Thấy bên bác phó nhòm có bài của Cụ Phùng Quán, lòng ngưỡng mộ từ lâu liền cóp về hầu các bác. Cám ơn phó nhòm!
Bút ký: Phùng Quán
|
Từ năm 1958, tôi đã phải đi nhiều đợt lao động ở Hợp tác xã nông nghiệp Thái Lai (Thái Bình), Công trường Nhà máy đường Việt Trì (Phú Thọ), Nông trường cao su - cà phê Thắng Lợi ở Thọ Xuân (Thanh Hóa)… Đợt nào tôi cũng gặp phải chuyện trục trặc, oan ức, đều bị cơ quan quản lý nhận xét là "chưa tiến bộ",
"chưa khắc phục được tư tưởng nhân văn", đôi khi còn có "ý định ngóc đầu dậy"… Năm 1964 cho đến đầu năm 1965, tôi tiếp tục được Hội Văn nghệ cử đi lao động cải tạo ở Công trường Trạm bơm điện Cốc Thành, Cổ Đam. Trạm bơm điện Cốc Thành vào loại lớn nhất miền Bắc ngày đó, tưới tiêu cho hai huyện Ý Yên- Bình Lục tỉnh Hà Nam Ninh.
Trước khi mang ba lô về công trường, Võ Hồng Cương trong Ban lãnh đạo Đảng đoàn Văn nghệ căn dặn tôi: "Lần này cậu phải cố gắng lao động cho thật tốt. Cuối đợt sẽ được Đảng bộ công trường nhận xét. Đừng để xảy ra những chuyện lôi thôi như mấy đợt trước. Cậu phải nhớ rằng, nếu có nhiều tiến bộ thì tôi sẽ giới thiệu cho cậu về công tác ở Ty Văn hóa Hà Nam. Sau một vài năm phấn đấu, người ta sẽ cho cậu vào biên chế…". Tôi hứa với anh sẽ hết sức cố gắng để khỏi phụ lòng tốt của anh. Tôi đã lao động ở công trường này từ khi san nền, đổ móng cho đến khi công trình được nghiệm thu. Cùng về công trường với tôi đợt này có một tổ ba người ở Viện Văn học và Bộ Văn hóa đi tham gia thực tế theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương: Cán bộ đi làm thuỷ lợi một năm, gồm: N.N, nhà lý luận phê bình lâu năm; Mai Quốc Liên cũng là nhà lý luận phê bình mới bước vào nghề và nhà thơ Trúc Cương. Trong ba người này chỉ một mình Trúc Cương là tôi quen biết từ trước.
Trúc Cương gặp riêng tôi, nói nhỏ: "Anh N.N. là đảng viên, lập trường tư tưởng hết sức vững vàng, cứng rắn, chống nhân văn giai phẩm quyết liệt… Tiếp xúc với anh, Quán nhớ giữ mồm, giữ miệng, không có thì phải vạ đấy!"
- Được, mình sẽ uốn lười 14 lần trước khi nói!
- Còn Mai Quốc Liên thì chơi được, mới lấy vợ. Đặc điểm là rất phục thơ Chế Lan Viên. Quán nhớ không chê thơ Chế Lan viên trước mặt cậu ta.
- Chính mình cũng thích thơ Chế Lan Viên!
Năm đó tôi đã ngoài ba mươi tuổi. Tôi đã lấy vợ và có đứa con gái đầu lòng lên hai. Thật lòng từ đây, tôi muốn được sống yên thân. Tôi đã quá mệt mỏi vì phải đi lao động hết công trường này đến nông trường khác. Tôi đã chán cái cảnh: "cá trộm, văn chui, rượu chịu". Tôi tự hẹn với mình sẽ cố gắng lao động thật tốt, nói năng giữ mồm, giữ miệng. Cuối năm sẽ nhận được bằng khen của công trường vì "lao động tích cực, có tiến bộ rõ rệt về lập trường tư tưởng". Nhờ đó tôi sẽ được Hội giới thiệu vào công tác ở Ty Văn hóa, rồi sẽ được tuyển dụng lại vào biên chế, có thể bắt đầu hưởng lương cán sự 1 - 56 đồng một tháng. Thế là gấp đôi số tiền trợ cấp của Hội Văn nghệ mấy năm nay - 27 đồng một tháng. Với 27 đồng, tôi chỉ đủ nộp tiền ăn cho công trường. Nhưng điều quan trọng nhất mà tôi hy vọng, dần dần tôi sẽ được xóa kỷ luật, được xuất bản sách trở lại và có tiền để đỡ đần vợ. Tôi phải lao động ở đội mộc rồi chuyển sang đội bê tông. Lao động nặng mà không có tiền ăn sáng, tôi đói mềm người. Tôi lại xấu máu đói. Hễ đói là tay chân bủn rủn, mồ hôi vã ra như tắm.
Mặc dù lúc nào tôi cũng đinh ninh trong dạ là phải hết sức cố gắng, phải thật quyết tâm phấn đấu để mau chóng thoát khỏi cái cảnh trợ cấp 27 đồng một tháng. Nhưng rồi tôi lại gặp phải vài chuyện trục trặc không đâu, làm mất toi công sức lao động hơn một năm trời…
Tôi về đội mộc được phân công đóng cốp pha. Tay tổ trưởng tên là Hường, đảng viên, người to béo phục phịch, dân Thanh Hóa, tay nghề khá giỏi và rất tốt bụng. Tay ấy thường giao tôi việc nhẹ và dạy nghề cho tôi rất tận tình. Sau ba tháng, Hường nhận xét tay nghề của tôi: "Cậu có thể xếp vào thợ bậc 1 rồi đấy!". Tôi cười nịnh: "Nếu giám đốc công trường có hỏi thì anh nhớ báo cáo tốt cho tôi với nhé. Đại khái là tuy tay nghề còn non nhưng lao động hăng say, nhiệt tình, nói năng đúng lập trường chính sách…"
"Được được, tớ hiểu rồi. Tớ sẽ báo cáo thật tốt cho cậu. Lần nào lên họp ông ấy cũng hỏi thái độ lao động của cậu. Tớ đều bảo cậu lao động rất chăm chỉ, cần cù. Tớ còn đề nghị hàng tháng công trường nên phụ cấp cho cậu mấy đồng, cộng với tiền trợ cấp ở trên, cho ngang với lương công nhân bậc một… Ông ấy bảo sẽ xét. Lần nào ông ấy cũng nhắc nhở mình: Phải cảnh giác cao độ với cậu vì cậu là một tên nhân văn "thâm độc" và "nguy hiểm". Mình cãi: Nhưng tôi thấy hắn hiền khô mà, đồng chí? Ông ấy còn nhấn mạnh với mình: Đồng chí là đảng viên, phải xác định lập trường. Những tên đã viết văn viết báo chống chế độ thì chẳng có tên nào hiền hết! Mình quý cậu nên kể riêng với cậu thôi để cậu đề phòng. Nhớ không được nói lộ ra với ai…". Hường dặn đi dặn lại.
Câu chuyện của Hường làm tôi hết sức lo ngại. Lao động tôi càng chăm chỉ hơn. Nói năng càng thận trọng hơn. Hường có cái thú là mê sáng tác ca khúc. Nghĩa là đặt lời mới theo một số làn điệu dân ca quan họ. Hường khoe với tôi, hồi đi nghĩa vụ quân sự, anh ta đã được giải thưởng văn nghệ của tiểu đoàn vì đã sáng tác được một bài hát phục vụ chủ đề gìn giữ tác phong quân nhân. Bài hát theo điệu "Trèo lên trái núi Thiên Thai". Hường hát luôn: "Ra đường phải thắt xanh tuya này xanh i í i tuya… ".
Ngày Tết sắp đến. Công trường thông báo sẽ tổ chức một đêm văn nghệ quần chúng, tiết mục tự biên tự diễn. Hường say sưa sáng tác bài hát cho đêm văn nghệ. Nội dung bài hát là ca ngợi đội mộc đóng cốp pha đúng kỹ thuật, năng suất cao. Bài hát theo điệu "Tình bằng có cái trống cơm". Đã lâu quá rồi tôi không còn nhớ cả bài hát, chỉ nhớ câu đầu: "Tình bằng có cái búa đinh, khen ai khéo gõ ấy mới đinh nên đinh, ấy mới đinh nên đinh…". Nhưng rồi hình như công việc đặt lời cho bài hát của anh không được suôn sẻ, gặp phải chỗ bí. Tôi để ý, nhiều lúc đang làm việc Hường bỗng ngẩn ra, buông đục, bỏ cưa, bỏ rìu, rút trong túi áo ra tờ giấy nhàu nát, trải lên mặt tấm ván, nhấm nhấm nước bọt cây bút chì thợ mộc vót nhọn hoắt mà lúc nào anh cũng cài trên vành tai, cúi xuống tờ giấy gạch gạch xóa xóa, miệng lẩm nhẩm hát cái gì đó tôi không nghe rõ lời, trán cau lại. Cũng là người sáng tác nên tôi thông cảm ngay.
Điệu này là anh ta đang bí đây. Tôi thấy thương anh, muốn giúp anh gỡ bí. Bước đến gần, tôi hỏi: "Sáng tác gặp khó khăn à? Thử nói xem anh bí chỗ nào, tôi có thể giúp anh được không? Tôi không rành sáng tác bài hát lắm, nhưng việc đặt lời cho bài hát nói cũng gần với văn thơ". Anh chỉ đầu bút chì vào tờ giấy, nói: "Mình đang vấp cái chỗ: lội, lội lội sông ấy mấy đi tìm…, không biết đặt cái tiếng gì vào đó cho đúng giọng. Mình muốn dùng chữ đóng, đóng, đóng hay cưa, cưa, cưa, nhưng đều không đúng điệu dấu nặng. Nghĩ nát cả óc mà không ra. Tôi góp ý: Hay anh dùng chữ đẽo, đẽo, đẽo. Nếu hát lên thì đẽo có thể hát thành đẹo, người nghe cũng hiểu.
Anh gật gù: Đúng, đúng. Ý kiến của cậu hay. Vượt qua được chỗ bí, anh hoàn thành được bài hát ngay chiều hôm đó. Anh chọn trong đội mộc của anh năm cậu có khả năng hát hò nhất, cho nghỉ một buổi làm để tập hát. Anh lãnh nhiệm vụ chỉ huy tốp ca, vừa huấn luyện, vừa bắt nhịp, vừa lĩnh xướng.
Đêm văn nghệ bài hát của đội mộc làm cho mọi người cười vỡ trời vì khi hát đến chỗ đẹo, đẹo đẹo, khán giả ngồi bên dưới sân khấu liền rộ lên hát theo đéo đéo, đéo muốn vỡ hội trường. Ban tổ chức phải la hét đến khản cổ mới giữ lại được trật tự, nhưng không sao giữ yên được hoàn toàn. Thỉnh thoảng bên dưới khán giả vẫn rúc rích: đéo, đéo, đéo…
Hường bị giám đốc công trường gọi lên xạc cho một trận tơi bời, kết tội anh là cố ý phá rối đêm văn nghệ chào mừng thắng lợi của công trường. Hường hoảng quá phải thú thật: ba tiếng đẽo, đẽo, đẽo ấy là cậu Phùng Quán nó góp ý kiến cho tôi. Lúc đầu tôi định đặt là cưa, cưa, cưa, nhưng hắn bảo hát là đẽo… nó đúng điệu hơn…
Giám đốc công trường gầm ghè: "Đấy, đồng chí cứ khen hắn là hiền nữa đi. Nó xỏ mũi đồng chí mà đồng chí không biết. Tôi đã cảnh giác với đồng chí nhiều lần mà đồng chí đều bỏ ngoài tai, không nghe?". Sau sự việc này, Hường giận tôi lắm. Anh cũng tin là tôi chơi xỏ anh, muốn hại anh. Anh cương quyết không nhận tôi ở đội mộc nữa. Thế là tôi phải chuyển sang đội đổ bê tông. Công việc lao lực nặng nhọc gấp ba gấp bốn lần ở đội mộc. Tôi thực sự điên đầu. Nhưng cũng thật đáng đời cho tôi: Đã mù nhạc lại còn dám chơi trèo, sáng tác ca khúc! Chưa hết chuyện rắc rối này đã lại tiếp chuyện rắc rối khác. Mà cũng chỉ tại tôi quá ngu.
Còn một tuần nữa là Tết. Các bạn N.N, Mai Quốc Liên, Trúc Cương đều được công trường cho nghỉ Tết, về Hà Nội. Tôi ở đội bê tông nghỉ Tết theo công nhân. Sáng 29 Tết mới được về, sáng mùng Ba Tết đã phải có mặt ở công trường.
Ông Tám, giám đốc công trường lên Bộ họp rồi nghỉ Tết luôn trên đó. Chỉ huy công trường giao cho phó giám đốc Hộ. Ông Hộ trước cũng là bộ đội chống Pháp, tính tình hiền lành, xuề xòa. Thấy hoàn cảnh rắc rối của tôi, ông cũng có ý thương nhưng không giám tỏ rõ thái độ, mà chỉ thông cảm một cách lặng lẽ. "Tại sao hắn đi bộ đội từ nhỏ, lại viết được cuốn Vượt Côn Đảo đọc rất xúc động, bỗng thoắt một cái trở thành tên phản động, chống chế độ?, Tôi được cậu Na, phụ trách công tác tổ chức cán bộ kể lại có lần ông Hộ đã đặt vấn đề với nhà lý luận phê bình văn học N.N như vậy. N.N giải thích: "Rất dễ hiểu, lúc đó hắn còn trẻ, lại kiêu căng vô tổ chức, vô kỷ luật, chống đối lãnh đạo, mang sẵn trong người mầm mống xấu, gặp được đất tốt là mọc ngay. Về Hà Nội hắn bị bọn phản động, gián điệp, tờ-rốt-kit, tư sản mại bản kích động, lôi kéo, dùng gái, dùng tiền mua chuộc. Hắn đã khai trong bản tự kiểm điểm về vụ "nhân văn giai phẩm" là nếu nổ ra cuộc biểu tình chống đối chế độ, thì hắn sẽ cầm cờ đi đầu".
Lời giải thích của N.N rất đanh thép, nhưng hình như vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục được người lính chống Pháp xuề xòa, tốt bụng này. Thỉnh thoảng gặp tôi ở chỗ vắng vẻ, ông lại dúi cho tôi khi thì bao Tam Đảo, khi thì nửa bao Điện Biên. Những đợt giám đốc đi vắng, ông thay mặt chỉ huy công trường, tôi thường tranh thủ xin ông nghỉ vài ba ngày phép về thăm vợ con. Ông đều ký giấy cho tôi đi và dặn: "Nhớ về cho đúng phép đấy!". Ông Hộ có đặc tính là thích vui, thích văn nghệ. Ông có ý định trước khi cho công nhân nghỉ Tết, sẽ tổ chức một cuộc mít tinh nhỏ. Ông sẽ lên diễn đàn đọc mấy lời thật rôm rả về những thắng lợi to lớn của công trường, tống tiễn năm cũ, đón mừng năm mới. Sau đó sẽ có ngâm thơ, hát hò. Ông cho gọi tôi lên văn phòng, nói: "Cậu viết cho tớ một bài diễn văn. Nội dung như sau, như sau… Cậu gắng viết cho hay vào để tớ đọc trong buổi tiễn công nhân về ăn Tết. Cho cậu nghỉ hẳn một ngày lao động để viết".
Tôi sướng mê người. Tôi hy vọng nhờ bài diễn văn sẽ chuộc lại được cái tội "đẹo, đẹo, đẹo" vừa rồi. Khi hết thời hạn lao động, chỉ còn hơn một tháng nữa, ông sẽ có cảm tình hơn với tôi, ghi tốt vào bản nhận xét và cấp bằng khen. Vì tuy là phó, nhưng ông là bí thư đảng uỷ đồng thời phụ trách công tác tổ chức. Tốt nhất là đúng dịp ấy, ông Tám đi vắng. Tôi cầu Trời khấn Phật cho ông Tám đi vắng đúng vào dịp ấy!
Tôi vận dụng hết tài ba văn chương để viết bài diễn văn này. Bao nhiêu từ ngữ hoa mỹ, đại ngôn, khoa trương tôi tương hết vào bài diễn văn. Tôi mở đầu bài diễn văn như sau: "Thời gian trôi chảy trên công trường như dòng sông Đáy êm đềm trong xanh (công trường nằm bên bờ sông Đáy) trôi trên cánh đồng Bình Lục, Ý Yên chiêm khê mùa thối (ý nói là hạn và úng). Nó như đàn ngựa đang phi nước kiệu. Nhưng rồi với quyết tâm vượt năng suất thi công để chào mừng năm mới, năm bản lề của giai đoạn quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, Ban lãnh đạo cùng với công nhân đã quất cho đàn ngựa thời gian lồng lên phi nước đại…v.v.. và v.v…".
Bài diễn văn được công nhân xuýt xoa khen hay, vỗ tay dài, vỗ tay ran. Ông Hộ sướng phổng mũi. Sau kỳ nghỉ Tết, ông đưa bài văn ra khoe với nhà lý luận văn học N.N: "Các đồng chí đi vắng, tôi phải nhờ Phùng Quán viết. Tôi thấy hắn viết được đấy chứ. Xem ra lập trường tư tưởng hắn dạo này tiến bộ vững vàng hơn nhiều so với ngày mới xuống công trường. Đúng là lao động chân tay rất có tác dụng sâu sắc trong việc cải tạo con người".
N.N đọc xong bài văn liền sa sầm nét mặt: "Hắn viết xỏ đồng chí mà đồng chí không biết. Hắn dùng thể văn biểu tượng hai mặt, tiếng Pháp gọi là xanh- bon ê-ki-vớt (Symbole équivoque). Đây là một chủ trương hắn hoi của bọn nhân văn mà chúng đã thú nhận trên báo chí. Hắn ví công nhân như một bầy ngựa và lãnh đạo công trường chăn ngựa bằng roi vọt. Trước "phát hiện" của nhà lý luận phê bình N.N, ông Hộ tím mặt vì giận. Ông cho là tôi đã lừa ông như lừa con nít bằng thứ văn chương "biểu tượng hai mặt" đó. Khi được nghe Trúc Cương kể lại sự việc này, tôi sững người. Tôi không ngờ cơ sự lại diễn ra theo chiều hướng đó! Chuyến này thì một năm trời lao động cực nhọc hóa thành công cốc. Việc được vào biên chế, được xóa án kỷ luật trở lại với nghề văn, được in sách để có tiền nhuận bút càng xa vời. Tuy vậy tôi vẫn còn chút hy vọng ở ông Hộ, người chiến hữu một thời của tôi sẽ nghĩ lại, sẽ thông cảm mà nhận xét tốt cho tôi, mà ông có mất gì cho cam! Tôi hồi hộp khi được biết tin khoảng một tuần nữa, tổ Văn nghệ sĩ tham gia "một năm làm thuỷ lợi" sẽ hết hạn trở về Hà Nội và tôi cũng sẽ được về cùng. Ngày tiễn đưa chúng tôi đã được ấn định. Hôm đó, Ban chỉ huy công trường sẽ phát bằng khen cho mỗi người. Sau đó là một cuộc liên hoan nhẹ chuối, bánh ngọt, nước trà. Phòng tổ chức đang chuẩn bị giấy khen. Chờ lúc vắng người, tôi vào phòng hỏi nhỏ cậu Na, người phụ trách công tác bằng khen. Tôi hổn hển như người hụt hơi: "Mình có được bằng khen không?". Cậu Na nói: "Không thấy tên anh, chỉ có tên các anh N., Cương, Liên". Tôi chết điếng. Thế là bao nhiêu hy vọng tan thành mây khói. Không có bằng khen mang về trình Đảng đoàn Hội sau hơn một năm trời lao động cải tạo nghĩa là tôi là phần tử nhân văn giai phẩm không thể cải tạo được nữa. Trong khi đó các nhà văn nhà thơ khác có dính dáng đến nhân văn như Trần Lê Văn, Quang Dũng… đều đã được trở lại công tác trong biên chế, được in tác phẩm.
Càng nghĩ tôi càng giận thân. Làm văn mà viết câu văn không sáng sủa đến nỗi gây nên tai họa. Ôi giá như tôi đừng làm văn mà làm lính thì bây giờ, chắc mình đang ngang dọc ở chiến trường đánh Mỹ. Tôi được tin sư đoàn 325 của tôi đã vào đến chiến trường. Cậu Hồi, tiểu đội phó của tôi bây giờ đã là tiểu đoàn trưởng, huân chương đầy ngực. Buổi chiều về, tôi và Trúc Cương rủ nhau ra sông Đáy tắm giặt. Tôi nói với hắn: Cậu giúp tớ với. Cậu thử gặp ông Tám, ông Hộ nói tốt cho tớ, đề nghị các ông ấy nghĩ lại, cấp bằng khen cho tớ. Với các cậu, cái bằng khen chỉ là một tờ giấy viết chữ đẹp, có đóng dấu đỏ treo lên tường cho vui. Còn với tớ là được thêm gần 30 đồng lương mỗi tháng, được trở lại nghề văn, được in tác phẩm, thêm được chút tiền nhuận bút đóng góp với vợ nuôi con và được chấm dứt cái cảnh phải đi lao động hết công trường này đến nông trường khác.
Trúc Cương buồn rầu nói: "Chính mình cũng đang khó khăn, suýt nữa cũng không được bằng khen vì chuyện cô Hòa. Mình không giúp được Quán đâu. Quán thông cảm với mình đi. Đừng giận mình". Thôi được, mình sẽ tự phấn đấu lấy. Và trong giây phút ấy, tôi bỗng thấy mình đơn độc khung khiếp. Tôi bật ngâm lên một câu thơ: Tôi đơn độc giữa biển người! Đêm tiễn đưa, ông Tám giám đốc đứng lên nói mấy lời đưa tiễn tốt đẹp tổ văn nghệ sĩ do Trung ương cử về tham gia chủ trương lớn của Đảng: Một năm làm thuỷ lợi. Rồi ông phát bằng khen trao tận tay từng người. N.N thay mặt tổ phát biểu cảm tưởng, nói lên những thu hoạch sâu sắc trong thời gian đi thực tế được cùng chia sẻ niềm vui cũng như khó khăn gian khổ với bà con, anh em ở công trường trên bước đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chờ N.N dứt lời, tôi thu hết cam đảm đứng lên nói: "Bản thân tôi, trong quá trình lao động cải tạo hơn một năm vừa qua, tôi đã hết sức cố gắng lao động hăng say, tích cực không ngại khó ngại khổ. Tôi tự nhận xét so với các anh khác, tôi cũng xứng đáng được công trường cấp bằng khen.
Ông Tám không đứng lên mà ngồi yên tại chỗ, vừa hút thuốc vừa nói, không nhìn vào mặt tôi: "Đảng uỷ công trường đã xét kỹ trường hợp của đồng chí. Tuy đồng chí có chịu khó lao động, nhưng về mặt lập trường tư tưởng vẫn còn nhiều thiếu sót nghiêm trọng, cần phải tiếp tục lao động cải tạo để khắc phục sửa chữa. Mặc dù như vậy, chúng tôi cũng chiếu cố biểu dương tại chỗ đồng chí, còn bằng khen, chúng tôi đã hội ý với trên, đồng chí chưa đủ tiêu chuẩn…".
Giọng của ông thật rành mạch, thật dứt khoát.
Từ công trường muốn về Hà Nội, tôi phải đi bộ 25 cây số dọc theo đê sông Đáy 5 cây lên đến cầu Gián Khuất. Từ Gián Khuất theo Quốc lộ Một 20 cây số nữa đến ga Phủ Lý. N. N, Liên, Cương có xe đạp đi nhẩn nha chỉ mất hơn hai tiếng. Tôi cũng có chiếc xe nhưng đã bán mất rồi để thuốc thang cho con gái hồi nó mới lên một. Vì thế tôi phải đeo ba lô lên đường từ lúc trời chưa rạng sáng. Sông Đáy còn mờ mịt khói sương và thấp thoáng ánh lửa chài. Lên đến cầu Gián Khuất trời mới hửng sáng. Tôi trút cái ba lô vải bạt thủng vá nhiều chỗ còn giữ được từ ngày làm lính xuống rệ cỏ ướt sương.
Tôi tụt xuống bờ sông dốc đứng, cúi người vốc nước sông Đáy rửa mặt. Tôi bỗng phì cười với ý nghĩ miên man: Hơn ba chục tuổi đầu đời tôi đã rửa mặt trên không biết bao nhiều bờ suối, bến sông. Có lẽ vì vậy mà một đứa trẻ chăn trâu, một anh lính i- tờ rít sinh ra làm thở, làm thơ.
Đời tôi có một cái nghiện là nghiện rửa mặt. Hễ thấy suối, sông, đầm, hồ là mặt tôi cứ nóng phừng, ngứa ngáy, và tôi phải tìm cách rửa mặt cho bằng được!
Hễ thấy nước là tôi thèm rửa mặt.
Rửa mặt nhiều dị ứng thành thơ!
Tôi ngồi lên chóp cái cột cây số sứt mẻ, chữ đã tróc, mờ: Phủ Lý 21 km, lôi trong ba lô ra một cái bánh bao không nhân đường đậu, to bằng hai bát ăn cơm. Nói cho chính xác là cục bột mì luộc. Nó cũng có lai lịch của nó.
Từ ngày có công trường, mậu dịch huyện Ý Yên mở cửa hàng ăn uống để phục vụ công nhân. Phụ trách cửa hàng là cô Hòa vừa béo vừa lùn, đen trùi trũi, mặt to tròn như mặt thổ địa. Cô ta yêu nhà thơ Trúc Cương mê mệt. Nghe Trúc Cương là nhà thơ, cô liền làm thơ tình tặng Trúc Cương theo kiểu "Đồi thông hai mộ":
Anh Trúc Cương giờ đây đâu nhỉ
Anh của em yêu quý nhất đời
Anh đi biền biệt xa khơi
Em ngồi xào nấu bồi hồi nhớ anh
Mỗi lần Trúc Cương ra chơi cửa hàng, cô đều dúi cho khi cái bánh mì, khi cái bánh bao - cục bột mì, kèm theo một bài thơ tình kiểu "Đồi thông hai mộ". Chiều qua, cô dúi cho Trúc Cương những hai chiếc với ý thơ: trước kia yêu một, nay yêu gấp đôi. Trúc Cương chia cho tôi một chiếc để sáng mai ăn đường. Tôi bẻ từng miếng bánh nhỏ bỏ miệng. Nhẩn nha nhaỉ. Vừa nhai vừa ngắm con đường quốc lộ Một ngổn ngang ổ gà, hun hút chạy về phía thị trấn Phủ Lý. Tự nhiên một nỗi buồn ghê gớm dâng lên làm nghẹn cả cổ.
Đúng 10 năm trước, cũng cái ba lô này, đôi dép cao su này, tôi đã đi bộ trên con đường này từ thị xã Thanh Hóa ra Hà Nội. Và có lẽ tôi cũng đã tụt bờ dốc xuống đúng con sông này rửa mặt. Nhưng ngày ấy tôi trẻ bao nhiêu, hạnh phúc bao nhiêu! Nhưng cũng chỉ vì một cái cột cây số giống như cột cây số tôi đang ngồi lúc này mà cuộc đời tôi đã phải rẽ một khúc quanh thật đột ngột.
Nếu buổi sáng hôm đó, tôi không dừng lại cái quán nước bên đường ăn một củ khoai luộc, và trước mặt quán không có cái cột cây số sứt mẻ, chữ khắc phai mờ vì cả chục năm trời kháng chiến đã bị bỏ quên nhưng vẫn còn đọc được: HÀ NỘI 157 km, thì có lẽ lúc này tôi đang chỉ huy một đại đội trinh sát quân giải phóng, đang cùng đồng đội sư đoàn nổ súng công đồn diệt viện hoặc đã ngã gục dưới làn đạn trong tiếng hò hét xung phong ở một địa danh quen thuộc nào đó tại quê nhà, đâu đến nỗi phải khốn khổ vì một mảnh giấy khen của cái công trường xây dựng trạm bơm điện Cốc Thành này…
(Rút trong Ba phút sự thật)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét