Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Đất và người Rồng Hoa

              Đất và người Rồng Hoa

                 Ký của Công Thế
Tôi vừa có chuyến hành trình ngược nguồn lên biên giới xã Pha Long, nơi tít đầu “Vòm nhô sông Chảy” của mảnh đất “Gang thép Mưng Khảng”* Mương Khương. Nơi đây nhà văn, nhà báo, nhà giáo Liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết năm xưa đã từng xông pha trên trận tuyến chống giặc ngoại xâm, ông ghì chặt khẩu tiểu nhả vào đầu thù đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Chính mảnh đất thượng nguồn này thầy giáo Bùi Nguyên Khiết đã trèo đèo lội suối gieo chữ cho màu xanh vùng cao. Và cùng thời kỳ đó ông cũng đã gieo mầm những tác phẩm văn học xuất sắc góp phần cho diện mạo văn học Lào Cai thêm phong phú. Đáng nhớ hơn cả là tác phẩm bút ký “Nơi vòm nhô sông chảy” của ông vẫn còn lắng đọng mãi đến ngày nay.
Về Pha Long bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Cái cảnh đìu hiu đến hoang dại nơi vùng đất khát, mênh mông núi đá, cuộc sống của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào “ Ơn giời mưa nắng phải thì…” như chìm vào xa xăm. Mọi đổi mới cứ diễn ra hàng ngày để rồi ngay chính người dân nơi đây cũng thấy ngỡ ngàng, phấn chấn.
 Con đường quốc lộ 4D về vùng cao biên giới Pha Long mới được Nhà nước đầu tư nâng cấp khá phẳng phiu êm ả. Thấp thoáng bên đường những thửa ruộng bậc thang lúa đang
kỳ ngả màu vàng óng. Xen vào đó là màu xanh ngắt của những nương ngô, nương sắn của rừng sa mộc tít tắp bạt ngàn. Càng làm cho cảnh sắc bức tranh thiên nhiên vùng biên ải đẹp hút hồn. Dọc tuyến đường từ xã Tả ngải Chồ đến trung tâm xã Pha Long đã thấy nhiều những ngôi nhà xây kiểu cách như những ngôi biệt thự xinh đẹp bên rừng. Ô tô lớn nhỏ, xe máy xịn chạy qua lại tía lia, nghe anh bạn nói: Đa phần xe cộ qua đây là của bà con người Mông Pha Long, Tả ngài Chồ cả đấy. Bụng bảo dạ! Vậy là Pha Long đã thay đổi nhiều lắm rồi, đời sống người dân chắc đã có nhiều cải thiện, đã bỏ lại phía sau cảnh quạnh hiu, rừng sâu núi thẳm một thời chưa xa.
Ngược về quá khứ. Pha Long theo tiếng Quan hỏa là Phả Lùng ( Phà là hoa, lùng là rồng) nghĩa là Rồng Hoa, đọc chệch thành Pha Long. Cái tên đất tên rừng vùng này có nhiều truyền thuyết ly kỳ. Sự ly kỳ cứ theo mãi trong từng ký ức qua các câu chuyện như cổ tích của các già làng. Và từ cái sự thiêng liêng của truyền thuyết ấy sẽ là sức mạnh sống mãi trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quê hương đất nước.
Việc đầu tiên là chúng tôi đến thắp hương đài tưởng niệm Liệt sĩ nơi 57 chiến sĩ Anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc tháng 2/1979. Tượng đài được xây ngay tại trung tâm xã, trước cổng đồn biên phòng 235 Pha Long Anh hùng. Nơi đây đã diễn ra cuộc quyết chiến đẫm máu giữa các chiến sĩ đồn biên phòng Pha Long với người “bạn hàng xóm” tráo trở. Chuyện đã qua ai cũng nhớ, mãi cho thế hệ mai sau. Nhưng dường như không ai muốn nhắc lại thêm mà chỉ để ghi cốt ghi xương. Song có một điều hãy nhớ rằng các thế hệ chúng ta dù bất cứ hoàn cảnh nào, lợi ích Quốc gia sẽ luôn luôn đặt lên trên hết và hãy sống để xứng với những gì tổ tiên ta để lại. “ Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại vứt bỏ? … Nếu ngươi đem một thước núi, một tấc sông của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di!...” Lời của vua Lê Thánh Tông vẫn còn đó, vẫn con nguyên giá trị, ngân vang mãi ngàn năm núi sông chưa lặng.
 Nhìn bia đá khắc tên những Anh hùng liệt sĩ mà lòng ai cũng cảm nhận sự xót thương, họ đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, giữa lúc tuổi thanh xuân mười chín đôi mươi tràn đầy sinh lực. Máu các anh đã thấm đỏ đất biên thùy, mãi mãi sẽ làm hun đúc thêm lòng yêu nước của các thế hệ tiếp nối. Chỉ có điều thấy còn lăn tăn bởi tượng đài vẫn chưa xứng tầm với máu các anh đã đổ, phải làm thế nào đấy? không những chỉ là sự tri ân mà là để cho muôn đời tấm gương oanh liệt ấy mãi trường tồn…
 Đối diện đài tưởng niệm là Văn bia chủ quyền quốc gia mới được lập. Chuyện dựng văn bia trên đất rồng hoa linh thiêng này là cả một điều xem xét tỷ mỉ về phong thủy. Bởi “phong thủy có hàng thông thì đất thịnh vượng” Việc đặt Văn bia Quốc gia là việc đại sự cho vận mệnh đất nước lâu dài, không chỉ cho lòng người mà còn cả nghĩa tâm linh. Bốn câu ghi trên Văn bịa, hành văn theo lối hán nôm càng thấy có sự linh thiêng trấn trạch: Xin được chép ra đây:

                      Nguyên thần bổn mệnh giữ núi sông
            Nam sơn bốn cõi tựa sách trời
  Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng
            Tuyệt tuyệt Long Phụng bảo quốc an
  Bình nhất Hà Việt Nam quốc thổ.

 Nghe nói hôm đặt Văn bia có ông Nguyễn Thiên Nhân lúc đó đang là Phó thủ tướng Chính phủ nay làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng các lãnh đạo Tỉnh và địa phương tham dự. Đi với đoàn đặt Văn bia có đến gần hai chục các thầy pháp sư, tăng ni phật tử. Ông Vàng Seo Dảo nhà gần đấy nói: Thiêng, thiêng lắm!” và ông kể:  Thầy cúng bảo: “Các thần đã ứng mệnh. Cúng xong là sẽ mưa to, mọi người lo mũ áo đi là vừa..”. Quả thật đang hưng hửng nắng thế mà thầy vừa lễ xong đứng vẩy mấy que nhang . Gió đâu kéo đến, mây đen vần vũ rồi mưa như trút nước. Thầy lại nói “ khi dựng xong văn bia trời sẽ lại mưa lớn!” vẫn như lời thầy quả không sai. Ai lấy đều răm rắp vái trời đất. Phải rõ ràng là thiếng chứ !. Ông khẳng định như đinh đóng cột. Đem chuyên này hỏi cán bộ đồn Biên phòng thì các anh cũng khẳng định: Đúng đấy, có thể là một sự trùng hợp nào đấy!.. Tôi thầm nghĩ chuyện phong thủy linh thiêng thì từ xa xưa con người đã am tường về địa lý, phong thủy, biết dụng phong thủy để giúp ích cho cuộc sống. Sự trùng hợp ở đây đã nói nên sự thuận trời, thuận đất thuận theo nhẽ tự nhiên thiên định. Nhưng tôi tin, không phải ngẫu nhiên mà vận chuyển cái cuốn thư Văn bia nặng cả ngàn cân từ Hà Nội đến vùng đất này dựng! Nếu biên giới phía bắc thì nhiều chỗ thuận lợi, giáp đường biên hơn nhiều? Phải có lý gì chứ! Và rồi lý gì thì lý cũng chỉ lo sao cho nước nhà bình yên, dân ta được ấm no, hạnh phúc. 
Cùng Phó bí thư thường trực Ngô Tiến Tứ xâm nhập cuộc sống của người dân nơi đây. Có đi có thâp nhập mới biết Pha Long có nhiều đổi mới, cuộc sống của đồng bào các dân tộc đã được cải thiện, nhiều hộ đã thoát nghèo, nhiều hộ đang vươn lên khá giả. Điều quan trọng là họ có ý chí vươn lên. Song vẫn còn nhiều điều phải bàn phải nghĩ suy, đó là những trăn trở khó khăn trong xóa đói giảm nghèo, trong xây dựng Nông thôn mới, công ăn việc làm cho lớp trẻ… Cách đi, hướng làm, biện pháp khắc phục vẫn là những bài toán nan giải đi tìm đáp án tối ưu. Nhưng dù sao Pha Long cũng đã được sự hỗ trợ tối đa về lãnh chỉ đạo của các cấp chính quyền. Đặc biệt là sự phối kết hợp chặt chẽ của đồn Biên phòng Pha Long.
Người lính quân hàm xanh Ngô Tiến Tứ thuộc bộ đội biên phòng của đồn Pha Long là cán bộ tăng cường giữ chức Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã. Trong hơn 10 năm gắn bó với nhân dân các dân tộc, bước chân cán bộ Tứ đã in dấu thân thuộc trên các thôn bản. Từ công tác ở cơ sở đã cho anh nhiều kinh nghiệm quý về công tác vận động quần. Tứ tâm sự: là sĩ quan Biên phòng được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn theo ngành quân sự, khi chuyển sang làm việc đia phương đã gặp không ít những khó khăn. Song vừa học vừa làm từ kiến thức thực tế, rút kinh nghiệm, học qua các lớp tập huấn, qua sách vở nghiên cứu từ đó ông Tứ đã dần nắm bắt được công việc và sử lý công việc một cách hiệu quả. Anh tâm đắc một điều muốn hoàn thành nhiệm vụ là mình phải gần dân, thân thiết với dân hiểu được tâm tư nguyện vọng, hiểu được phong tục tập quán của các dân tộc cộng với lòng nhiệt tình trước công việc sẽ là chìa khóa dẫn đến thành công.
Ngô Tiến Tứ đưa tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Duy Phượng, chủ cơ sở vận tải hành khách, tuyến Lào Cai - Pha Long. Từ một người công nhân làm đường sau khi anh xây dựng gia đình với cô giáo cắm bản Nguyễn thị Huyền, dạy tại trường cơ sở Pha Long. Nguyễn Duy phượng với hai bàn tay trắng, nghề nghiệp công việc không ổn định cuộc sống gặp không ít khó khăn. Anh Phượng tâm sự: Sau bao ngày trăn trở nghĩ suy chọn hướng làm ăn phát triển kinh tế. Xét thấy nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực. Nghĩ là làm với số tiền tích cóp từ tiết kiệm, cộng với sự ủng hộ của gia đinh anh đã mạnh dạn vay vốn anh em họ hàng đầu tư mua một chiếc xe chở khách cũ. Sãn có tay nghề cơ khí sửa chữa Nguyễn Duy Phương đã đại tu tân trang thành chiếc xe đủ tiêu chuẩn chất lương đăng kiểm. Thế rồi ngày hai chuyến Pha Long – Lao Cai phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Càng ngày nhu cầu đi lại của nhân dân càng đông đến nay anh lại tiếp tục vận động nhiều anh em cổ phần đầu tư mua xe mới. Vậy là Phượng đã biết tính toán tạo việc làm cho bản thân và giúp các người khác cùng làm. Công việc kinh doanh của anh cũng là một mô hình phát triển kinh tế của địa phương.
Còn Anh thanh niên người Hmông Tráng Seo Vàng thì lại tìm cho mình hướng đi khác. Tráng Seo Vàng bộc bệch : Thấy quê mình người dân tộc Mông là chủ yếu cho nên nhu cầu về váy áo thổ cẩm rất cao. Mình đã đi tìm hiểu cái máy gấp nếp váy của bên Trung Quốc. Được các bạn bên ấy hướng dẫn và mình mua về với giá gần 100 triệu. Tôi hỏi thế tiền đầu tư máy Vàng vay ở đâu, Vàng trả lời: “Tiền mình bán ngô mấy năm và vay của bà con, của ngân hàng chính sách đấy!” khách hàng từ Mương khương lên, từ Si Ma Cai xuống, từ Bắc Hà qua đặt hàng Vàng làm. Được biết mỗi ngày Vàng gia công cho khách  30 cái váy, bình quân mỗi tuần gấp nếp và may 200 cái váy. Hàng năm thu từ việc gấp váy cũng có đến hai trăm triệu tạo việc làm cho bốn lao động. Ngoài ra mỗi năm Vàng còn thu  5-7 tấn ngô hạt. Từ cái biết tính toán người thanh niên 28 tuổi dân tộc Mông nay đã thoát được nghèo và đang vươn lên làm giàu ngay chính trên mảnh đấy biên cương này.

          Chủ tịch xã Giàng Sin Phủ nói như khoe: Cả xã bây giờ có đến hơn 6o xe ô tô các loại. Chủ yếu để vận chuyển nông sản và phục vụ sản xuất, có vài nhà khá hơn sắm ô tô đẹp để thi thoảng đi chơi phố. Một xã vùng biên xa xôi nghèo khó gần như nhất huyện mà từng ấy xe cơ giới thì phải phục, phục quá đi cơ!. Để ý thấy rất nhiều loại xe ba bánh như kiểu xe lôi nhãn hiệu từ Trung Quốc. Loại xe này đã có thời kỳ chỉ thị cấm. Đem hỏi chuyện này, Giàng Sin Phủ bảo: Có đấy cấm thì có nghe đấy! nhưng xã thấy xe này nó hợp với bà con vùng cao, đi vào được nhiều địa hình, thuận lợi cho việc vận chuyển và sản xuất. Xã chỉ khuyến cáo không được lưu hành chở người đi chợ, đi phố thôi! Cấm bà con cũng khó đấy! Không cho ra phố, ra thị trấn nhưng vẫn chạy trên quốc lộ thì cũng bằng hòa! Nghĩ vậy thôi chứ đang lúc người dân tận dụng mọi lực từ mọi phía để phát triển kinh tế. Nói cấm thì phải nhưng cũng là cái khó cho họ…
          Nói đến Pha Long, Tả Ngài Chồ thì người ta hay kèm theo câu nói: Đấy là điểm nóng về tội phạm mua bán và vận chuyển chất ma túy qua biên giới Việt Trung. Mà đúng vậy. Qua số liệu của lực lượng phòng chống tội phạm ma túy Biên phòng cho biết thì Khu vực đường biên này đã triệt phá nhiều vụ án ma túy với số lượng lớn và có tính chất nguy hiểm chuyên nghiệp. Ấy vậy mà cả xã không có người nghiện ma túy. Thế mới là điều lạ! Có lẽ hiếm có xã nào trên đất nước này lại không có người nghiện? Ma tuy luôn là mối nguy hại cho cho đất nước nó làm suy tàn cả một lớp thế hệ. Có biết bao điều đắng đót thê thảm do hệ lụy từ ma tuy gây ra. Nếu đưa cho tôi vài viên ma túy tổng hợp hỏi đây là thuốc gì? Có lẽ tôi và nhiều người trả lời đấy là viên Sê Đa thuốc chữa cảm cúm, giảm đau. Vì nó có màu hồng. Thế mà đưa cho dân ở Pha Long thì nhiều người biết, họ đọc tên vanh vách. Tài chưa? Thật may trên địa bàn không có con nghiện nào, chứ đất này lại nghiện tràn lan thì còn phức tạp cỡ nào! Ông Chủ tích nói thế, dân nói thế. thấy vui. Song tệ nạn buôn bán vận chuyển qua vùng biên này thì vẫn nhức nhối như một khối u ác, đã làm đau đầu và mất nhiều công sức của các chiến sĩ Biên phòng đồn Pha Long và lực lượng phòng chống tội phạm.
Từ một xã vùng sâu biên giới với điểm xuất phát thấp, kinh tế khó khăn, văn hóa xã hội và đời sống nhân dân thấp kém. Mặc dù không phải là xã điểm trong phòng trào xây dựng Nông thôn mới nhưng đến nay xã đã đạt được 4/19 tiêu chí và đang tiếp tục duy tri nâng cao các tiêu chí và đồng thời triển khai nhiều biệt pháp tiếp theo. Hiện xã đã có 100% đường tạm cấp phối về các thôn bản, một số tuyến đã được đầu tư bê tông hóa, nâng cấp mở rộng đảm bảo giao thông liên thôn. Làm được như vậy là bởi Pha Long biết vận dung sáng tạo kết hợp giữa nguồn vốn từ trên và vận động tuyên truyền xã hội hóa. Vận động sức đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong xây dựng Nông thôn mới. Riêng năm 2013 Pha Long đã huy động được sức đóng góp lên đến gần trăm triệu đồng. Thành quả ấy được nhân dân phấn khởi đồng tình ủng hộ đã tạo đà cho các năm tiếp theo. Nhìn con đường bê tông phẳng phiu đến thôn Sín Chải đã giúp cho bà giao thương thuận lợi vào mùa mưa đã khẳng định được hiệu quá thiết thực của lòng dân. Được như vậy cũng nhờ một phần lớn công sức cảu các chiến sĩ quân hàm xanh đồn Pha Long giúp đỡ.
Với thổ nhưỡng khí hậu của Pha Long phù hợp với cây đậu tương truyền thống. Đây là cây đặc sản của Pha Long, những năm qua Pha Long đã phát huy thế mạnh tiềm năng mở rộng diện tích, tăng năng xuất và sản lượng đâu tương của xã đã 160 tấn. Đã tạo ra cây đặc sản hàng hóa có chất lượng cao, được thị trường ưa thích. Ngoài ra cây ngô, cây lúa là hai cây chủ lực không những bảm đảm lương thực tại chỗ mà còn là cây ngô hàng hóa. Với tổng diện tích 420 ha ngô và 112 ha lúa đã được người dân áp dụng khoa học kỹ thuật thâm canh tăng năng xuất bằng những giống mới đưa tổng sản lượng lương thực trên địa bàn lên con số hơn 2.260 tấn. Bình quân đầu người 563 kg lương thực trên năm, đã đảm bảo phần nào chống được cái đói mùa giáp hạt. Điều mà mọi cấp lãnh đạo cũng như người dân rất quan tâm. Ngoài ra chăn nuôi cũng được Pha Long rất chú trọng phát triển vừa là làm sức kéo trong sản xuất nông nghiệp vừa làm thương phẩm cho thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt người dân Pha long ngày nay không chỉ có làm nông thuần túy nữa mà họ đã biết phát huy thế mạnh trong kính thị trường mở ra nhiều ngành nghề phụ và dịch vụ kinh doanh. Chỉ cần đi dạo dọc tuyên đường Quốc lộ hoặc khu trung tâm xã đã thấy các loại hình dịch vụ phát triển khá đa dạng. Đi dọc con đường lên thôn Lồ Cồ Chin sang lối mở cửa khẩu với Trung quốc. Hai bên đường người dân đang nô nức vào mùa thu hoạch lúa, ngô. Những chiếc xe ba bánh, xe công nông, xe máy vận chuyển sản phẩm về bản, tiếng nổ rền vang. Tôi để ý những chiếc xe may đang băng băng trên đường chở những bao ngô toàn những xe xin, thượng hiệu như Yamaha, Honda…Tuyệt nhiên không thấy bóng dáng chiếc xe tàu cà mèn. Thì ra loại xe phù hợp với túi tiền nhà nghèo đã một thời làm khuynh đảo các hãng tên tuổi giờ như chết lịm. Điều đó đã khẳng định dân Pha Long bây giờ cũng khác xưa nhiều rồi.  
Người dân Pha Long giờ đã rất chú trọng quan tâm đến việc học hành của con em mình. Cách nghĩ nếp làm của người dân đã thay đổi, chú trọng đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, cái chữ đã khai mở con đường đi lên. Đến nay cơ bản về hạ tầng cơ sở trương lớp của Pha Long khá hoàn chỉnh, Trường tiểu học, trung học cơ sở, bán trú đã khang trang hai tầng, sáu điểm trường trong xã được tu sửa sạch đẹp, đảm bảo đủ yếu tố cần thiết cho dạy và học của gần 1000 học sinh của cả ba cấp học. Tỷ lệ học sinh chuyên cần ở đây rất cao đạt 96%. Mặc dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nhưng với kết quả đó cũng là điều đáng mừng cho sự nghiệp giáo dục vùng cao biên giới này. Song có một điều đáng buồn mà ông Hòa chia sẻ đó là hiện nay toàn xã có đến 30 cháu là sinh viên các trường cao đẳng và đại học đã ra trường nhưng chưa có việc làm. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận động con em đến trường. Điều ông tâm sự cũng là điều trăn trở của chúng tôi, của các cấp các ngành trong yêu tiên tuyển dụng. Nhìn những cô cử cậu cử váy áo xênh sang, điện thoại nhoay nhoáy, nhưng có biết đâu những người nông dân chân chất đẻ ra chúng đã đầu tư bao nhiêu tiền của nuôi chúng ăn học. Với bao hy vọng chúng sẽ có việc làm không phải chân lấm tay bùn cuốc nương. Mà học toàn những cái ngành nghề trái khoáy, đến khi học xong chả biết xin vào đâu. Hỏi cháu Vàng Seo Mảy : Cháu học nghề gì? Cháu học trường Văn hóa khoa múa. Đi xin việc bao nhiêu chỗ chả đâu nhận, Chú có biết chỗ nào chạy thì giúp cháu. Hết mấy cháu cũng bảo bố mẹ bán trâu bò lo. Giời ạ ! học cái nghề ẩm ương thì chạy ở đâu. Sao chúng không học nông lâm, học nghề gì gì đấy. Không xin được việc thì về trồng rừng, trồng lúa, ngô cũng còn áp dụng kiến thức học được vào cuộc sống. Thấy bực thì nói thế thôi chứ nghĩ lại thấy thương tui nó, thương cho bố mẹ chúng chờ mong hy vọng … Quả là một nghịch lý nan giải? Nên có một chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho con em là đồng bào các dân tộc từ đó khích lệ và cũng là điều cơ bản để phát triển kinh tế chính trị, văn hóa xã hội vùng cao lâu dài.
Đến Pha Long hôm nay cuộc sống đang chuyển mình đổi mới từng ngày. Đó là điều mừng và cũng còn nhiều điều không khỏi băn khoăn. Pha Long đang cần một chiến lược phát triển kinh tế xã hội dài hơi, cần sự quan tâm của các cấp chính quyền nhiều hơn nữa. Một ngày mới tươi đẹp đang trải ra trên mảnh đất vùng cao biên giới Pha Long.


                                                 24 /9/2014
                                                     C.T       



Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến