Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Tri Phủ" văn chương...

                                                           
            Hôm qua đang lang thang dạo dọc triền sông tìm cái cảm giác bâng khuâng chiều cuối năm. Ấy là vào cái cữ này với ai chứ tôi đã thành thói quen dễ có đến mấy năm rồi. Cái thú của chiều cuối năm được đi ngược dòng sông, ngược gió  ngược về dĩ vãng, trong cái lạnh tê tê, trong cái buồn chông chênh hoang hoải, có cái thấy đấy đến rồi lại đi biến tan vào đôi bờ bồi lở như trò ú tim. Đời người bươn bải mải miết như dòng trôi cần mẫn dạt xô tìm về biển cả. Ký ức cứ nhạt nhòa ẩn hiện như trò ma mãnh tạo cho tôi cảm giác thú vị.
Nhưng vâng, đang miên man như vậy cú điện thoại của Nguyễn Cự ( Chúng tôi thường hay gọi vui anh với cái tên tri phủ vì anh đã từng làm tri huyện rồi lên đến cỡ hàng tam phẩm quan tỉnh.)  ấy vậy mà văn chương cứ dạt dào như nước nguồn. Anh thông báo cho biết rằng vừa mail tác phẩm về cho tôi.
Thú thật tôi nghĩ cái blog vớ vẩn của mình mà cũng được tri phủ nhà văn này quan tâm tin tưởng thì ghê gớm thật, không vậy anh còn nhắn là nhờ blog chú đưa lên giùm. Trời ạ. Đại ca tri phủ văn chương này đã ăn nhiều giải từ tiểu thuyết đến truyện ngắn mà cưa sừng cỡ này cơ à. Nghĩ mà mình cũng thấy sướng âm ỉ. lại còn nói nhỏ chú xem góp ý. Góp ý thì tôi chắc chịu vì không dám vác thước qua cửa nhà Lỗ Ban, còn đưa đăng trên blog thì đờ rét ngay. Và đây hầu các bác một trong nhiều  truyện ngắn của "tri phủ" Nguyễn Văn Cự


HOA TRINH NỮ
                                                                 Truyện ngắn của nguyễn Văn Cự
Đã lâu rồi, tôi mới lại có dịp đi tàu hoả về quê ăn tết. Qua một đêm ngồi tàu, hành khách đều mệt mỏi. Cả không gian hình như chỉ còn có tiếng gõ đều đặn của con tàu. Bỗng có tiếng mời thuốc, mời nước ở đầu toa, tôi chờ để uống một chén cho tỉnh ngủ. Uống xong, khi trả chén cho cô hàng nước, tôi chợt nhận ra cô đang nhìn tôi thì phải. Lấy tiền ra trả thì cô ta lại ấn cả ấm vào tay tôi và bảo: “Anh khát thì cứ uống đi!”.
Nói rồi, cô ta vội vã quay về cuối đoàn tàu. Tôi không kịp nói gì, tay cầm ấm, chén mà ngỡ ngàng lúng túng. Một lúc sau trấn tính lại, và tôi chợt nhận ra một nét rất quen qua cái nhìn ấy. Ừ!... Đôi mắt ấy… Cả người tôi nóng lên như có một dòng điện chạy qua. Thôi! Đúng là Trinh rồi, khuôn mặt có gầy đi, mái tóc đã vương vấn bụi trần, nhưng ánh mắt ấy thì không thể nào khác được. Tôi bàng hoàng cả người. Bất giác những kỷ niệm của một thời choáng ngợp cả tâm trí của tôi.
… Ngày ấy… chúng tôi là bạn học của nhau. Phố huyện của tôi nghèo lắm! Gọi là phố, nhưng cũng chỉ như một làng nhỏ ở miền xuôi. Mọi người trong phố sống với nhau đầm ấm như những làng quê. Là năm học cuối cấp III, nên chúng tôi thường gép đôi với nhau. Mọi người thường bảo, tôi với Trinh là đẹp đôi nhất! Trinh có đôi mắt đẹp như mắt Đức mẹ đồng trinh. Có cái nhìn đằm thắm và tha thiết lạ thường. Một lần tan học, Trinh bảo tôi: “Hôm nay nhà mình đi vắng cả, về nhà mình ăn cơm đi!”.
Dọn cơm xong, nhưng tôi thấy trên mâm cơm chỉ có một bát và một chiếc thìa. Trinh xới cơm đưa cho tôi. Tôi đói quá, muốn vồ lấy bát cơm ăn ngay, nhưng cố kìm lại và lưỡng lự hỏi: “Thế còn bát của trinh?”. Trinh không nói, chỉ nhìm tôi tủm tỉm cười: “Thôi, đói thì cứ ăn đi!”. Và thế là tôi cắm cúi ngồi ăn… Ăn xong Trinh giót cho tôi một chén nước. Có điều trình cầm chén lên và uống đi một nửa rồi mới đưa lại cho tôi. Ánh lửa bập bùng làm cho mắt Trinh sóng sánh. Tôi ngây ngất nhìn Trinh, như người leo dốc hụt hơi, muốn nói mà không sao nói được. Tôi lơ đãng cầm lấy uống luôn mà không hề nghĩ đằng sau động tác ấy có ẩn ý gì không? (Sau này nghĩ lại tôi mới biết, hôm ấy Trinh muốn cùng tôi ăn chung một thìa, một bát như cùng uống chung chén nước).
 Đêm ấy về nhà, tôi nghĩ ra bao nhiêu là câu nói hay, để mai đến trường nói với Trinh. Nhưng khi gặp Trinh, tôi không còn nhớ ra một điều gì nữa. Mãi đến lúc tan học trên đường về nhà, tôi mới hỏi nhỏ: “Hôm qua Trinh đói lắm phải không?”. Trinh đấm tôi thùm thụp: “Người đâu mà ngố thế?”…
Cuối năm học ấy, cũng là lúc chúng tôi đủ tuổi tham gia vào tổng động viên chỗng Mỹ cứu nước. Ngày sắp lên đường, chúng tôi thường rủ nhau ra đứng trên cầu phố huyện để tâm sự, vì chỉ có nơi ấy với chúng tôi là thơ mộng hơn cả. Những ngày đầu thu, gió nhè nhẹ thổi; nước dưới sông lấp lánh như ánh bạc; thỉnh thoảng lại có một vài đám mây chạy lang thang trên bầu trời cao vời vợi; sương đầu mùa mỏng tang như lụa càng làm cho không gian thêm huyền ảo. Trinh nép vào người tôi và trao cho tôi một tấm khăn vải, trên đó có thêu một nhành hoa trinh nữ. Trinh nữ là một loài hoa dại, nó không đẹp khi đem cắm vào lọ, nhưng nó lại đẹp đến mê hồn nếu ta được ngắm cả một cánh đồng trinh nữ đang độ nở hoa. Trinh thường ước ao có một sức sống mãnh liệt như loài hoa trinh nữ này. Và ký ức về loài hoa trinh nữ trong tôi từ đó trở thành một kỷ niệm đẹp không thể phai mờ.
Huấn luyện xong là chúng tôi được đưa ra chiến trường ngay. Tôi may mắn được trở ra Bắc làm liên lạc cho một đơn vị nhận quân. Địa điểm nhận quân lại chính là quê hương của mình. Được lãnh đạo cho về thăm nhà mấy hôm. Tối đó, tôi cùng Trinh lặng lẽ cầm tay nhau đi dọc theo bờ sông phố huyện. Trinh trầm ngâm, tựa sát vào tôi. Linh cảm trong tình yêu mách bảo tôi sẽ có một điều gì đó… Bỗng Trinh ôm chầm lấy tôi nói khẽ: “Tối nay…, tối nay… chúng mình ở lại với nhau bên bờ sông này nhé!”. Tôi lưỡng lự: “Nhưng…, nhưng…”. Trinh dứt khoát: “Không nhưng gì cả, ngày kia là họ đến ăn hỏi rồi”. Tôi bàng hoàng: “Sao ?.. Ăn hỏi ai? Có liên qua gì đến chúng mình?”. Trinh vẫn ôm chặt lấy tôi: “Chuyện dài lắm! Họ ăn hỏi thì kệ họ, em chỉ yêu mình anh thôi, chờ anh bao lâu em cũng chờ được”.
Thực tình chúng tôi mới chỉ yêu nhau theo cách yêu của tuổi học trò, còn tình yêu đôi lứa thì cũng chỉ như nụ hoa chớm nảy trên cành. Cái tuổi 19 của tôi được nắm tay một người con gái đã là tiểu thuyết lắm rồi. Tôi thấy sợ… mặc dù cái khát vọng được yêu trong tôi như một ma lực, tôi cũng ôm chặt lấy Trinh… Cùng lúc ấy, dưới sông đám thuyền chài cũng bắt đầu về bến. Tôi và Trình rời nhau. Tôi nói nhỏ: “Thôi ở đây không tiện, tối mai kể cho anh nghe nhé”.
Trời vào thu, mùa thu hoạch qua đi nên kho hợp tác trống không, tôi hẹn Trinh tối mai tới đó. Cũng không ngờ rằng đây là một khoảng khắc cuối cùng êm đềm nhất chúng tôi được ở bên nhau. Chiến tranh như một lực đẩy vô hình đưa dần chúng tôi ra đầu xa cách.
Tối sau, vừa đến đống rơm của nhà kho chúng tôi đã quấn quýt bên nhau, tưởng như trời sinh ra thế gian này chỉ là sở hữu của riêng mình. Bỗng có tiếng chân người và một chuỗi âm thanh nặng chịch phát ra trong cổ họng: “Con này giỏi thật, dám bỏ nhà theo giai à?”.
Trinh bật người đứng dậy: “Anh chạy đi! Bố em đấy!”. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì ông đã sấn vào nắm lấy tay Trinh. Tôi vội nói; “Thưa bác lỗi là tại cháu, trinh không có lỗi gì đâu ạ!”. Ông gạt tôi ra dằn giọng: “Anh tránh ra để tôi dạy con tôi!”. Nói rồi, ông lao vào góc kho, lấy chiếc đòn cân lúa bằng gốc tre đực, nhằm thẳng vào trinh mà vụt. Tôi vội kêu lên: “ Trinh chạy đi!”. Nhưng Trinh vẫn đứng như trời trồng. Và sau đó, tôi chỉ còn biết làm như một cái máy, lao đầu vào người ông, cây gậy văng ra, ông ngã ngửa vào đống rơm. Tôi vác Trinh chạy một mạch ra bãi soi bên bờ suối….
Hôm sau ra xe trở về đơn vị, biết trinh không đến tiễn được, nhưng tôi vẫn mong, vẫn đợi. Khi xe chạy ra đến đầu phố huyện, thấy một một người con gái mặc áo màu tím hoa cà đứng vẫy nón bên đường, mắt tôi nhoè đi vì sung sướng! Người con gái đó là Trinh. Tôi nhoài người ra cửa xe: “Trinh!.. Anh đây!... Tôi cứ nhoài người như vậy cho đến khi bóng Trinh khuất vào bóng núi.
Tàu về đến ga, tôi vội xuống tìm Trinh. Nhưng… Trinh đã lên đoàn đoàn tàu chạy ngược. Ở cửa tàu, tôi vẫn còn kịp nhận ra một bóng người mặc áo màu tím hoa cà, bóng em nhoè dần, nhoè dần… Tôi chợt tỉnh đi về cửa ga, thầm nghĩ: “Đời tôi và Trinh cũng giống như những con tàu, vội vã đến ga rồi lại vôị vã ra đi…”
Mồng hai tết, tôi đến thăm mẹ Trinh. Tôi chúc tết và mừng tuổi bà theo phong tục. Bà cảm ơn tôi, rồi nói: “ Nhìn Anh thì tôi không nhận ra, nhưng nghe giọng nói, tôi biết ngay anh là bạn của con trinh thời trước!”.
 Thế rồi bà cứ nói, hình như lâu lắm bà không được giãi bày với ai. Bà nói: “Bác nói chuyện cũ nó buồn, nhưng anh thông cảm, bác nói là nói hộ cho con Trinh. Cái hôm ông ấy nhà tôi bắt gặp anh và con Trinh ở nhà kho, về nhà nó run lẩy bẩy, cứ ôm lấy mẹ mà khóc. Ông ấy chẳng nói chẳng rằng, cầm con dao vót nan đặt lên bàn, uống hết nửa chai rượu, rồi gọi bác và con Trinh ra. Hai mẹ con đứng nép vào cây cột này. Ông ấy đứng lên giơ thẳng con dao nhằm hướng trên đầu vợ con mà chém. Bác ấn con trinh ngồi thụp xuống thì con dao cũng bập vào cột. Ông ấy lắc đi lắc lại một lúc mới gỡ được con dao ra khỏi cột. Để con dao xuống bàn, ông ấy nói dằn từng tiếng: Khi nào vết chém trên cột này liền thì tôi mới thay lời ước hẹn!”.
Lời ước hẹn của bố Trinh thì tôi đã biết: Chuyện nói lại thì dài, nhưng đấy là lời hứa gả con cho nhau của hai người bạn. Không ngờ lời hứa ấy lại là tai hoạ cho mối tình đầu của tôi và cho cuộc sống của Trinh sau này. Trinh kiên quyết từ chối đám ăn hỏi do bố sắp đặt. Còn tôi sau khi vào lại chiến trường, trong một trận đánh bom, tôi bị thất lạc … và đã có báo tử về địa phương. Di vật của tôi gửi về có cả tấm khăn thêu nhành hoa trinh nữ mà Trinh tặng tôi lúc lên đường. Trinh sang nhà tôi xin phép bố mẹ tôi để thắp nén hương cho tôi. Sau đó ba năm, như một định mệnh, Trinh vẫn phải lấy người chồng do bố sắp đặt…
Tôi ngước mắt nhìn lên cột nhà, nơi có vết chém, nhưng vết chém hình như đã liền! Thấy vậy tôi lượng lữ hỏi bà: “Thưa bác thế còn…?”.  Ba hiểu ý tôi và giải thích: “ Ầ! Thằng chồng con Trinh sau này không ngờ lại thành một người hư hỏng… Ông ấy nhà tôi ân hận quá, tự tay nấu sáp ong gắn vào vét chém trên cột. Lúc sắp chết cho gọi con Trinh về, không nói được nữa, nhưng vẫn còn kịp cầm tay nó và chỉ vào vết chém trên cột. Con Trinh nhìn theo, nó hiểu: ông ấy nhà tôi đã thay lời ước hẹn… rồi gục xuống ôm lấy bố mà khóc!...
Tôi như vừa trải qua một giấc mơ… Trời ơi! Nếu như không nhìn thấy Trinh trên tàu, nếu như không đến thăm mẹ Trinh thì với tôi, những chuyện này sẽ mãi mãi như hòn đá vô tình trơ trơ bên bờ suối. Trinh là như vậy! Những người ở phố huyện quê tôi là như vậy! Thì ra con người ta chỉ chưa hiểu nhau thôi, chứ thực lòng thì ai cũng muốn sống tốt với nhau.
Trên đường về nhà, tôi thả cho tâm hồn vương vấn với những kỷ niệm xa xưa: đây là con đường chúng tôi thường đi học về; kia là bến sông đầu phố, con đò cũ được thay bằng cây cầu treo, xa xa như điểm vào không gian một đường cong huyền diệu; ngoài bãi sông là ngút ngàn những vạt hoa trinh nữ đang nảy lộc vào xuân… Gần 30 năm!... những dấu ấn của không gian, của cuộc đời cũng đã phôi pha, chỉ còn có tình yêu của con người ở nơi này là vẫn còn xanh như cánh rừng xa phía chân trời!...
                                   

9 nhận xét:

phó nhòm nói...

Phải viết là "Tri phủ" thì mới đúng chính tả.

Phó nhòm nói...

Phải viết là "tri phủ"thì mới đúng chính tả

congtheblocg nói...

Cám ơn bác em sai biết rồi cám ơn phó nhòm

Nặc danh nói...

Liệu trong chúng ta, ai có thể quên được những kỷ niệm đầu đời, nó sâu đậm và sẽ theo hết cuộc đời này có phải không?Phải sâu đậm lắm mới nhớ được đôi mắt người xưa, hiểu được Tinh nữ một lại hoa trên mảnh đất sỏi cằn.Vậy có thể nào quên được hình bống của người ấy Tri phủ ơi???

Nặc danh nói...

Anh Thế em bây giờ mới comment cho anh được,không hiểu sao ạ.

Kiên Sa Pa nói...

Comment mà nặc danh mới ghét chứ.Em check lại đây

Kiên Sa Pa nói...

Rồi,em kiểm soát được rồi anh.Mấy hôm nữa em ra, lại làm một trận bí tỉ nhé anh

Kiên Sa Pa nói...

abc- kiểm tra comment

congtheblocg nói...

Anh chào chú . Hôm nào ra báo trước nhé, tất nhiên là bí tỉ rồi còn món chú hôm trước đặt xem số lượng cụ thể anh chuyển về. Cám ơn hi hi

Bài đăng phổ biến