Truyện ngắn
…Sau ba đêm nói trên, một đêm có trăng, một đêm không trăng và một đêm mưa lớn, người kể câu chuyện này chỉ còn nghe thấy: Tiếng khóc thất thanh của một đứa trẻ, tiếng kêu cứu đơn độc của một ông già và tiếng mưa trên sông đêm. Không thấy người thơ đâu cả, không có lẽ Nguyễn Du đã hóa thành mưa rồi đi? Nhưng hình như không phải vậy, sông văn vẫn còn thoi thóp chảy dưới trăng? Lại là trăng, không gì khác ngoài trăng…
Đêm thứ nhất: Con tàu mang nó đến thành phố này. Bỏ lại sau lưng một vùng quê chìm sâu vào dĩ vãng. Nó bắt đầu tuổi thơ mình dọc những sân ga. Bạn bè với sao đêm và chuột cống. Nơi cư trú tạm bợ của gia đình nó là một chiếc toa tàu cũ nát bỏ không, nằm bẹp dưới nắng mưa. Sớm sớm, các thành viên của gia đình du mục này tản đi kiếm ăn. Mẹ và chị lớn bán nước ngoài sân ga. Còn nó và hai chị khác lang thang đi gom nhặt bìa giấy vụn. Người làng nó, bỏ quê đi kiếm ăn và ra hành khất ngoài thành phố khá đông. Tụi trẻ con quen mặt nhau, nhưng ít khi được đàn đúm, bởi còn phải theo gia đình đi kiếm sống. Dạo này, bỗng dưng có mấy người khách lai vãng, lui tới cái toa đen dột nát của gia đình nó. Gặp những đêm mưa, họ còn ngủ lại. Đấy là những người bạn trai của mấy chị gái nó. Tối nào họ cũng ném cho thằng bé vài chiếc kẹo cao su. Thằng bé ngồi chầu hẫu xem họ đánh bài và cấu chí nhau, cho tới khi mắt nó díp lại. Cơn buồn ngủ gói nó vào manh chiếu hôi hám cùng với lũ chấy rận. Chợt một đêm, nó thức giấc. Ngọn đèn dầu tắt ngóm tự lúc nào. Mấy người chị của nó bỏ đi đâu chơi không rõ. Chỉ còn tiếng ngáy sền sệt của người mẹ đang lên cơn sốt chìm lẫn trong tiếng vo ve của bầy muỗi đói. Nó bò ra ngoài cửa chiếc toa đen cũ nát. Ánh trăng trên sân ga đọng thành từng vũng trên cỏ tối mấp mô. Nó chợt thấy một người đàn bà điên ngồi phía bên này sân ga. Chị ta cởi trần mình cho ánh trăng ve vuốt, rồi chị bế nựng vầng trăng đêm trong vòng tay xương xẩu của mình. Chốc chốc, người đàn bà điên lại cất lời ru vầng trăng bằng cái giọng khàn khàn, u ám của mình. Thỉnh thoảng chị ta lại cười rú lên, khạc nhổ vào những thanh ray sắt và cái đầu tàu đen ngòm cứ định câu móc vầng trăng kia vào cái chốt nối toa, đặt lên đường ray rồi sềnh sệch kéo tuột vào bóng đêm cho mất dạng. Thằng bé không hiểu vì sao con người lại có thể phát điên trong một đêm trăng như thế. Nó chợt giật mình vì có những tiếng cười rúc rích như chuột cắn trong một cái toa tàu bỏ không nằm gần đấy. Tiếng cười nghe khá quen. Nó rón rén đi vòng phía sau lưng toa xe, và nhìn vào từ phía cửa bên kia. Nó nhận ra giọng nói, nhận ra hơi thở của người thân khi mấy người chị của nó cùng lũ bạn trai đang chơi trò trốn tìm trong bóng tối. Những tiếng thì thào bí mật bật rung hí hóp trên sàn toa tàu. Nhờ có một vài lát sáng mờ ảo của trăng đêm lọt qua vách tàu, thằng bé mới phát hiện thấy mấy người trong toa đều cởi trần giống như người đàn bà điên ngoài sân ga. Thằng bé còn phát hiện thấy trên sàn chiếc toa đen, những thân thể cuốn lấy nhau như muốn vắt kiệt ánh trăng thành nước. Bóng tối là một thứ áo quần mà tự do phân phát cho những kẻ không cam chịu tù túng. Vậy mà thằng bé lo cho họ. Nó nghĩ rằng mấy người ấy sắp hóa điên, giống như người đàn bà ở truồng, đang ru nựng vầng trăng phía bên kia sân ga. Nó đập vào thành tàu, để đánh thức cơn sốt của mấy kẻ đang vật vã âu yếm nhau với những mảng lưng, mảng ngực trần nhờn nhẫy mồ hôi trăng. Mấy người trong toa tàu giật mình ngơ ngác trong giây lát, rồi quát đuổi thằng bé về. Tội nghiệp cho nó, ấp ứng mãi mới hù dọa được một câu: “Em về mách mẹ cho mà xem!”. Rồi nó quay đi, bỏ lại sau lưng tiếng cười ngặt nghẽo của mấy cô chị. Đi được một đoạn, chợt thằng bé giật thót mình khi thấy một cái đầu tàu đen trũi như con trâu sắt khổng lồ, đang lùi lũi lao về phía cái toa đen, nơi mấy người thân của nó cùng đám bạn bè đang cuốn lấy nhau. Phải cứu lấy họ, thằng bé nghĩ thế. Nếu không, con trâu sắt này sẽ nghiến nát lũ người không một manh áo che thân, không một tấc vũ khí tự vệ trong tay. Thằng bé bắt chước người phụ tàu, hàng ngày vẫn dùng cờ hiệu để nối toa và cắt toa trên sân ga. Trong tay chú bé lúc ấy, vật duy nhất có, không phải lá cờ hiệu mà lại là vầng trăng xanh xao như mất máu. Nó vừa chạy lùi trên những thanh ray, vừa dùng tay phất trên đầu thứ ánh sáng nhợt nhạt kia, mong người lái tàu thấy nó mà dừng lại. Nhưng chiếc đầu tàu hung hãn như con trâu sắt vừa mù, vừa điếc vẫn lao thẳng đến. Chú bé vấp ngã. Và những chiếc bánh sắt nhảy chồm lên, đè nát tiếng kêu trẻ thơ dưới vòng quay man rợ. Bọn người mình trần nhảy túa ra từ chiếc toa đen kia, kêu thất thanh, nhưng tất cả đều đã muộn. Chỉ còn lại người đàn bà điên, ôm vầng trăng bé bỏng trên tay, đi dọc sân ga, cất lời ru, đòi bóng đêm trả lại đứa con cho mình. Sau này, có người nói với tôi, người điên ấy là mẹ của chú bé…
* Đêm thứ hai: Đã quá nửa đêm. Người họa sĩ già chưa ngủ được. Gian buồng chật hẹp của ông chập chờn những mảng màu tối sáng, vẫn mù mịt khói thuốc. Phải cố quên đi và ngủ thôi, ông tự nhủ. Rồi đèn tắt. Giấc ngủ muộn có phần nào đó giống như một bức tranh của trường phái trừu tượng. Phải thưởng thức, ngẫm ngợi khá công phu. Nhưng có lẽ chẳng ai thưởng ngoạn vẻ đẹp của hội họa khi bụng mình còn đói. Người mua tranh xưa nay phần lớn là những người khá giả. Hoặc chí ít ngày cũng được hai bữa cơm, rượu tươm tất. Còn cánh họa sĩ lúc này, xem ra không ít người phải chạy ăn đong từng bữa như cảnh nghiệp ông. Tranh bán rẻ đã đành, thậm chí lại còn bị ăn cắp bởi những người yêu mến mình một cách láu cá.Đã mấy tháng nay, ông không bán nổi một bức tranh. Cũng còn may là mấy bức ký họa được một tay sưu tầm mua theo kiểu bố thí, giúp ông sống thoi thóp. Đêm về khuya, con phố tối trông như một chiếc bẫy chuột khổng lồ, đang rình đợi cùng với những giấc mơ nghiến răng ken két, mộng mị cùng vôi cát. Sắp thiu thiu ngủ, chợt ông thấy có tiếng đàn bà thì thào đâu đó trong căn buồng của mình. Quái ! ông vốn sống độc thân. Họa hoằn lắm, dăm tháng mới có hơi bóng một người đàn bà thoảng qua. Ấy là hồi ông còn trẻ. Chứ giờ thì rượu còn không đủ uống. Thiết gì !…Sau khi nghe ngóng một hồi, ông phát hiện ra tiếng trò chuyện là của mấy người đàn bà trong các bức tranh ông vẽ. Một người nói: Em còn ướt, hắn đang vẽ dở. Chắc chiều nay đói quá, run tay, không vẽ nổi. Có thằng bạn tạt qua. Hắn như bắt được vàng. Bỏ ra phố kiếm chút rượu suông. Một giọng khác ghen tỵ: Hắn vẽ em ba tháng chưa xong. Còn chị chỉ chừng ba ngày. Nhiều ít như thế, đủ thấy sự công phu và hời hợt là chuyện ngẫu hứng của kẻ sáng tạo. Người kia phản đối: Thời gian chưa hẳn là một chuẩn mực. Em thấy chị đẹp hơn, nói được nhiều hơn cả về hình hài và tâm trạng. Thế hắn có ngủ với chị không? Kẻ trả lời cười ngất: Mới vẽ có một phần tranh, hắn đã đòi ôm ấp, vuốt ve. Chị hỏi: thế không chịu được à? Chàng lúng túng phân bua: sự sáng tạo phải được rung động và cọ xát thì tranh mới có hồn. Thế đấy, thế nào rồi hắn cũng ngủ với em. Có tiếng chép miệng: Tội nghiệp chàng, gọi là âu yếm nhau trong mộng mị thì đúng hơn. Chứ mấy ông này đã bán cả phần hồn, phần xác cho nghệ thuật thì ngoài đời còn hơi sức gì. Tiếng một người khác: Không hiểu trong đời vẽ của mình, hắn đã bán bao nhiêu phụ nữ như chúng ta. Đấy là một tội ác!Phải rồi - cả đám người đẹp nhao nhao lên: Rồi cũng sẽ đến lượt chúng mình bị bán, bị đổi lấy rượu và ngũ cốc. Trong một xã hội văn minh, tội mua bán phụ nữ phải khép vào hình phạt nặng nhất, mà hắn thì thường xuyên bán rẻ chị em mình hết ngày này qua tháng khác. Có tiếng gào lên : Phải treo cổ, phải chung thân! Người họa sĩ già chồm dậy, mắt hoa vì đói, vì sợ bị khủng bố và bắt tù. Từ các bức tranh trong phòng vẽ, những người đẹp hung hãn nhảy xổ vào họa sĩ. Ông đập tường, la hét, kêu cứu. Khi hàng xóm dỡ cửa vào được, thấy ông nằm bất tỉnh nhân sự dưới chân những giá vẽ ngổn ngang, đổ vỡ. Họ gọi xích lô đưa ông tới bệnh viện. Lúc ấy, trời chưa sáng hẳn. Phố đêm trở lại yên tĩnh với cái vẻ âm u của một chiếc bẫy chuột khổng lồ… * Đêm thứ ba: Đêm ấy mưa thật to. Bốn bề tối đen. Vạn vật thiếp đi trong giấc ngủ sợ hãi. Tôi như bị cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Tôi như bị chìm rất sâu trong một đêm mưa lớn. Không cha mẹ. Không vợ con. Không bạn bè. Bốn bề gió mưa tăm tối. Bốn bề thăm thẳm cô đơn. Ngoài trời. Họ nhà sấm một mình gieo rắc tai hoạ. Sét gầm gào, xé toạc cả một vùng đêm bằng những ngọn roi điện khét lẹt, nhức nhối. Thị giác tôi, thính giác tôi, thân thể tôi, tâm thức tôi, ký ức tôi… bị bỏng rát, nát tươm. Bởi những tia chớp quất xuống liên hồi như muốn giày xéo. Như muốn hành hạ. Không thể gì cản nổi cơn thịnh nộ cuồng điên của gió mưa trong đêm ấy. Gió như muốn bứt trụi những mái nhà yên lành bằng bàn tay đen tối của mình. Có cảm tưởng, chỉ những gì thấp bé hơn ngọn cỏ, chỉ những gì xác xơ nén chịu mới được tồn tại một cách phù du, vật vờ trong kiếp sống ấy. Mưa đêm xối xả đập xuống mặt sông. Một con sông lớn đang dâng lên trước mặt tôi. Dâng lên mãi. Nuớc lạnh. Mưa cũng thật lạnh. Chỉ còn lại trái tim trong ngực tôi thoi thóp ấm và phù sa. Phù sa như máu của một miền châu thổ trong tôi bị dẫm đạp, bị hành xác. Rồi mưa cũng ngớt dần. Rồi trăng lên trên sông vắng. Và trên bãi cát đêm chảy dài như một mộng mị. Một ám ảnh dưới trăng. Tôi mơ thấy mình bất ngờ được gặp cụ Nguyễn Du đi câu trên sông đêm. Hoá ra cụ ra sông câu từ lúc trời còn mưa to lắm, nón áo đến giờ còn lướt thướt uớt ròng. Trên tay cụ là một chiếc cần trúc. Và cụ mang theo một bầu rượu, giắt ở thắt lưng. Đầu đội nón lá, chân đi đất, cụ Nguyễn câu gì trong đêm mưa ấy. Chỉ có giời mới biết và chỉ có thi ca được biết mà thôi. Được gặp một thiên tài viết mấy ngàn câu lục bát khiến quỷ thần cũng phải rung động, tôi bàng hoàng hỏi thăm cụ: “Thưa đại thi hào, trong đêm mưa lớn thế này, người ra sông đêm câu gì vậy? Cháu nghĩ đêm nay hình như cụ không phải ra sông câu cá chơi, có phải vậy không, thưa cụ?”. Nghe tôi hỏi, cụ Nguyễn Du đăm chiêu nhìn tôi chốc lát, như muốn phán truyền điều gì đó. Rồi cụ tươi tỉnh chỉ dòng sông trước mặt và nói: “Anh bạn thơ trẻ, anh nghĩ cũng gần đúng đấy. Trong đêm mưa lớn thế này, ta ra sông không phải để câu cá chơi đâu. Dòng sông lớn đang cuồn cuộn chảy trước mặt chúng ta kia đâu phải là dòng sông bình thường. Đó là dòng sông văn đấy. Nó đang thức dậy khát khao sau nhiều đêm thiếp ngủ trong lãng quên, anh bạn trẻ ạ ! Và đêm nay, ta ra câu chữ trên dòng sông văn ấy. Ta nói điều này cho anh biết. Chỉ có trong những đêm mưa lớn của đời người như anh đang từng phải trải qua, người thơ mới có thể ra sông văn câu được những bài thơ, tứ thơ, những câu chuyện văn chương hay nhất trong cuộc đời cầm bút của mình, nghe chưa…”. Nói xong, cụ Nguyễn Du lấy bầu rượu tưới xuống dòng sông văn trước mặt, rồi vừa đi, vừa ngâm nga mấy đoạn Kiều. Bóng cụ khuất dần sau mưa đêm. Cũng trong đêm mưa ấy, khi trăng đã lên và mưa đã ngớt, tôi còn nghe thấy trên sông văng vẳng tiếng hát của một người con gái trẻ ở làng bên ra sông giặt lụa. Tiếng hát trong văn vắt như một dải lụa mềm dưới trăng. Tôi choàng tỉnh dậy, sau giấc mơ kỳ lạ ấy và thức suốt một đêm mưa lớn để làm bài thơ dưới đây, mong ghi chép lại cuộc gặp gỡ thú vị, may mắn vừa diễn ra, để ghi nhớ những lời dạy bảo ân tình của cụ Nguyễn Du: Đêm mưa, gặp Nguyễn trên sông Đầu đội nón lá, chân không mang giày Ông ra câu cá sông này Một chiếc cần trúc phất đầy mưa đêm
Ông dốc bầu rượu tưới lên Dòng sông mặt sách còn thiêm thiếp nằm Các người ngủ suốt trăm năm Nguồn thơ đã cạn, nguồn văn đã mòn
Dậy đi thôi nước vẫn còn Sông vẫn đang chảy từ nguồn cội xa Sông là bạn học của ta Ta học sông cách phù sa đắp bồi
Sông văn chảy dọc cuộc đời Nguyễn ngồi câu chữ dưới trời mưa đêm Có cô gái trẻ làng bên Ra sông giặt lụa vào đêm Nguyễn về
Thế rồi đêm ấy bờ đê Mưa thì đã tạnh, trăng thề đã rơi Hình như họ đã thành đôi Sông thơ chảy suốt một trời Nguyễn Du
Truyện Kiều ông viết trong mơ Ngoài sông tiếng đập lụa như vẫn còn Lụa như trăng giặt chẳng mòn Nàng Kiều đêm ấy vẫn còn trên sông
Người lụa đã nhận ra ông Đầu đội nón rách, chân không mang giày Ông ra câu chữ sông này Một chiếc cần bút phất đầy trăng đêm
* Sau ba đêm nói trên, một đêm có trăng, một đêm không trăng và một đêm mưa lớn, người kể câu chuyện này chỉ còn nghe thấy: Tiếng khóc thất thanh của một đứa trẻ, tiếng kêu cứu đơn độc của một ông già và tiếng mưa trên sông đêm. Không thấy người thơ đâu cả, không có lẽ Nguyễn Du đã hóa thành mưa rồi đi? Nhưng hình như không phải vậy, sông văn vẫn còn thoi thóp chảy dưới trăng? Lại là trăng, không gì khác ngoài trăng…
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét