(TNTS) Tối nay vào blog Trần Nhương thấy mấy cái ảnh Đỗ Chu, không ngờ anh đẹp lão nhanh quá. Mới đó đã chục năm không gặp anh, quay đi quay lại anh đã gần bảy chục tuổi rồi, nhanh thật.
Mình quen anh từ năm 1988, khi đó anh phụ trách Trại viết văn Suối Hoa. Đọc văn anh từ thuở bé, phục lắm. Lại nghe các anh lớp trên khen Đỗ Chu thiên kinh vạn quyển, đọc anh thấy đó là thứ văn “mật ngọt chết ruồi” lại càng phục. Nghe anh phụ trách trại viết văn vừa mừng vừa sợ, mừng vì gặp được ông thầy giỏi nghiêm khắc, sợ cũng vì thế.
Hôm ấy mình với mấy anh em miền Trung, miền Nam ra sớm, trại chưa có ai đón, cứ đứng lơ ngơ ở cổng, chẳng biết hỏi ai. Anh đạp xe từ nhà đến, nhà anh ngay thị xã Bắc Ninh, gặp tụi mình anh chẳng dừng xe, cũng chẳng thèm nhìn đứa nào, nói chúng mày vào cả đây. Cả hội lúc cúc theo vào phòng của anh ở tầng trệt. Anh túc tắc xoi nõ hút thuốc lào. Chúng mình đứa đứng đứa ngồi, anh mặc kệ, chẳng buồn kéo ghế mời ai ngồi. Giống ông chủ trước đám học trò đến học việc, anh chẳng nhìn ai cho trọn một cái nhìn. Làm liền mấy điếu, ngửa cổ thong dong nhả khói, anh chỉ mặt từng đứa, nói thằng này tên gì, con này tên gì. Tụi mình lần lượt xưng tên, mặt anh lạnh tanh chẳng hề ư hử, như vừa nghe tên tuổi một đám vô dụng. Anh chỉ cái ấm, nói uống nước đi, chè mới pha.
Ảnh: Nam Phương |
Tụi mình tự rót nước uống, im lặng nghe anh nói. Chỉ mình anh nói, vừa hút thuốc lào vừa nói, chẳng cho ai chen vào một câu. Xoi nõ, nói. Tra thuốc vào nõ, nói. Lấy đóm châm lửa, nói. Nói mãi cho đến khi đóm tắt, lại châm lửa vào đóm, lại nói. Cứ thế anh nói cho hết buổi sáng. Nhưng mà vui, chưa thấy ai một mình độc thoại từ đầu đến cuối mà người nghe không biết chán như anh. Chẳng có chuyện gì anh nói mà không buồn cười, cười xong thì nghĩ ông này sâu cay thật. Cái kiểu nói chẳng hề đãi bôi, khách sáo, cũng chẳng thật thà chất phác, nửa thật nửa hư, nửa đùa nửa thật, rất vui.
Anh lừ lừ nhìn cả hội, nâng điếu cày vếch mày rít một hơi, nói nghe nói chúng mày đều là văn tài cả, có văn tài tao mới nhận làm trưởng trại, không thì có các vàng tao cũng thèm vào. Tao có biết chúng mày viết lách thế nào đâu, thời giờ đâu mà đọc chúng mày. Viết gì thì viết, miễn hay là được. Chợt anh trợn mắt lên như kẻ muốn gây sự, nói đừng hỏi tao thế nào là hay nhé, hỏi thế là hỏi đểu. Văn chúng tao là văn nịnh. Nếu hỏi văn nịnh thế nào là hay thì tao dạy cho. Còn văn chúng mày đến bố tao cũng chả biết. Trần Thùy Mai cúi mặt cười phì. Anh trợn mắt chỉ tay, nói con này cười cái gì. Chúng mày viết văn để trở thành nhà văn, chúng tao viết văn để được tăng lương. Khác nhau một trời một vực như thế, dạy nhau thế nào hả?
Tất nhiên văn anh không phải văn nịnh rồi. Ai bảo Phù sa, Cỏ mật, Mùa cá bột, Thung lũng cò, Ráng đỏ là văn nịnh. Nghe anh mắng anh xơi xới cứ buồn cười, chẳng biết anh mắng anh hay mắng ai nữa, mắng rất kinh. Hình như chữ nghĩa chật cứng trong đầu anh, hễ mở mồm là tuồn ra ào ào, không cưỡng được. Đức Ban cười, nói bác nói rứa chứ em đọc bác thấy bác chẳng nịnh chút nào, bác chả biết nịnh làm sao viết được văn nịnh. Anh lại trợn mắt chỉ tay, nói thằng này ngu. Mày đọc tao được bao nhiêu mà bảo tao không nịnh.
Rồi anh xua tay, nói thôi chúng mày cút cả đi. Cả hội vừa đứng lên anh lại vẫy tay ra hiệu ngồi xuống, nói viết lách cho hay, rõ chưa. Văn chúng mày còn khuya mới hay nhưng Hội cần trại này thành công, sắp đại hội rồi rõ chưa. Cả hội lại đứng lên, anh lại vẫy tay ra hiệu ngồi xuống, nói anh bảo này, trong trại có chuyện gì chúng mày cứ nói với anh, chớ có nhạy mồm tâu với thằng Thỉnh (Hữu Thỉnh), rõ chưa.
Anh nói đùa vậy thôi, sướng lên cứ nói vung tí mẹt chứ chẳng để làm gì, nói xong rồi quên, lại bày chuyện khác ra nói. Ở văn phòng Hội nhà văn gần hết đời, chưa khi nào anh làm một chức gì dù nhỏ, kể cả tổ trưởng tổ ba người.
Anh ăn ngủ tại trại sáng tác, nhà anh gần có một đoạn nhưng anh chẳng về, có lẽ anh sợ tụi mình bỏ đi chơi chẳng viết lách gì. Sáng sớm, anh đi từ đầu đến cuối hành lang tầng 2 khách sạn, qua phòng nào anh cũng gõ cọc cọc cọc, nói rất to “Viết! viết! Viết!”. Rồi anh đi về phòng mình nằm ngửa đọc Kinh thánh. Được khoảng hai tiếng, anh lại vùng dậy ra khỏi phòng, đi dọc hành lang tầng 2 gõ cọc cọc cọc - Viết! Viết! Viết! Khi đó anh mới đi uống bia. Uống no bia, chừng 2 giờ chiều, anh mắt nhắm mắt mở, ngật ngà ngật ngưỡng đi dọc hành lang tầng 2, gõ cọc cọc cọc - Viết! Viết! Viết! Rồi về phòng mình đánh một giấc đến 6 giờ chiều.
Thỉnh thoảng anh gọi Thúy Cải và các cô trong đoàn quan họ Bắc Ninh đến chơi, hát hò “Cho mấy ông nhà văn trẻ thư giãn để viết cho nó hay”. Đến Bắc Ninh mới biết anh Chu rất được dân ở đây nể trọng. Không chỉ đoàn quan họ Bắc Ninh anh bảo gì làm nấy, cán bộ thị xã cũng vậy, hễ anh a lô đề nghị việc gì là đáp ứng ngay không hề chậm trễ. Hôm khách Suối Hoa đang đêm mất điện, anh a lô chính quyền thị xã cấp ngay ba chục cây đèn bão: “Nhanh lên, các nhà văn đang hứng, đừng làm cụt hứng sáng tạo của họ”. Nửa giờ sau có liền. Thời bao cấp, chính quyền đáp ứng nhanh như thế mới biết Đỗ Chu có uy đến thế nào.
Hi hi, qua mồm Đỗ Chu văn chương quá quan trọng. Một hôm anh vào chơi phòng mình. Vừa nhấp ngụm trà anh đã nhăn mặt như khỉ phải mắm tôm, nói chúng mày uống chè này à, không được không được. Rồi anh gọi điện cho ai đó, nói các anh không được để các nhà văn uống chè đó. Người ta viết văn, viết văn chứ không phải nấu cám lợn. Sáng sau có ngay chè ngon, loại hảo hạng, chưa khi nào mình kiếm được loại chè ngon như thế. Đỗ Chu còn gọi cả ông bí thư tỉnh ủy đến tận trại nói chuyện thời sự “Cho anh em nhà văn nắm được tình hình viết văn mới hay được”. Cũng để “anh em nắm vững tình hình” anh còn mời được cả ông Lê Quang Đạo, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, từ Hà Nội về nói chuyện. Mình nhăn nhó, nói anh Chu cứ bắt tụi em nắm vững tình hình thế này, thời giờ đâu mà viết văn. Anh trợn mắt, nói mày ngu lắm. Không có mấy ông ấy đến thăm trại, tao lấy đâu ra tiền quyết toán. Hi hi.
Được một tháng, Đỗ Chu gọi cả hội đến, nói “chúng mày viết được cái gì thì kê ra để tao báo cáo”. Mình hỏi anh, nói anh không đọc cho tụi em xem hay dở thế nào để còn chỉnh sửa. Anh cười cái hậc, nói ngu sao tao đi đọc văn chúng mày. Trại thích văn chúng mày hay thì tao bảo hay, rõ chưa. Hi hi. Chợt nhớ một hôm anh tóm cổ mình trốn trại đi tán gái, anh hỏi mày đi đâu, mình nói đi tìm tài liệu. Anh cười khì, nói chúng mày nói phét giỏi, anh yên tâm.
Tổng kết trại, ngựa xe như nước, quan khách to nhỏ đến ầm ầm. Đỗ Chu lên nhận xét tổng kết các tác phẩm của anh em. Anh cầm danh sách tác phẩm nói vanh vách cứ như là anh đã đọc kỹ lắm. Đại khái cuốn nào cũng có tầm tư tưởng, văn chương thanh thoát, có tính khái quát cao… Tất cả anh em ở trại đứa nào cũng lộ sáng một tài năng. Anh nhìn chúng tôi rất chân thành, nói cảm ơn các nhà văn trẻ đã cho tôi niềm hy vọng sáng ngời về tương lai văn học nước nhà. Tụi mình cúi mặt cười chết thôi.
Hết tổng kết, vào cuộc nhậu. Anh uống rượu say bét nhè, ôm cổ mình hỏi nhỏ, nói mày nói thật tao nghe, chúng nó viết lách thế nào. Mình nói cũng được anh ạ, nhiều cuốn hay lắm. Anh lại cười cái hậc, nói chúng mày mà viết hay thì tao biến thành con bò. He he.
Nguyễn Quang Lập