Hãi hùng còn vì, dăm năm trước, cũng PV báo Nông nghiệp Việt Nam đã viết loạt bài về một xã ở Thiệu Sơn (Thanh Hóa) có 350 cán bộ bấu vào sự đóng góp của dân mà sống. Chúng tôi cứ đinh ninh rằng, các cấp trên và nhất là cấp lãnh đạo địa phương…
ngượng mà rút bớt, ngượng mà xin nghỉ hoặc nếu không còn biết ngượng thì cũng do sợ trên mà cho nghỉ bớt. Nhưng hóa ra không những không biết ngượng, không biết sợ mà lại còn ngang nhiên thách thức. Bằng cớ là không rút bớt mà còn tăng lên 30% nữa, từ 350 lên 500.
Con số 500 cán bộ ở cái xã có 2.000 hộ thì có nghĩa cứ 4 hộ nuôi 1 hộ. Cái hộ có người làm cán bộ này vẫn có ruộng như mọi hộ khác, nhưng lại được 4 hộ khác góp sức vào nuôi. Thì hẳn là sướng hơn 4 hộ còn lại. Nhà không thể to bằng dinh cơ ông Chủ tịch nhưng chắc là to hơn các hộ không có ai làm cán bộ. Cũng cần nói cho hết nhẽ, làm cán bộ có nghĩa là lên trụ sở ngồi, có việc thì làm, không có thì ngồi chơi; nhưng làm hay chơi thì cũng cứ phải uống nước. Mỗi tháng mỗi người dùng hết 1 lạng chè, 500 người thì hết 50 kg, giá bây giờ cũng ngót chục triệu. Và cái việc rõ nhất và quan trọng nhất mà cán bộ làm là họp, mà cứ họp là có chén. Vậy tôi cứ tính sơ sơ, tiền chè, tiền chén, tiền điện của xã 500 cán bộ ấy nếu không hết chừng nửa tỉ, ¾ tỉ mỗi năm thì cứ bắc kiềng lên lưng tôi mà nấu nước cho họ uống.
Cho nên cứ thu về 5 tạ thóc thì phải góp cho xã 1 tạ để nuôi cán bộ là một tất yếu. Con số này lại khiến ta hãi hùng nữa: Từ cổ xưa, người ta đã tính “làm ruộng thì lấy cái lãi 2/10”; thời bây giờ, tiến bộ canh tác kỹ thuật khá hơn, được mùa thì lãi 4/10, thất bát thì chỉ còn 2 – 3/10. Vậy con số 1/5 nói lên rằng, cán bộ cưa đôi cái lãi của dân, nếu thất bát mất mùa thì dân chịu thiệt cho yên ấm làng xã, vui lòng nhận về mình cái lửng lép 1/10.
Đó là một nghịch lý, nghịch lý vĩ đại.
Nghịch lý ấy tồn tại được dưới thanh thiên bạch nhật được là do đâu?
Tôi nghe một ông vụ trưởng ngành tổ chức cán bộ trả lời báo chí rằng, tối đa xã loại 1 chỉ có 25 cán bộ theo Nghị định 92 / 2009/NĐ-CP và chỉ có thể thêm bằng ấy nữa bán chuyên trách. Thêm nữa là vi phạm pháp luật, cái ý mà tôi trộm nghĩ rằng họ không những không sợ trên mà còn thách thức nữa như nói ở trên. Nhưng dựa vào đâu để ông chủ tịch, ông bí thư không còn biết sợ trên? Tôi đoán có 2 khả năng: 1, Dựa vào hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị, đoàn thể từ trên xuống. Và 2, dựa vào trên; trên cũng đông lắm, sao trên không bớt người mà lại cứ bắt dưới bớt?
Cũng ông vụ trưởng ấy nói, cán bộ đông thế là do dân tự thỏa thuận, ví dụ cần có cán bộ đến tận nhà thu tiền điện thì dân tự trả công; ví dụ muốn không bị mất trộm đồ thì trả công cho an ninh. Tôi không biết dân có được bàn bạc thỏa thuận không, nhưng tôi đoán rằng không, không ai nhường cái chăn chật của mình cho người đang ấm thân hơn mình. Huống nữa, người thu tiền điện là việc của ngành điện, người bảo vệ an ninh thôn xã là công an xã đã được trả lương (tiền thuế) để làm việc giữ gìn an ninh trật tự cho mình rồi kia mà. Một cái nghịch lý rõ như ban ngày như thế mà ông vụ trưởng không thấy, thì liệu có nên trách mấy ông xã tạo nên một cái nghịch lý vĩ đại? Cổ nhân nói, sai một ly đi một dặm kia mà!
Cho nên, cứ cái đà này, thì tôi còn sợ rằng những phát hiện nghịch lý của báo chí chỉ như đấm bị bông. Tôi còn lo rằng, từ con số 350 tăng lên 500 sau dăm năm, thì sau đây dăm ba năm nữa, nó lại tăng lên nữa. Hay là cứ để nó tăng lên nữa, cho đến khi nhà nhà làm cán bộ cho nó công bằng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét