Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Đọc Nỗi buồn lâu quên của Tô Hoàng


Ma Văn Kháng
Thứ hai ngày 29 tháng 9 năm 2014 

                             NXB Hội Nhà văn – 2014/


1.   Được sống để kể lại. Đó là tên một cuốn sách anh lính Trần Luân Tín kể lại những gì mình  đã trải qua  trong cuộc chiến vừa rồi.Tô Hoàng đã giới thiệu với tôi và meo cho tôi cả cuốn truyện này. Tôi đã đọc nó, nhưng chưa kịp nói gì. Thì trong tập bút ký Nỗi buồn lâu quên  mới xuất bản gần đây, sau khi đã nồng nhiệt ngợi khen tính chân thật lịch sử của cuốn sách, Tô Hoàng đã viết những dòng sau đây: Quá đủ sự ác liệt, độ gay cấn, không gian, tình huống cụ thể để tạo nên bức tranh sám hối của người lính ở cả hai chiến tuyến, để “hòa cả làng”,tôi với anh đều có lỗi.Cũng có thể với chất liệu ấy  để chứng minh cho những toan tính “xóa sổ”, chẳng ai được, chẳng ai thua; những thế lực phi nhân đánh ván bài chính trị bằng những núi xác của lính tráng...Những trù liệu như vậy đã thấp thoáng xuất hiện trong văn chương nghệ thuật hai ba chục năm gầm đây rồi.
 Trích dẫn vậy hơi dài nhưng thật tình thấy là cần vì như M. Proust  đã nói,  nghệ thuật rất cần thiết vì nó cho ta một con mắt nhìn mới.  Một cái nhìn mới. Một cảm quan mới. Thật tình là  thế, vì như lúc này đây, dường chưa bao giờ người đọc  tìm đến với văn học nghệ thuật với nhiều khát khao đến vậy. Không thiếu những cuốn sách hay.Có cuốn hay theo cái kiểu rằng hay thì thật là hay mà xem ra ngậm đắng
nuốt cay thế nào. Tất nhiên, cuộc sống bao gồm đủ cả các cung bậc buồn vui. Ta cần cả những cuốn sách đem lại những ngậm ngùi, buồn đau, thậm chí  gây cho ta một chút  hoài nghi, và cả   những hoang mang, hờn giận. Nhưng thật tình , hơn tất cả  vẫn là cái khát muốn tìm được một niềm tin yêu, trong trẻo và ấm áp, một cái nhìn công bằng, một điểm tựa để tiếp tục sống và vượt lên.
  Không phải là tất cả, nhưng khá nhiều trong hai mươi chín bút ký của Tô Hoàng ở cuốn sách này cho ta cái cảm nhận ấy. Ấy là khi anh viết về những kỷ niệm của một thời chiến trận.Nào ai có quyền nghi ngờ anh nhỉ, một người lính thực sự của hai chiến trường Vĩnh Linh-Đường Chín rồi Kon Tum – Tây Nguyên trong những năm cơ cực bi đát nhất. Ký ức về sức sống của những bài ca. Câu chuyện cảm động về chiếc nón Ba Đồn lính mua gửi về cho người yêu ở hậu phương. Kể cả cơn khủng hoảng vì tình dục bị dồn nén và nỗi oan khuất hai lần anh lính chiến trường phải nhẫn nhịn. Không né tránh. Không tô vẽ. Không cần trang trí. Cũng chẳng cần phải cường điệu lên gân. Mà cuộc sống vẫn như nó vốn có, mạnh mẽ, tươi sáng và tin tưởng, dưới ngòi bút của Tô Hoàng.
          Tô Hoàng, bạn vong niên của tôi. Những năm 1960- 1963, cùng học trong những túp nhà lớp lá gồi ở Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nôi, với Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Lâm Quang Ngọc, Chi Phan, Vũ Quốc Anh, Nghiêm Đa Văn, Nguyễn Đinh Ảnh... Năm 1972, Tô Hoàng từ chiến trường ra, học Khóa VI Trường Bồi dưỡng những người viết trẻ cùng tôi, Phạm Tiến Duật, Vũ Từ Trang, Lê Minh Khuê, Tôn Ái Nhân, Pờ Sào Mìn... với những câu chuyện ác liệt và khốn khổ nơi chiến trường Vĩnh Linh và Tây Nguyên.Tô Hoàng, sinh viên điện ảnh trường VGIK những lần tôi gặp ở Matxcơva, cùng những câu chuyện về Liên Bang Xô Viết trước ngày nó tan hoang.  Lúc ấy và sau này Tô Hoàng đã là tác giả của tiểu thuyết Ngửa mặt mặt kêu trời  và hàng trăm truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, phê bình... Nhưng tựu trung lại, trong đời thường và trong văn chương, thì cũng  vẫn là một Tô Hoàng trẻ trai,  hòa hoa  mà sâu sắc nỗi lo cho đời; tinh tế, tin cậy từ trong một tâm thái nồng nàn, một tâm hồn đẹp hài hòa giữa những năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn!

2.Văn xuôi những năm gần đây được đánh giá là chuẩn ở hai tiêu chí : Thật và Đẹp! Nỗi buồn lâu quên của Tô Hoàng ánh xạ hai yêu cầu này. Tôi đặc biệt thích những bút ký Nón Ba Đồn và những đêm sông Gianh, Tổ quốc tôi có những binh nhất binh nhì như thế, Nước Nga thoáng thấy,chợt nghe, Sex với lính tráng Cánh Bắc Kon Tum...
     Sex với... Chao ôi là nỗi khủng khiếp của chiến tranh qua cái  sự dầy vò đến là khổ nhục vì cơn khát tình  bị ức chế của lính ta. Trần trụi đến thế  là cùng rồi. Và  cũng thật là đau quá khi chứng kiến một sự thật phũ phàng là câu chuyện  cả tiểu đội Tô Hoàng  hơn chục chiến sĩ qua sông Gianh vào chiến trường,  anh nào anh nấy  cũng háo hức tìm mua bằng được một chiếc  nón Ba Đồn  để gửi về cho người yêu  với niềm  hy vọng tràn trề tươi đẹp về một  cuộc sống lứa đôi sau chiến tranh, thì... tám anh đã ra đi mà không  có ngày trở về. Tuy vậy, cái giá của  văn chương đâu chỉ có là sự thật! Vì đọc đến chi tiết các chị ở hậu phương nhận được giấy báo tử của người tình ở mặt trận gửi về, sau những tháng ngày vật vã đau buồn đến võ vàng tiều tụy, đã  vừa khóc vừa phóng hỏa chiếc nón Ba Đồn đã ngả vàng để bước sang một bến đò khác thì mắt bỗng nhòa lệ xót thương. Xót thương và kiêu hãnh vì nhận ra cái đẹp cao hơn cả nỗi buồn,cái đẹp ngang tầm- đẹp hơn nước mắt của cái hành vi nọ lấp lánh một thái độ sống vừa nghĩa tình vừa quả cảm vượt lên trên đau thương. Như vậy là cái Bi, như nhà văn đã viết ở trang124, đủ đồng cân đồng lạng, nhưng không khiến  người ta khiếp sợ, mà chỉ làm cho cái Tráng thêm phần uy nghi lẫm liệt. Những trang đặc tả  về bạn bè Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thạch Quỳ, Nguyễn Khắc Phục, Nghiêm Đa Văn ... là những trang viết của một cây bút có tài. Đọc thấy được tình yêu và tấm lòng rộng lớn của anh, đúng như nhận xét của Tạ Duy Anh ghi ở bìa gấp sau cuốn sách. Ở đó, anh biết vận dung khéo léo giữa tả và kể, lại biết chắt chiu các chi tiết đắt giá. Ở đó anh khám phá ra cái cốt cách thật và đẹp của bạn bè sau biết bao nhiêu là xô bồ bặm bụi. Phút lâm chung của Nghiêm Đa Văn là một đoản văn đọc xong mà nao dậy bao đau buồn và yêu mến thiết tha. Cái đẹp là sự thật ở độ rực rỡ nhất! Mọi cái đẹp đều đúng và tất nhiên đâu có phải tất cả những cái đúng đều là đẹp. Chung quy lại điều quan trọng với nhà văn là cảm quan, là con tim chân thành của anh  thế nào với cuộc sống chứ không phải là do dăm ba thao tác tiết chế gia giảm khi chế biến sản phẩm của mình.   
     Đó là nói về cái đẹp trong những sự thật khắc nghiệt mà nhà văn phát hiện được. Thế còn cái đẹp của ngôn từ, câu văn? Tô Hoàng có nhiều câu văn, đoạn văn  đẹp gợi cảm.   “ Những thân cây bạch dương lươn lướt chạy qua. Những đầm hồ xanh ngăn  ngắt, loang loáng ánh mặt trời buổi sớm lươn lướt chạy qua”. “ Trên thảm có xanh, dưới ánh nắng sớm là cuộc phô bày sự mịn màng láng mướt; những nhấp nhô uốn lượn;những căng nở, hồng hào của xuân thì vừa độ.” “ Gió hây hẩy thổi,nắng vẫn trong veo, không hề bức bối oi nồng- đó là cái nắng muôn đời đáng yêu của những mùa hè Nga.”” Vẫn những cành táo lúc lỉu quả, vào thời điểm này quả đã ưng ửng chín. Vẫn đại lộ Lomonosov với xe buýt, xe buýt cần điện lướt đi êm nhẹ, giữa hai hàng cây xanh.”  “ Các kiều nữ Nga 16, 17 tuổi đang còn học năm cuối phổ thông, đang ở tuổi bung nở hết vẻ đẹp vừa chín tới của mình”. “ Những bà cụ Nga tóc vàng tóc trắng bông xốp như những bó lanh, đôi mắt xanh biếc trong veo ẩn sau những cặp kính trắng ngồi cắm cúi đọc những cuốn sách dầy cộm.” “Bỏ đồng 20 xu vào khe máy, bia tươi tong tong phun ra, loáng một cái đầy cốc vại. Thêm 50 xu được một đĩa tôm hấp nóng hổi. Uống đứng, ăn đứng. Sụp soạp, hít hà, hai đứa không làm sao tiêu hết được vài rúp.” Ai đã có may mắn được sống ở nước Nga, dù chỉ là khách vãng lai, hẳn cũng thấy lại đôi nét xứ sở này qua đôi ba trang viết của Tô Hoàng về nước Nga..

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến