Nhà thơ Trần Hùng bên Chủ tịch nước |
Công Thế
Ngày áp tết âm
lịch tôi tìm đến “ Xóm Rùa” theo cách gọi của nhà thơ Trần Hùng về con phố Quy
Hóa - Thành phố Lào Cai nơi ông trú ngụ. Lúc đến thấy ông nhoài người ôm ghì
lấy cái bàn cũ kỹ đang hý hoáy viết. Không dám làm kinh động hồn vía nàng thơ
đang quẩn quanh nơi ông, tôi đứng lặng bên cửa. Lát sau thấy nhà thơ đưa bản thảo lên đọc oang
oang với niềm say mê đầy vẻ
phấn khích. Nhìn cảnh ấy mà thấy lòng kinh ngạc. Một
ông già ngót ngét chín chục tuổi mà vẫn tinh tường, mẫn tiệp. Không cần mục
kỉnh, không phần mềm phần cứng, words, wetb gì cho phức tạp. Chỉ cây bút bi và
vài tờ lịch xé trên tường vậy mà thơ cứ xổ ra đều đều. Nhất là nghe và nhìn
cung cách ông đọc, nghiền ngẫm thơ thì mới hiểu được sự say mê đắm đuối và cả nỗi
nhọc nhằn của ông cỡ nào. Tôi có cảm tưởng hồn vía ông như thoát ra khỏi thế
giới thực để bổng chìm vào thế giới huyền ảo, mông lung của những siêu kỳ, hư
thực. Chiết tự, rạch ròi, uyển chuyển câu chữ theo cung bậc. Có lúc cao trào nghe
vang như giọng Opera trong dàn giao hưởng. Thật tình tôi không biết nói thế nào
nữa về lòng khâm phục của mình đối với sự đam mê đó của “ trưởng lão”.
Với một người
sắp bước vào cái tuổi cửu trùng thì việc đi lại ngoài trời trong những ngày giá
rét như thế này thật ái ngại. Tôi như đoán được điều đó, lên đánh bạo đến thăm.
Thông thường vào giờ này ông cưỡi con xe điện rong ruổi quanh thành phố để hòa
mình vào không khí sôi động của dòng đời chảy trôi tấp nập. Cái sự đi lại ấy
cũng là một thú thư giãn của tuổi già, mà không hẳn thế dưới góc nhìn nhà thơ
nhiều khi trở thành lung linh huyền diệu và có cả những đăm chiêu, ẩn khuất.
Đang nghiền ngẫm, khi ngẩng lên nhận ra tôi đứng
trước cửa. Như vớ được người để sẻ chia, ông reo lên vui vẻ, hồ hởi nói. “ Thời
tiết không thuận nên tôi phải bó gối ngồi nhà. Chưa kịp để tôi thưa thì ông lại
tiếp “ Nhưng ngồi nhà mà lại ra việc đấy, sản phẩm mới đây! ” Ông phất mạnh tờ
lịch to bằng khổ A4 trên tay ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Cũng phải thôi. Cái
sướng của người làm thơ là thế đấy. Khi đứa con tinh thần vừa mới được “sinh
hạ” thì sự phấn khích như muốn chuội ra để được sẻ chia. Nhất là với bạn bè
cùng giới thì sự ấy càng bộc lộ. Tôi đã thấy, có người vừa làm xong bài thơ cứ
xướng tướng lên rồi nhẩy cẫng mà hét như nhập đồng. Hiểu điều đó tôi ngồi ngay
cẩn như một học trò. Ông nhẩn nha đọc. “ Ngày
xuân chơi mấy cành đào/ Sau ba ngày tết rơi vào nhạt phai/ Chỏng chơ giữa trốn
trần ai/ Đào phai vẫn nở một vài nụ xuân” ( Cành đào tết) Tôi lặng người. Bài
thơ mới này lại một triết tự, ẩn dụ sâu xa, một sự suy tư, trải nghiệm và lắng
đọng như một nốt nhạc trầm đầy ưu tư…
Trong gian nhà
nhỏ bé đơn sơ nhưng thấy ấm áp. Ông lập cập mở tủ mang ra chai rượu, bảo: “rượu
quý đây, làm chén cho khí thế ngày tết”. Tính ông không hay rượu, nhưng thường
thì khách đến ông vẫn có cái thú mời khách cùng nhâm nhi và luận bàn văn chương
thế sự. Tôi nghe lõm bõm hình như chai rượu quý giá này của một vị lãnh đạo cỡ bự nào đấy biếu đợt ông sẩy chân ngã xe phải nằm liệt giường gần tháng trời. Định
nói điều gì đấy về chai rượu. Nhưng lại nín thôi, nếu thế thì còn gì là rượu quý
nữa…Tôi chuyển hướng gợi chuyện quá khứ về cuộc đời của ông, cái thời trận mạc là anh
vệ quốc đoàn. Quả thật, người già hay sống bằng ký ức. Bởi những ký ức dù buồn
hay vui nó song hành theo ta suốt thiên lý cuộc đời. Như một tài sản vô giá mà
những năm tháng từng trải đã tích lũy. Nó như người bạn tri âm ngày đêm dung
dưỡng tâm hồn con người ta sống và ngẫm suy. Ông lặng đi một lúc, ánh mắt xa
xăm, giọng trầm xuống. Ông tâm sự về bao nỗi chìm nổi của mình trong suốt chặng
đường khúc khỉu và không ít đắng cay. Ông tự cho mình như một người leo núi.
Ông nói cuộc đời là một hành trình leo những dẫy núi điệp trùng. Con người như
một vận động viên, muốn tiến lên phía trước thì ắt phải leo, phải chinh phục.
Mặc dù hành trình ấy không ít gian truân và nhiều hiểm nguy. Và chính cuộc đời
ông đã bước đến những nấc cao nhất định của cái núi chơi vơi cuộc đời.
Ông sinh năm
1925 tại Bình Lục - Hà Nam .
Quê ông vùng đất đồng chiêm trũng, cái rốn nước của đồng bằng bắc bộ của những ngập
lụt chiêm khê mùa thối. Tuổi thơ ông cơ cực lênh đênh trên chiếc thuyền thúng
của mẹ mò cua bắt ốc. Năm lên bảy tuổi cậu bé Trần Hùng bò nhoài trong chiếc
thúng trên đôi quang gánh của mẹ khắp đồng xa bãi gần. Mười tuổi đã cùng gia
đình tản cư, phiêu dạt tận vùng đồi trung du Phúc Yên làm thuê làm mướn. Suốt
ngày câu bé theo mẹ trên đồng. Mùi rơm rạ, mùi bùn đất, rồi cảnh đói khát triền
miên nơi xa quê ngấm vào tâm hồn. Ông còn nhớ thời giặc giã gia đình chạy loạn chui
lủi trên khu rừng Đèo Nhe dưới chân núi Tam Đảo, đói khát hàng mấy ngày tưởng
như chết lả trong rừng. Rồi cuộc “thiên di” của gia đình ông dừng lại trên đất
Lào Cai. Năm mười ba tuổi cậu bé Hùng đã tự biết đi vào rừng đốn củi, đốt than bán
kiếm tiền mua gạo phụ giúp gia đình. Vừa học vừa đi làm thuê kiếm sống. Những
cảnh cơ cực ấy đã khắc sâu trong tâm trí ông bật thành những vần ký ức. “ Mẹ cha ngâm mình trong cánh đồng chiêm/…/
cuốc mướn, cầy thuê/ lọt sàng văng khỏi thúng/ Cánh cò lận đật tha phương/Tôi
theo gồng gánh mẹ cha/ Bò dậy làm người/ Trong đói no/ Vẫn gằng tìm khoảng trời
xanh để thở” (Thơ viết cho mình).
Mùa thu năm
1945 đất nước giành độc lập. Cũng từ đó đã mở ra một chân trời mới đầy ánh hào
quang. Chàng thanh niên Trần Hùng hai mốt tuổi, khôi ngô tuấn tú đã trở thành
người chiến sĩ vệ quốc của trung đoàn 165 Quân Khu Việt Bắc. Với đức tính thông
minh, gan dạ anh vệ quốc Trần Hùng đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong tiễu
phỉ, diệt ác, trừ tề. Ông còn nhớ như in trận đánh trên đèo Mã Yên Sơn - Mường
Vi. Trận đó Chính trị viên đại đội Trần Hùng chỉ huy, đã đánh tan một cánh quân
của giặc trong đó một thiếu úy người pháp và tên bán nước việt gian khét tiếng Thề
Thổ Kền đã đền tội. Năm 1950 ông cùng trung đoàn kéo về giải phóng thị xã Lào
Cai, giải phóng Bát Xát. Những năm sau đó ông chuyển ngành sang mặt trận văn
hóa, văn nghệ. Ở vị chí nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lại nhớ thời
ông làm Phó trưởng ty văn hóa tỉnh Lào Cai, được giao nhiệm vụ vận động, tổ
chức thành lập hội VH-NT tỉnh Lào Cai cùng với nhà thơ Huyền Sâm, Vi Khánh
Vinh, Lê Vân… Đây là hội VH-NT ra đời đầu tiên tại khu vực Tây Bắc. Hội đã quy
tụ được đông đảo các văn nghệ sĩ như nhà giáo, nhà văn Bùi nguyên Khiết, nhà
văn Ma Văn Kháng, Quảng Trung Cầm, nhạc sĩ Huyền Tân, Tiếp sau là các thế hệ
như nhà thơ Lò Ngân Sủn, nhà văn Mã A Lềnh, nhà thơ Pờ Sảo Mìn, Đoàn Hữu nam...
Ông tâm sự: Suốt mấy chục năm theo cách mạng, những năm kháng chiến gian khổ
ông sống sót, thành người như bây giờ cũng là nhờ được sự thương yêu, chở che,
đùm bọc của đồng bào các dân tộc. Dù ở cương vị nào, đôi bàn chân chai sạn ấy
vẫn xông xáo không biết mỏi trên các sườn núi chênh vênh, hẻo lánh của dãy
Hoàng Liên. Để tìm đến cái đích cao cả của cuộc đời và đam mê, tự tin về nghĩa
cả.
Không phải sau
này nghỉ hưu ông mới bén duyên với nàng thơ mà từ trước đó, anh vệ quốc đoàn đã
có tâm hồn lãng mạn, viết báo, làm thơ. Không biết có phải vùng đất nơi quê
hương “Ông Cò” Cụ Tam Nguyên Yên Đổ có ảnh hưởng đến cái chất lãng mạn của ông
hay không? Có tài dân vận, có khiếu văn nghệ với những vần thơ giản dị, mộc mạc.
Chả vậy mà cô gái giao liên xinh đẹp người Giáy đã bén duyên ngay từ ngày gặp
ông bên bờ suối Mường Hum và sau chính là người vợ thương yêu của ông. Bà đã
cho ông bảy người con phương trưởng. Bà là nguồn động viên là điểm tựa vững
chắc để cho ông vượt qua các đỉnh núi. Cho đến bây giờ ông vẫn không nguôi
thương nhớ người vợ hiền đã ra đi. “ Nhớ
em anh ra bờ suối/ Vớt lại tiếng em cười/ Mò lại lời em hát/ Tắm cho mát anh
ơi/ … Nhớ em anh lục lọi vườn thơ/ tìm về ký ức/ Vẫn không quên nỗi nhớ…” (
Nhớ). Trong cuộc đời ông cũng không ít những biến cố éo le, nhiều khi tưởng
chừng không gượng nổi. Vậy mà thơ đã là chỗ cho ông vịn đứng lên để sống, để
vui. Ông nói, thơ là người bạn nâng đỡ tâm hồn, thơ giúp ông chia sẻ cái thăng
bằng và cái bất thăng bằng của cuộc đời. “ Khi
đắng cay giận hờn/ Tôi tựa vào câu thơ/…đứng dậy/ Khi gặp kẻ ti tiện/Tôi tựa
vào câu thơ/ Thơ giúp tôi vui để sống/..( Đứng dậy). Thơ ông đã làm xúc
động cho độc giả, hướng đến cái cảm của Chân -Thiện – Mỹ. Một kỷ niệm mà có lẽ
trong đời với ông sẽ không bao giờ quên. Từ những vần thơ bật lên từ tâm khảm
người chiễn sĩ già từng trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Đó là
đợt Chủ tich nước Nguyên Minh Triết khi lên thăm Lào Cai, ông vinh dự là đại
biểu được gặp Chủ tịch. Cái nắm tay với một vị lãnh đạo nhà nước đã làm ông dung
động, từ trong sâu thẳm cõi lòng bật lên những vần thơ tặng Chủ tịch. Sau
chuyến thăm, Chủ tịch Nước đã gọi điện và gửi thư chúc mừng. Cử chỉ ấy đã làm
ông vô cùng cảm kích về người đứng đầu Nhà nước vẫn quan tâm đến đời sống văn
nghệ. “ Niềm vui tháng tám nhớ đời/ Cầm
tay non nước nghe lời nước non/Dốc lòng nước mạnh dân an/ Làm theo gương bác
sắt son nghĩa tình.”( Niềm vui).
Nhà Trần Hùng và nhà văn Thanh Huyền tại trai sáng tác BX
Mặc dù tuổi đã
cao, nhưng ông là những hội viên nhiệt huyết của phong trào văn nghệ địa phương.
Hiện là hội viên Hội VH - NT các DTTS Việt Nam; Hội văn nghệ dân gian Việt
Nam; Hội VH-NT Lào Cai và là công tác viên cho nhiều tờ báo ở địa phương và
Trung ương. Đến nay ông đã xuất bản bốn tập thơ, hai tập ký lịch sử. Những tác
phầm ấy được nhiều người tìm đến để hiểu thêm về lịch sử miền đất quê hương Lào Cai. Ghi nhận
những thành tích trong sáng tạo văn học nghệ thuật ông đã nhận nhiều giải
thưởng qua các năm từ Trung ương đến địa phương. Có thể nói câu không xanh rờn tí nào về ông, nhà thơ Trần Hùng là một những già
làng trong làng văn nghệ các tỉnh miền núi phía bắc.
Xuân này tính tuổi ta ông đã chạm ngưỡng cửu tuần. Vậy mà vẫn
không nguôi nuôi dưỡng tâm hồn bằng những vần thơ. Cái góc nhìn trong thơ ông đa
chiều, nhiều nghĩa, nhiều khi cứ mụ mị, ám ảnh, sâu xa triết lý mà nhân văn,
Lãng mạn bay bổng mà ngay cẩn. Đắng cay, gai góc mà vẫn ngọt ngào. Nhiều câu
thơ như vết dao cứa vào da thịt. Phải chăng những câu thơ của ông được dung
dưỡng bằng những ngày tháng khổ đau, bằng những dạn dầy từng trải? “… Chọn ngày làm bạn/ Chọn đêm để mơ/ Tỏ tình
với làn sương nhẹ/ Bằng cây bút dài năm tháng/ Thơ viết về chặng đường trước
mặt/ Về tiếng nấc sau lưng…Thả ký ức/ Trong tĩnh lặng bút xô đêm thức/”… (
Ông gia xóm rùa).
Hành trình cuộc đời ông vẫn chưa ngừng nghỉ. Mạnh
khỏe, minh tuệ, thông thái thật là của hiếm. Thơ của ông vẫn xuất hiện đều trên
tạp chí Phansipăng và các báo chí. Kể cũng lạ, một sự lạ bái phục, kính nể về
sức sáng tạo, đam mê. Ông cho rằng cuộc đời là những dãy núi điệp trùng. Còn
tôi nghĩ, nhà thơ Trần Hùng, ông già “xóm rùa” là người leo núi miệt mài đến
nay vẫn chưa ngừng nghỉ trên cái núi thơ mênh mông và không ít phần khổ ải. Mặc
dù phía trước, ông đã cảm nhận thấy ánh hoàng hôn đang lóa vàng chân trời. Cảm
giác thò tay là gõ được. Càng cảm phục ở ông, một người bình thản biết trước, biết
sau, tự tại và khiêm nhường… “ Tôi gõ
hoàng hôn bằng tiếng nhạc/ Hóa thành em ngơ ngác xa xăm/ Tôi gõ hoàng hồn bằng
khúc hát/ …. Nỗi cô đơn đau buốt đến nhường nào/ Muốn rũ bỏ mà không rũ nổi/
Chiếc lá khô đắp đổi quanh nhà/…Nếu có thể lấp sông bằng nỗi nhớ/ thì phía bờ
sẽ hóa dòng trong/ Tôi gõ hoàng hôn bằng tiếng dân ca/ Mắt dõi buồn đau đáu
những ngày xa ” ( Gõ hoàng hồn).
C. T
Lào Cai xuân Quý Tỵ
* Những dòng
in nghiêng trích thơ Trần Hùng
2 nhận xét:
Bài viết ca ngợi bác Trần Hùng như thế là khá. Viết tâm huyết. Bố cục và chọn tình tiết cũng được. Công Thế có nhiều triển vọng viết ký.
Tuy nhiên vẫn còn 5 lỗi ct, trong đó có 2 lỗi trích thơ Trần Hùng. Nhưng chắc bác ấy cũng thông cảm.
...Chứng tỏ Phó nhòm "nhòm" rất kỹ.
Chứng tỏ bác là phó nhòm thật quả không sai. Ai lại xét kỹ đến thế là cùng!Cảm ơn nhà bác
Đăng nhận xét