Đại tá nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý, hiện anh đang là phóng viên ban sáng tác của Tạp chí VNQĐ. Trong đợt VNQĐ mở trại sáng tác văn học tại Sa Pa với tư cách là trưởng trại viết anh đã xăng xái, năng nổ tổ chức nhiều chuyến xâm nhập thực tế. Và chuyến điền dã ngược dòng Sông Cái yêu thương,đến với tận nơi ngọn nguồn dòng chảy chạm vào đất Việt, ( A Mu Sung). Cũng như nhiều người, trước trời đất biên ải này nhà thơ đã không thể cầm được cảm xúc. Và đây cái cảm xúc cuộn dâng ngầu đỏ như sóng nước sông Hồng mùa lũ. Anh đã cho mọi người cái nhìn đầy chất thơ sâu lắng mà xa xôi, đóng kín mà mở mang, hội nhập...
Congthelc xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cám ơn !
Tùy bút của Nguyễn Hữu Quý
Tác giả cùng với chính trị viên Đồn A Mú Sung Nguyễn Mạnh Thắng bên cột mốc 92
Hồng Hà, con sông dài tới 1149 km mang quốc tịch của hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Hành trình kiến tạo địa chất đã tạo ra điều ấy và đương nhiên công dân của hai quốc gia láng giềng này không thể không thừa nhận nó như thừa nhận lịch sử thấm đẫm máu và mồ hôi của tổ tiên ông cha mình để lại. Bờ cõi là vấn đề lớn, vấn đề thiêng liêng nhất của mọi đất nước,
mọi dân tộc. Xưa từng đã thế và nay, vấn đề chủ quyền lãnh thổ vẫn còn là điểm nóng với nhiều quốc gia; nếu không tìm được cách giải quyết khôn ngoan thì biên giới, biển đảo sẽ trở thành khu vực tranh chấp, tranh đoạt, xung đột, đối đầu nguy hiểm như đốm lửa nhen nhóm cho cuộc cháy lớn, là điểm khai hỏa cho chiến tranh tàn khốc, là sự bắt đầu của máu chảy xương tan, là sự xuống dốc của kinh tế và bức tranh ảm đảm với nhiều, rất nhiều thanh niên chết trận, với nhiều, rất nhiều phụ nữ góa phụ đơn côi trở thành hiện thực xót xa.
Hồng Hà, mang tình yêu của hai dân tộc Trung-Việt và trong hành trình quanh co uốn khúc về với biển Đông bao la nó đã đi qua những khúc đoạn lịch sử dằng dặc, khi êm ả, khi thác ghềnh, lúc là của bạn, lúc là của ta, lúc là của chung đôi bên. Chắc nhiều người biết, dòng chính của Hồng Hà bắt đầu từ vùng núi thuộc huyện Nguy Sơn, Vân Nam, Trung Quốc. Độ cao khởi thủy của con sông lớn này là 1776 mét, so với nóc nhà của Việt Nam và cũng của cả xứ Đông Dương - đỉnh Phansipăng - thì nó chưa đáng được gọi từ trên trời đổ xuống. Dẫu vậy, Hồng Hà quá xứng đáng để ta kính trọng bởi khi nhắc đến lịch sử hình thành và phát triển văn minh châu thổ sông Hồng của Việt Nam không thể không nhắc tới sự can dự vô cùng quan trọng của dòng chảy vĩ đại này. Chả phải ngẫu nhiên mà dân Việt đã gọi sông Hồng là sông Cái, sông Mẹ. Gọi thế là đã mặc định tầm vóc to lớn và xác nhận vị thế số một của con sông này. Sông Hồng vật vã những cuộc sinh nở, trầm kha những kỳ dung dưỡng, phóng khoáng những giấc thăng hoa, mấy nghìn năm với bao kiếp chân lấm tay bùn, cầm cuốc, cầm cày và cầm gươm, cầm súng cùng với cung đàn, cây bút làm nên hình hài, vóc dáng, tâm tính dân tộc này. Trong mỗi con người Việt, dù ở đâu cũng mang trong máu thịt mình một phần sông Hồng, tôi nghĩ thế. Đấy là tôi đã nói đến sông Hồng của ta. Cụ thể hơn, có lẽ cũng cần nhắc lại một chút kiến thức về địa lý mà không ít người đã tường tận. Phần Hồng Hà chảy vào Việt Nam là 510 cây số đi qua 9 tỉnh thành gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình rồi hòa vào biển cả ở cửa Ba Lạt.
Trong những ngày Hà Nội nóng ngấp nghé bốn mươi độ C, chúng tôi đã lên Lào Cai và tìm tới A Mú Sung, một xã nằm ở cực bắc huyện Bát Xát. Tại sao phải là A Mú Sung chứ chưa phải là một địa chỉ khác của vùng đất phên dậu nổi tiếng Lào Cai? Đây là lời giải thích: Đến biên giới Việt-Trung, sông Hồng chảy dọc theo biên giới khoảng 80 km, đoạn thì sang bên lãnh thổ Việt Nam, đoạn thì sang bên Trung Quốc. Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng với lãnh thổ Việt Nam tại xã A Mú Sung; chính giữa sông là đường phân chia lãnh thổ hai nước...Xin nói rõ hơn, nếu tính điểm sông Hồng chảy hẳn và thuộc Việt Nam hoàn toàn là ở thành phố Lào Cai đối diện với Hà Khẩu của Trung Quốc ở bên kia.
Sông Hồng càng lên thượng nguồn có vẻ như càng hẹp lại và nông hơn. Màu nước vẫn hồng như muôn thuở đã hồng của con sông chở nặng phù sa. Phù sa đắp bồi nên những cánh đồng thẳng cánh cò bay và phù sa dập dìu luyến láy thành điệu xoan, điệu chèo của bao sấp ngửa mùa màng. Cánh nhà văn trong những chuyến đi thế này thường hào hứng lắm nên chuyện trò tưng bừng đến độ lạc cả đường đi dẫu trong xe có ít nhất bốn anh chị vốn là người của Hội Văn nghệ Lào Cai. Càng đi càng thấy mây trời nhiều hơn, gần hơn và tầm nhìn càng xa rộng hơn với nhiều điệp trùng núi non, sông suối. Đến khi ngờ ngợ nhận ra mình đã vào sâu lên đỉnh rồi mới vội vàng dừng xe hỏi đôi vợ chồng người Dao đang hái lá ngái bên đường. Trời ạ, xe đã vượt qua nơi cần đến là Đồn biên phòng A Mú Sung tới những 20 cây số đường khá hiểm trở, dù đã rải nhựa phẳng lì song quá nhiều đoạn cua tay áo chóng mặt và một bên là vách núi cao lừng lững một bên là vực sâu hun hút. Chỉ còn một giờ nữa là đến Ngọ.
Khi đã tay bắt mặt mừng với cán bộ chiến sĩ biên phòng chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Những người lính mang quân hàm màu lá cây, gọi theo cách thân mật của dân là bộ đội xanh đã ngồi chờ chúng tôi vài giờ rồi dù hôm nay thứ bảy, ngày nghỉ. Khách là các nhà văn, nhà thơ nên anh em càng mong gặp. Đồn trưởng, Trung tá Phạm Thanh Sơn; chính trị viên, Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng; đồn phó, Đại úy Vi Văn Hùng đều có mặt. Với các nhà văn mang áo lính như tôi, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Xuân Thủy, Phạm Duy Nghĩa, Lý Hữu Lương thì việc đi thực tế ở các đơn vị bộ đội không còn là chuyện lạ nhưng với các nhà văn nhân dân như Nguyễn Toàn Thắng, Lý A Kiều, Vũ Thanh Lịch, Văn Thành Lê, Cao Nguyệt Nguyên, Chu Thị Minh Huệ, Đinh Phương, Lục Mạnh Cường, Tống Ngọc Hân, Phạm Thanh Huyền, Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Cự...thì quả lạ mới mẻ và thú vị. Đây là dịp để họ gần gũi và hiểu biết sâu hơn công việc của người lính biên phòng đứng chân trên bờ cõi của Tổ quốc. Những người lính gắn liền với đường biên cột mốc, luôn khăng khít với dân vùng cao. Cái khó khăn mà họ vượt qua mỗi ngày, không chỉ tính bằng những bước chân tuần tra trên những nẻo rừng cheo leo, chênh vênh, những lần mật phục tóm bắt kẻ buôn ma túy...mà còn ở nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, những giằng xé trăn trở trước bao nhiễu nhương cuộc sống và những tháng năm trôi qua thăm thẳm cứ lặng thinh mà già như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết. Phải sòng phẳng nói rằng, không phải lúc nào, không phải bao giờ những người lính biên phòng cũng được quan tâm đúng mức. Một ví dụ rất cụ thể: Đồn biên phòng A Mú Sung đang sở hữu một chiếc ti vi xộc xệch bị mất màu và một dàn karaoke để lính ta hát với nhau trong ngày nghỉ vẫn là mơ ước của anh em ở đây. Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã ra đời nhưng bao giờ, bao giờ nhỉ những người lính ở biên cương biển đảo, ở vùng sâu vùng xa của chúng ta mới được xem đây? Thôi thì, nhân đây, chúng tôi cũng muốn “kêu hộ” cho anh em như thế, mong những người có trách nhiệm luôn luôn hướng về vùng sâu, vùng xa với tình cảm và trách nhiệm lớn nhất dành cho họ.
Điều đáng trân trọng và khâm phục với các chiến sĩ biên phòng là dù gian khổ, khó khăn đến mấy vẫn làm tròn nhiệm vụ được giao. Với họ, không tình yêu nào lớn hơn tình yêu biên giới, tình yêu đất nước, không nhiệm vụ nào thiêng liêng hơn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Đồn biên phòng A Mú Sung quản lý 26,902 km đường biên giới với 4 cột mốc được đánh số từ 90 đến 94. Tôi hỏi: “Tình hình biên giới ở đây thế nào các anh?”. Chính trị viên Nguyễn Mạnh Thắng vui vẻ trả lời: “Nhìn chung là bình yên anh ạ!”. Đồn trưởng Phạm Thanh Sơn nói thêm: “Thực ra cũng có những vụ việc nho nhỏ như dân bên nước bạn mang đất đổ ra dòng sông nhưng khi ta gặp gỡ, nhắc nhở họ dừng ngay”. Một biên giới minh định, minh bạch, hòa bình hữu nghị là ước mong của nhân dân và chiến sĩ ta. Và, những người lính quân hàm màu lá cây đang làm hết sức mình để làm được việc ấy. Sông núi xóm mạc ở đôi bờ Hồng Hà nơi đây đang giữ được sự thanh bình êm ả. Con sông lấp loáng ánh chiều chảy thao thao trước mắt tôi. Tiếng chim núi văng vẳng gần xa hòa lẫn tiếng gió lao xao. Đôi ba người lúi húi làm việc trên nương. Đứng bên cột mốc ở Lũng Pô, không ai bảo ai, chúng tôi đều quay ra hướng dòng sông. Hồng Hà, bắt đầu từ đây đã đổ vào đất Việt, một nửa dòng chảy là địa phận của ta, là phần lãnh thổ thiêng liêng mang tên Tổ quốc mình. Từ đây, sông Hồng sẽ chảy qua hơn nửa nghìn cây số nữa để hòa vào biển Đông nơi Tổ quốc mở ra mênh mang với hơn một triệu cây số vuông sóng nước, nơi có Hoàng Sa, Trường Sa và những hòn đảo khác yêu dấu của chúng ta. Trong những ngày hôm nay, biển đảo là mối quan tâm lớn nhất, thường trực nhất của những công dân đất Việt. Ở Lũng Pô, bên cạnh những người lính biên phòng như Phạm Thiện Hạnh, Hoàng Công Hữu, Lục Văn Quyết, Phạm Thanh Nghị, Nguyễn Đăng Khoa chúng tôi lại nhắc nhiều đến biển đảo. Nhắc lại chuyện tàu đánh cá của ngư dân ta bị tàu Trung Quốc bắn cháy ca bin, chuyện hàng nghìn tàu đánh cá Trung Quốc tràn xuống Trường Sa bất hợp pháp...Đúng là, cây muốn lặng gió chẳng dừng. Biển Đông đang ở trong những ngày “sóng gió”; sóng gió này không phải do thiên nhiên gây nên mà do chính lòng tham lam ham hố thái quá của những con người cậy lớn, cậy mạnh. Trên đất liền đã có những vùng biên cương hữu nghị hòa bình như A Mú Sung này thì tại sao trên biển Đông lại nhiều “sóng gió” bất an, bất ổn thế? Tương lai biển Đông sẽ ra sao khi những mưu toan bành trướng vẫn được ôm ấp và từng bước thực hiện bất chấp sự lên án của thế giới. Vẫn muốn giữ lòng mình thanh thản để tận hưởng hết cái êm ả, lắng sâu của một buổi chiều biên cương nơi sông Hồng chảy vào đất Việt mà khó quá. Vẫn cứ gợn lên một điều gì đấy bồn chồn, day dứt khi nghĩ tới biển Đông.Bóng đen của sự xung đột, đối đầu hình như vẫn lảng vảng đâu đây. Có lẽ, còn quá sớm để nói tới sự yên bình của biển Đông nhưng tôi nghĩ dù trong hoàn cảnh nào thì những người dân Việt vẫn phải ghi nhớ lời “sấm truyền” của Nguyễn Bỉnh Khiêm: Vạn lý Đông minh quy bả ác / Ức niên Nam cực điện long bình dịch ra là: Biển Đông vạn dặm giăng tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình.
Từ Lũng Pô, từ A Mú Sung, lạ kỳ thay, những người cầm bút chúng tôi lại nghe rõ biển Đông đến thế. Khái niệm Tổ quốc được biểu hiện thật cụ thể và rõ ràng khôn xiết. Gần là bờ kè vừa mới xây trên một phía sông Hồng ở Lũng Pô mà chúng tôi đang bước và cột mốc khắc rõ Quốc huy và dòng chữ màu đỏ: Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam...và xa là những vang vọng Hoàng Sa, Trường Sa đang dâng đầy trong trái tim mỗi người. Nhà văn trẻ Văn Thành Lê đến từ thành phố Vũng Tàu rưng rưng nói với tôi rằng: “Em không ngờ mình được đến đây, được đứng nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt để nghĩ về Tổ quốc rộng dài của mình”. “Tôi cũng thế Văn Thành Lê ạ, tiếng là ở Hà Nội đã lâu và đi biên giới đã nhiều nhưng đây cũng là lần đầu tiên tôi được thấy con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Tôi nói với Lê thế rồi đúng tư thế một quân nhân bất giác đưa tay phải lên ngang mày chào sông Hồng đang rực sáng trong ráng chiều biên cương...
Lào Cai-Hà Nội tháng 5.2013
Các nhà văn Trại viết VNQĐ bên cột mốc chủ quyền ở Lũng Pô
Ảnh trong bài: Nguyễn Xuân Thủy
2 nhận xét:
Nói cách khác là chỉ được khen văn hay chữ tốt thôi!
Nặc danh nói thế nghĩa là sao? Nhận xét vậy bnar chủ ko biết ra răng!
Đăng nhận xét