Hà Giang bây giờ giống như lên Sa Pa 30 năm trước, giống như lên Đà Lạt cách đây 60 năm. Không khéo SaPa sẽ dẫm vào vết chân Đà Lạt, chỉ còn khách nội địa. Và khách nội địa thì lên rồi về, không ở lâu, họ không chi tiêu tiền như khách nước ngoài. Tại sao chúng ta không làm một cách làm khôn ngoan hơn?”, ông Mỹ đưa ra cảnh báo và cũng là một gợi ý thú vị.
So sánh với một quốc gia Đông Nam Á khác, Malaysia chỉ có 3 di thế giới trong khi Việt nam có tới 17 nhưng lượng khách của Malaysia gần gấp năm lần, lợi nhuận từ du lịch gấp sáu lần Việt Nam. Trong đó, ngọn núi cao nhất Đông Nam Á và là biểu tượng của Malaysia là Kinabalu, dù rất nổi tiếng, mỗi ngày Malaysia cũng chỉ cho phép 120 người leo lên, vì thế để đi lên cần đăng ký trước tới 5 – 7 tháng. Việc làm này không gây khó chịu cho du khách mà trái lại, còn làm tăng giá trị của ngọn Kinabalu.
Không nên gắn biểu tượng quốc gia với biểu tượng tâm linh
Một chuyên gia văn hóa, TS Nguyễn Văn Vịnh (nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xã hội và phát triển, ĐH Hà Nội) bổ sung thêm, không xây cáp treo và cũng không nên xây chùa, dựng tượng Phật trên đỉnh núi Fansipan (dù chỉ ở độ cao 2.800m).
Việt Nam đã có rất nhiều vùng đất được coi là ‘thánh địa’ Phật giáo như dãy núi Yên Tử, dãy núi Tam Đảo (đỉnh Tây Thiên), Hương Tích… nơi hành hương.
Điều đáng tiếc là nơi nào người ta cũng đè ra xây cáp treo. Đã nói là du lịch tâm linh, nhất là địa điểm hành hương thì không thể xô bồ và người ta đến để có sự trải nghiệm về tinh thần. Cáp treo chỉ là một cảm giác, một sự thỏa mãn.
Riêng Fansipan, đây là khu vực vốn không có truyền thống Phật giáo. Đỉnh núi là đơn giản, là một biểu tượng thiên nhiên, biểu tượng tự nhiên của Việt Nam và còn được coi là nóc nhà Đông Dương. Việt Nam là quốc gia đa văn hóa vì vậy, càng không nên gắn Fansipan chỉ với biểu tượng của Phật giáo.  
 
Fansipan, nơi nụ hôn không chỉ là nụ hôn
Từ khi có tin dự án cáp treo lên Fansipan được triển khai, trên mạng xã đã xuất hiện những lời kêu gọi phản đối dự án này.
Nhiều người lo sợ khi có cáp treo thì đỉnh Fansipan sẽ ‘mất đi ý nghĩa’ là một biểu tượng của sự thử thách tinh thần và ý chí của con người, nhất là giới trẻ, khi phải vượt qua địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt để leo lên đến đỉnh.
Những ý kiến phản đối cáp treo cho rằng sự thú vị của Fansipang là chặng đường chinh phục đỉnh chứ không phải là bản thân đỉnh núi chật hẹp không có gì ngoài chóp nhọn đánh dấu độ cao 3.143 mét.
Đối với cộng đồng thám hiểm ở Việt Nam vốn thường được gọi là ‘dân phượt’ thì Fansipan nằm trong số ‘một đỉnh, bốn cực’ (các điểm cực đông, tây, nam, bắc) mà họ 'nhất định phải đi'.
Phong Dao/
Theo báo người đưa tin

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến