Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

có khi lãng quên !

có khi lãng quên !

             Công Thế:  Tạp bút
Hôm ấy mình đang ngồi ngáp vặt ở quán cóc ven đường, chờ thằng Lâm Béo có chút việc. Bỗng dưng điện thoại réo é o. Ai gọi nhỉ ? Thì ra một em cùng cơ quan! Giọng em ỏn ẻn như họa mi tập hót: Sớm mai anh về cơ quan nhé! Mình hỏi. Có việc gì đấy em, quan trọng không? Anh còn đang nghỉ điều dưỡng sức khỏe cơ mà!  Vẫn cái giọng thỏ thẻ càng hót hoa mi càng ngập ngừng ỏn ẻn. Phải đến đấy!...
quan trọng lắm nhưng mà là chuyện vui,  thế nhé!...Máy tắt. Tôi lẩm nhẩm, gớm hoa mi đã xấp  xóe u năm mươi rồi, ở vào cái tuổi vụt sáng vụt tắt, tiền “mất mãn” mà cứ ỏn à ỏn ẻn như non tơ không bằng. Hay là ở cái tuổi này như vậy? Thích cưa sừng làm nghé.  Thời gian vùn vụt thoi đưa, thời gian trôi đi làm nên sự hối tiếc, hối tiếc vội vã. Ở vào cái tuổi sức xuân xế chiều, hoàng hôn tỏa sáng vàng hực, mênh mang tím ngắt, để rồi tắt rụi vào màn đêm mông lung. Tính khí ấy chả cứ một ai. Cuộc đời thật là nghiệt ngã.  
 Vẫn biết em là một người tốt sống đúng mực biết  trên biết dưới, biết lẽ phải tôn trọng bạn bè, tôn trọng quá khứ. Chăm chút công việc, chẳng bon chen ảo vọng với ai. Người như vậy thời này quý lắm, hiếm lắm!
Tôi cứ vẩn vơ nghĩ mãi không ra. Ngày mai là cái ngày gì?  Lại điện thoại nữa đây, vẫn là em. A lô! thế anh đoán ra chưa? Cù lần quá, ngày sinh nhật của mình mà không nhớ, mai bọn em tổ chức sinh nhật anh đấy phải về nhá! Nàng còn dặn
với chu đáo “phải bảnh bao vào đấy". Gớm tính nàng hơi bị “ Đỗ chu” cẩn thận. Chả cần phải trưng diện mĩnh cũng bảnh báo lắm rồi. Đẹp đâu chỉ là trưng diện!
 Cảm thấy bất ngờ. Ừ nhỉ ngày mai sinh nhật, thế mà nghĩ không ra, đến ngày cha mẹ sinh ra cho mình làm thằng người mà chẳng nhớ. Chẳng hiểu ngày xưa các cụ nhà mình tính toán thế nào mà trồi mình ra đúng cái ngày này. Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10. Cái ngày chị em ngây ngất sướng, ngây ngất thăng hoa, bao lời hay ý đẹp được giới mày râu dâng hiến cho một nửa cuộc đời này. Cứ nhìn dọc các dãy phố chỗ nào cũng chàn ngập hoa. Lẵng bé, lẵng to, đủ kiểu, đủ sắc màu sặc sỡ, đâu đâu cũng hoa. Chả vậy mà người trồng hoa vào mùa thắng lớn từ chỗ hai nghìn một bông nay sáu, bảy đến mười, mười hai nghìn đồng một bông. Hoa từ Trung Quốc sang, từ Sa Pa về từ các vùng ven đô tấp lập kìn kìn kẻ bán người mua. Thấy thế mới biết cái phái đẹp quyền uy, hạnh phúc đến mức nào?. Và cũng thế lại mừng những người nông dân lại thêm một mùa hoa mát tay.  Những bông hoa tươi thắm được nâng niu trân trọng của đấng mày râu trao tặng. Thế bảo làm sao không ngây ngất, làm sao chị em không sướng tưng bừng, măt mày hớn hở, tí ta tí tởn như gái ế vớ được chồng sang. Hôm trước thằng Ngoắc Bớp còn nghé tai tôi to nhỏ: Những ngày này chị em cứ là no nê, đẫy tễ. Tôi không hiểu. Nó cười hậc hậc bảo ông chả biết cái…gì… Nghĩ mãi à thì ra là thế. Cái vụ chị em mô, tê, răng, rứa thì tôi chịu, ai đã biết ma ăn cỗ thế nào đâu.
Lại quá đà sang chuyện chị em quay về cái vụ sinh nhật của mình. Thú thực tôi cũng hơi ngất ngây vì từ bé đến giờ có được tổ chức sinh nhật bao giờ đâu, thường là lớp tuổi chúng tôi như thế cả, cái thời loạn ly, đói kém, ngày sinh chả mấy khi để ý. Hình như cái văn hoá sinh nhật này cũng là văn hoá ngoại lai du nhập. Thời các cụ ngày xưa làm gì có biết đến sinh nhật là gì. Con cái sinh ra chỉ nhớ mang máng,  tỷ dụ như anh cả tôi. Cụ bảo. Thằng cả sinh vào năm Tý cái năm mà cả làng đi tản cư vì giặt Nhật càn về. Hoặc như anh Hai tôi sinh vào năm Hợi. Cụ nói chả năm nào mà được mùa như năm ấy, khi bà nội cùng ông đi bán thuốc chợ Nội về, bà thấy mẹ tôi đau đẻ cứ bò ngang bò càng quanh nhà đến chiều thì anh tôi ra đời. Còn tôi thì cụ nói năm tôi sinh vào vụ gặt tháng mười. Lúa má, rơm rạ còn giăng đầy sân, đầy đồng. Mẹ tôi đau đẻ, mặt cứ tái nhợt, ấy thế mà vẫn cố vò cho xong đống lúa ngoài sân. Đến lúc vỡ ối mới chịu bám vào bậc cửa lần vào nhà. Bà nội thấy vậy vừa dìu mẹ tôi vào nhà, vừa chửi mẹ là con gan lỳ, cóc tía, làm để chết hay làm để sống. Rồi cụ gọi ngay bà Chỉ Tư hàng xóm sang giúp. Bà kể; cái nồi đồng nấu nước chè xanh đang sôi sừng sục cụ Chỉ Tư vơ ngay cái liềm cắt lúa giắt trên vách liếp nhúng vào nồi nước sôi coi như tiệt trùng để đem ra cắt rốn. Nghe chuyện các cụ kể lại mà cứ xót xa cái một thời khốn khó mẹ cha..
Ngày ấy bố tôi đi thoát ly công tác nhà nước làm cán bộ Việt Minh tận Thái Nguyên. Ông đi biền biệt có khi cả năm mới về thăm nhà một lần. Mỗi lần bố về đem theo ít gạo và mấy đồng bạc về đưa mẹ, ở nhà vài ngày lại ra đi. Cứ mỗi lần về như thế chúng tôi lại có thêm em. Kinh tế gia đình đông con gặp nhiều khó khăn, mọi cái ăn, cái mặc chủ yếu dựa vào sức lực tần tảo của mẹ. Mãi sau này các anh tôi lớn mới phụ giúp đỡ đần thêm.
Ngày xưa các cụ chỉ nhớ đến ngày hý kỵ của các cụ để ngưỡng vọng, chứ ai nghĩ đến ngày sinh của con cái. Đấy cũng là một tư tưởng của thời phong kiến thống trị.
Sinh nhật đối với lứa tuổi chúng tôi trở về trước chỉ là thứ xa xỉ mơ hồ. Bây giờ kinh tế có khấm khá lên cái việc sinh nhật mới trở thành trào lưu của giới trẻ và nơi thành phố. Còn những vùng xa xôi, thôn dã vẫn là vấn đề xem nhẹ. Trong các xóm nghèo người dân đang căm cụi bòn nhặt chắt chiu từng đồng bạc lẻ. Sinh nhật là một nét đẹp văn hoá lành mạnh của nhân loại cũng đáng trân trọng và đáng đón nhận. Nhưng tiếp nhận thế nào lại là một chuyện...
Riêng tôi, hôm nay là ngày sinh nhật, thế mà nhiều khi lãng quên. Và và ngày này lại được tặng hoa, được nhận lời chúc ngọt ngào tưởng như quen thuộc vậy mà sao lòng dạ thấy lâng lâng đến lạ. Thế là mình lại thêm một tuổi. Cái sự thêm này dù chẳng muốn đón nhận, ấy vậy mà nó cứ đến hiển nhiên theo sự thuận xoay vô tư của kim đồng hồ.
 Mà nhỉ hôm ngày sinh nhật !
                                                    
                                                                 C.T


Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến