Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Hai mùa xứ đá



.Bút ký NGUYỄN QUANG
Họ phát triển và tồn tại, tồn tại bao nhiêu đời không ai biết, chỉ biết rằng họ đã thực sự thích nghi với cao nguyên đá, với công viên địa chất toàn cầu, với vùng khí hậu có hai mùa nóng và rét rõ rệt. Nóng từ mặt trời, từ mặt đá, nóng từ cát bụi, từ gió, thậm chí nóng còn từ
mưa nơi cao nguyên. Rét lại cũng từ trời, từ núi, từ đá... Như một sự ngẫu nhiên, họ sinh ra phải thế, họ thích hợp với thiên nhiên đầy cáu kỉnh, thất thường và khắc nghiệt nơi đây, nơi sương mù mùa đông giăng kín núi, kín rừng, lấp đầy hốc đá khi “ông trời” thích thế, thích choàng chiếc khăn mùa đông của tình yêu cho đá. Rồi “ông trời” cũng thích nắng khan, vài ba tháng, thậm chí là dăm bảy tháng không một giọt mưa nào.
Chỉ có đá và trời, rồi trời và đá giữa mênh mông. Đá và trời quấn vào nhau, quyện lại đặc khệt. Trời sà xuống thung sâu, đá vươn mình lên đỉnh dốc. Có không ít chỗ tưởng chừng như “mũ đá” xuyên qua nóc trời, nút sâu vào mây gió quanh năm, suốt tháng mà “u khuất” lấy mây trời làm áo như đỉnh Mã Pí Lèng. Một bờ vai thon dài, một chiếc cổ trắng ngần, một đôi mắt sắc như dao và chiếc mũ đá nhọn hoắt cắm sâu vào sương gió, vào ánh trăng đêm, vào ông mặt trời nhăn nhó, để được mệnh danh là “Đệ nhất hùng quan” vùng cực Bắc.
Ông Lưu Sần Vạn, một người dân tộc Mông một trăm phần trăm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Đồng Văn điện cho tôi: “Này, tớ vừa nghe thằng truyền hình trung ương nó thông báo có đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ mồng mười tới mười bảy tháng một đấy, may ra có tuyết. Nếu không đi Sa Pa, Lào Cai thì lên đây mà “phục”, biết đâu lại gặp được “cu cậu” trắng trời, trắng đá như năm hai linh ba chưa biết chừng. Năm ngoái có tuyết nhưng ít quá, chẳng bõ. Các cậu thích tuyết thế sao không sang châu Âu mà ở, tuyết quanh năm, tha hồ vồ với chụp…”.
Mỗi năm mấy lần tôi “alô” cho ông hay một người quen nào đấy ở Đồng Văn, một huyện địa đầu Tổ quốc – nơi có đỉnh núi Rồng, cột cờ Lũng Cú đã trở thành “thương hiệu” cho mọi người trong và ngoài nước biết đến Hà Giang. Tôi điện cho ông hay cho người quen khác trên bốn huyện vùng đá là Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ cũng chỉ để “rình” vác máy lên biển đá mênh mông ấy mà vồ với chụp tuyết bay. Vậy mà mãi rồi, đến chục năm có lẻ, tôi chưa một lần thành công, bởi có khi tuyết bay thì tôi chưa lên kịp và cũng có khi tôi về rồi thì tuyết mới lại bay bay... Vùng đá cứ trêu ngươi tôi như vậy, có lẽ phải “bó tay chấm com” đến cả cuộc đời.
Chơi trò ú tim, kể cũng buồn, song lại cũng vui, bởi thế mới có chuyện để nói, để kể, để có những hành trình cấp tốc trong đêm sương giá lên đỉnh đầu đất nước. Vẫn phải là cơ duyên, những chuyến hành trình như người tập võ khổ luyện, rồi lại phải dán giấy kính vàng lên đèn pha xe máy. Vẫn cung đường ấy, xuyên qua màn đêm, vượt trên đá dài gần một trăm năm mươi cây số để mà bùng nhùng đi trong màn sương dày đặc, tầm nhìn không quá hai mét. Đèn pha chiếc xe của tôi đã vào diện sáng đến lóa mắt đối thủ ngược chiều, vậy mà cũng không ít lần tôi phải phanh gấp làm cho xe quay ngang, bánh trước xe máy của tôi và ba- đờ- xốc ô tô gần giáp vào nhau, lúc ấy mới chợt nhìn thấy hàng chữ sơn trắng trên nắp ca pô “xin đừng hôn em” mà thót tim, lịm thở. Cũng may là chẳng ai hây hấn gì, bởi cả ô tô và xe máy đều chỉ đi với tốc độ bằng một phần hai “người đi bộ”.
Ít nhiều gì thì ông Lưu Sần Vạn hay ông Sùng Đại Hùng, Bí thư Huyện ủy huyện Đồng Văn cũng dành cho tôi rất nhiều ưu ái, bởi cái thời làm phóng viên báo tỉnh, tôi đã được tháp tùng nhiều sếp lên xã hay xuống huyện. Đặc biệt là gần bốn năm theo Chủ tịch tỉnh Hà Giang Triệu Đức Thanh, hơn ba năm theo Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Giàng Văn Quẩy, là người dân tộc Mông và nhiều đoàn cán bộ tỉnh khác.
Có lần theo ông Giàng Văn Quẩy về quê ông ở xã Thanh Vân huyện Quản Bạ, ông nói với tôi: “Thời kỳ trước đây ở trên cao nguyên đá này, con người tồn tại và phát triển gần như chịu sự thanh lọc của tự nhiên, rất tự nhiên và luôn được tự nhiên lựa chọn. Họ cứ “sinh con, đẻ cái” ra, rồi “cu cậu nào” không chịu được, không thích nghi được thì chết yểu, còn anh nào chịu đựng được, thích nghi được thì phát triển và phát triển mạnh mẽ, bởi có sẵn một nền tảng tự nhiên khắc nghiệt như thế...”. Ông cũng kể chuyện đời ông lúc nhỏ, ông bảo: Rét thế chứ rét nữa rồi nó cũng quen đi, ngày nhỏ cởi truồng, mặc mỗi manh áo lanh, phanh cúc ngực, cũng chẳng biết rét là gì. Thế rồi, sau này khi ông được xuống trường Dân tộc nội trú của tỉnh học, mấy năm sau quen mặc ấm, quen đắp chăn bông, ăn cơm nóng thì mới cảm nhận được cái rét nhiều hơn, khủng khiếp hơn. Chung quy cũng tại “nơi xuất phát”, làm cho người ta sợ cái rét, cái nóng miền đá nhiều hơn, nhưng cũng nhờ có những năm tháng “ăn no, mặc ấm” ấy mà ông lại cũng thực lòng yêu cái rét, cái nóng trên miền đá...
Nói rồi ông chỉ cho chúng tôi xem ngay những đứa cháu của ông chỉ mới ba bốn tuổi. Trong lúc trời mưa cuối năm, rét đến cắt da, cắt thịt, chúng tôi thì chạy vào nhà hơ lửa, còn bọn trẻ lại đầu trần chạy ra chơi trên bờ ruộng, bờ nương, mặc áo không cúc, chân không dép và mang một cái bụng đen nhẻm, tròn vo... Chơi chán ngoài mưa, ngoài gió, chúng chạy về, đầu tóc ướt bết vào nhau, đứng lắc lắc mấy cái, đầu xoay bên này, bên kia cho nước mưa trên tóc bắn ra tung toé rồi sà vào cạnh bếp. Chúng lại nướng những bắp ngô già, hạt ngô nổ tanh tách tõe ra như hoa, nhưng nửa hạt ngô phía trong lõi vẫn sống nguyên, vậy mà những cái miệng nhai ngon lành, môi đen nhẻm, chúng có đau bụng đau biếc gì đâu. Đúng là “trời sinh, trời dưỡng”, thanh lọc tự nhiên thật.
Cõng con trên lưng, địu con đi trên đá trong sương, trong gió cắt da, cắt thịt, hai chân, hai tay đứa trẻ thò ra ngoài tím tái có sao đâu. Những mái nhà thật thấp dưới những “khóm” đá, khe đá, nhà làm bằng cây rừng, thưng vách bằng cây ngô chống toác, giường nằm thì được cuốn bằng bẹ ngô, lá ngô, đội khăn che thật kỹ hai tai, trèo núi, leo lên đá mà đi, mà sống… Vậy đấy, hết đời này qua đời khác, hết năm này qua năm khác, họ vẫn tồn tại, tồn tại một cách vững chắc gắn vào vùng đá, vào sườn đá và họ cũng không thể chia xa vùng đá được. Những năm gần đây, nhiều chương trình, dự án, nhiều kế hoạch “hạ sơn”, nhưng cuối cùng thì họ lại trở về nơi đá sinh ra họ. Họ bảo: “Cái bụng tao cảm ơn chính phủ lắm, nhưng tao không quen, thiếu cái đá, thiếu cái rét, cái nóng của Giàng, của đá là tao không chịu được…”
Một phần là do không có nước, một phần do rét, lâu ngày không tắm mãi rồi cũng thành quen, lỗ chân lông bị bụi đá, bụi nương, bụi rẫy bịt kín, quần áo lâu ngày không giặt cũng dày thêm, cứng ra, gió không lùa vào đâu được. Còn một điều khó có ai tin, họ uống rượu để chống rét, hầu như người Mông trên cao nguyên đá, trên công viên địa chất toàn cầu này không uống nước bao giờ. Họ lấy rượu làm nước và nước uống phải có hơi men để được say, một cái say trong tình yêu xứ đá...
Cõng cái rét trên lưng, bế cái rét trong tay, cái rét luồn vào mũi, làm ù tai, làm bết những sợi tóc ngang trán, ngang má. Trèo mãi, trèo đến toát mồ hôi mà vẫn rét run cầm cập, chân tôi không muốn lê, đầu gối như khuỵu xuống, nhưng cứ đứng lại là rét run, run đến hai hàm răng rung lên va vào nhau mà không có cách gì “phanh” lại được. Cứ tưởng trèo núi cho nó nóng người lên, đỡ rét, nhưng không phải thế, khi người ta mệt, mồ hôi ra nhiều, chỉ cần có một cơn gió nhỏ thôi là đã cảm thấy như mình bị ai đó dội một gáo nước lạnh từ đầu chảy xuống toàn thân. Nó buốt, buốt tới nỗi mà không sao nắm hay duỗi những ngón tay được, đành phải lấy tay này để kéo, bẻ, vò véo tay kia. Đã không ít lần khi đi xe máy từ trên Đồng Văn về thị xã Hà Giang, đoạn đường dài gần một trăm năm mươi cây số, khi dừng lại, tôi hoàn toàn không thể bỏ được tay ra khỏi lái. Rồi có lần, cứ chống chân một lúc mới bước được xuống xe. Nhưng cũng thật kỳ lạ, khi đang lái xe trên đường, tay cứ dẻo quẹo, dẻo như cung đường và những khúc cua trên vùng đá.
Tất cả cứ điềm nhiên như thế, hạnh phúc như thế, mùa đông thì cả cơ thể như đông lại. Chút nước còn thừa trong chảo tối qua nay giống như khay đá tròn vo trong tủ lạnh. Chõ đồ mèn mén nghi ngút khói, ấy vậy mà ở giữa chõ, đưa thìa vào xúc thứ bột ngô, ngọc thực của rừng, của núi ấy cứ cứng cong. Chiếc khăn tay mình rửa mặt tối qua, sáng nay với tay kéo mãi không được, như bị ai đó khâu chặt vào sào phơi, lật một bên lên ghé mắt dòm vào, trời ơi, những sợi nước như những sợi thủy tinh bắt vào thân sào trúc, khi kéo được xuống rồi thì chiếc khăn hệt không phải làm bằng sợi bông mà như được làm bằng sợi thép. Nhưng cũng thật kỳ lạ, trẻ nhỏ không cần quần áo, cũng chẳng cần chăn chiếu, nằm co lại, rúc vào cái ổ bẹ ngô sột soạt để ngủ khì khì suốt đêm. Sáng ra chúng cũng chẳng gọi mẹ, gọi bố, cũng không cần mũ bịt tai, áo len, áo sợi, không giày, dép, nhảy bụp một cái xuống nền đá. Cũng chẳng cần rửa mặt, đánh răng, bởi có nước đâu mà rửa, hay ở chỗ có nước thì cũng đã quen rồi, ông bà, bố mẹ nó, anh chị rồi cô dì chú bác nó có rửa đâu. Thế là đưa hai cái cùi tay dụi dụi vào khóe mắt, vuốt vuốt hai bàn tay trên má ra sau gáy, coi như một nghệ thuật rửa mặt, đánh răng, chải đầu bằng hơi sương, hơi đá. Quàng vội cái áo, thúc hai chân màu xanh chàm vào chiếc quần ống vắt, tai hồng cũng màu chàm, với tay lấy cái túi sách hôm qua đi học về để đâu đó là huỳnh huỵch vượt đá tới trường...
Mải đứng nghĩ về cái rét, về mùa đông nơi đá, anh Vàng Mí Chơ, phó xóm Sà Phìn quay lại nhìn tôi: “Mày cởi áo ra cho đỡ nặng thì mới trèo dốc khoẻ, như tao có mặc nhiều áo như mày đâu, mà cũng có thấy rét như mày đâu...”. Hai đầu gối tôi cứ muốn cọ vào nhau, không biết nói sao cho anh ta hiểu cái rét của tôi, còn tôi thì rất hiểu cái ít rét, hay không mấy rét của anh. Anh đưa cái bình tông nhôm, một đồ quân dụng của quân viễn chinh Pháp, đã dúm dó về phía tôi: “Này, mày nhấp một tí cho đỡ khát, cho cái bụng mày nó ấm lên, cái chân mày nó khoẻ lên”. Đúng là “tưởng bở”, tôi đỡ cái bình tông từ tay anh làm một tí cay cay vào đầu lưỡi. Cha mẹ ơi, chưa đầy một phút, cái rét đến càng nhiều, cái chân bước không nổi, nhưng không thể không đi, không thể không biết cái “mùa đông trong nhà Vàng Mí Chơ” nó như thế nào. Chiếc nhiệt kế trên tay tôi chỉ bốn độ xê, trời vẫn mù như đi trong mây, hay bay trên cái vòm trời đã được người Mông ở đây thu nhỏ lại vậy. Ngẩng mặt, vắt mũi lên mà thở, thỉnh thoảng một cơn gió lại vống lên, mang đụn sương ném vào tôi, ném vào anh, ném vào những mái nhà và biết bao nhiêu vách núi.
Người Hà Giang                                                                                    Ảnh: TL
Hai đứa trẻ khoảng sáu bảy tuổi, mỗi đứa một manh áo phanh bụng, một chiếc quần lưng lửng đang vật nhau huỳnh hụych ngoài nương đá trước cửa. Thấy Vàng Mí Chơ về, chúng vội đứng im nhìn nhau gượng cười. Chơ quát bằng tiếng Mông, tôi không biết, chỉ thấy chúng lại cầm chiếc cuốc chim mòn vẹt, chiếc xà beng ngắn cũn cỡn, cào cào, bẩy bẩy. Chắc hai thứ dụng cụ nhà nông miền đá mà tôi đang nhìn thấy này ít nhất cũng qua tay mấy đời người gắn cái lưng còng, cái bàn tay chai sạm, hì hụi xếp đá lên thành cái bờ, cái ruộng để chắn ít mùn đá ở lại, chờ một mùa ngô vụ sau, thắt lưng, đội khăn xanh cho núi.
Ngôi nhà Vàng Mí Chơ, ôi ngôi nhà có lẽ chìm sâu vào miền đá, tôi phải cúi hết cỡ để vào, vào cái nơi mà Chơ bảo là “nhà tao đấy”. Chơ kéo cho tôi một cái đệm bằng bẹ ngô để ngồi, nó cũng đen như đá và đất ở nền nhà. Chơ cười, cái cười cứ nhẹ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Căn nhà ba gian nhưng cũng chỉ bằng ba cái giường, hai gian kia là hai cái ổ làm bằng cây ngô và bẹ quả ngô. Mấy cái chiếu, vài cái chăn bông nhưng rách te tua và màu của nó đều giống như màu của đá. Thấy tôi nhìn, Vàng Mí Chơ bảo: “Sắp có nhà rồi, cái nhà xoá, nhà tạm gì đấy của Nhà nước cùng với tiền ủng hộ của cái banh bung gì đấy cho. Còn cái giường, cái phản cũng được cho đấy, nhưng nằm trên cái phản lạnh lắm, tao mang ra đầu nhà che cho con lợn rồi, bây giờ con lợn nó đi vắng, tối nó mới về cơ...”. “Thế vợ anh đi đâu?”. “À nó đi lấy nước, lấy nước cách đây cả hai con dao quăng đấy, mà có hôm còn không lấy được mà. Nhà tao không có nước mời mày uống, chỉ có rượu thôi, mà rượu thì mày không uống rồi...”. “Nhà anh chẳng thấy ngô thì ăn bằng gì?”. “Có đấy, nhưng nhà nhỏ quá, tao để trong đống cây ngô trên nương, hết ăn đi lấy về, để ở nhà, cái ngô giống mới nó mọt nhiều lắm, bột ngô mọt rơi xuống không ngủ được...”
Đang ngồi thì anh Hùng, Phó Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc gọi cho tôi: “Này anh ở đâu đấy, cái chỗ Sủng Máng với Lũng Phìn hình như đang có tuyết bay đấy. Hôm nọ anh dặn có tuyết gọi cho anh phải không?”. Tôi nhao lên đường, cho con xe “khủng” chạy hết cỡ theo con đường tắt từ Đồng Văn sang Lũng Phìn, một vương quốc của loại chè đặc sản bản địa. Tất cả chỉ là mây trắng sà xuống đậm đặc từng vạt đá, trông xa xa thì đúng là tuyết bay thật. Nhưng khi đến gần thì không phải, cái cảm giác mây trời sà vào vòng tay của nhau, đưa cái rét xuống ái ân với đá đã đánh lừa Hùng, đánh lừa tôi, làm tôi cắm đầu, gân cổ chạy gần hai mươi cây số.
Anh Vàng A Rốm, Bí thư Đảng ủy xã Sủng Máng bảo tôi: Đợt rét này còn dài, mới đầu gió, sau lặng thể nào rồi cũng có tuyết, nhưng tai hại nhất là nó kèm gió mặn và sương muối. Năm nay bà con lại sẽ mất mùa rau, cái rau cải mèo nhiều lông thế, nhưng có sương muối là táp hết lá ngay, đến như cây chuối, rồi cây ráy rừng cũng còn bị táp lá mà. Anh Lưu Sần Vạn nói đúng đấy, thời tiết kiểu này không thể không có tuyết, sợ còn có bông tuyết bay trắng trời cho mà xem. Cái tiếng Mông còn líu lưỡi, khó nghe nhưng vui, bởi các anh đã dành cho tôi một tình cảm đặc biệt, rất đặc biệt mà không phải phóng viên nào, nhà báo nào cũng có được sự ưu ái ấy.
Có lẽ tôi là người hạnh phúc nhất so với cánh làm báo ở Hà Giang. Năm 2004, tôi được đón giao thừa trên đỉnh núi Rồng, ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú. Năm ấy Đài truyền hình Việt Nam lấy Lũng Cú làm một điểm cầu nối với Trường Sa, Cần Thơ và nhiều thành phố khác trong cả nước. Thế là tôi nghiễm nhiên được đi “tháp tùng” ông Chủ tịch và ông Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Chiều hôm ấy, bữa cơm tất niên được tổ chức tại sân trạm biên phòng. Thịt gà, thịt lợn, chúng tôi đều phải xâu vào đũa, hơ lên bếp lửa, hơ lên chậu than mới ăn được, nếu không lạnh cứng răng. Đặc biệt canh xương cứ thò muôi vào múc trong xoong đang sôi sùng sục, thế mà chỉ đổ vào bát một lúc là trên mặt bát thì đông, dưới đáy bát thì vẫn đang bốc hơi nghi ngút.
Đêm giao thừa năm ấy, đỉnh Lũng Cú xuống âm bốn độ C. Tất cả đều phải huy động hết các loại quần áo có thể chống rét được, hàng mấy chục cán bộ dưới tỉnh lên đều phải chạy nhảy quanh đống lửa, đã ngồi xuống là lạnh, là run, là... là... không tài nào chịu được. Ấy vậy mà đồng bào Mông, đồng bào Lô Lô vẫn kéo đến hàng nghìn người đông đặc đầu cầu truyền hình, có nhiều em nhỏ vẫn áo không khuy phanh ngực, vẫn chiếc quần lửng. Người lớn cũng ít có áo ấm  mà nếu có cũng chỉ là một chiếc khăn len đội bịt chặt hai tai. Nhìn đồng bào, ngắm lại mình, chúng tôi ai cũng xót xa. Ông Giàng Văn Quẩy nhìn lũ trẻ, ông bảo: “Đây là những con người thế hệ tương lai của mùa đông xứ đá đấy, chúng nó quen rồi, tồn tại tự nhiên mà...”
Tôi sẽ nằm đây, trong nhà khách kín tắp, có đệm mút dày hơn hai mươi phân, có chăn bông loại siêu nhẹ, siêu ấm trên cao nguyên đá này mà đợi tuyết bay, săn những tấm hình mùa đông xứ đá tuyệt đẹp. Còn trong kia, đồng bào tôi đang ở những chiếc nhà nép vào sườn đá, nép vào cái công viên địa chất toàn cầu mà cõng cả mùa đông lưng núi. Rồi tôi cứ tự thẩm vấn mình: Mình đi săn tuyết, săn mùa đông, tại sao lại không săn những con người của mùa đông xứ đá...
Tháng ba âm lịch, lần theo huyền thoại, tìm về với miền tình yêu xứ đá Khau Vai. Sáng nay chạy xe vẫn buốt cóng hai tay, áo da vẫn giữ lại mộng màng nước nhỏ giọt từ không khí. Vậy mà đánh rầm một cái, mùa đông, sương muối, tuyết rơi, chui tọt vào lòng đá mà biến mất tăm. Đêm xuống còn sưởi lửa, còn kéo chiếc váy lanh của vợ chủ nhà lên đắp, chập tối còn kiêng, nửa đêm rét quá thì trùm luôn cả đầu mà vẫn rét. Thế mà sáng nay, mới đi được mấy cây số, cái nắng soi vào, cái nóng từ đá tỏa ra rát ràn rạt. Đúng là mùa nóng trên miền đá đã về, tôi lại như nghe thấy tiếng anh Vàng Mí Chơ giải thích: Mình có được làm nhà theo tiêu chuẩn Ba Mươi A thì cũng làm thấp thế này, hoặc cao hơn chút ít thôi. Chỉ muốn nó rộng hơn để có chỗ làm cái bàn cho con mình nó học. Còn nhà thấp như thế này, nép vào đá, tránh được những cơn gió mùa đông, tránh được cái nóng phừng phừng tức giận của mùa hè...
Dựng xe vào cạnh đường, tôi lang thang vào rừng sở của dự án Pam, nếu về vào tháng bảy, nơi đây sẽ hoa trắng sườn đồi. Đây là địa phận của xã Lao Và Chải huyện Yên Minh, cả một vùng rộng lớn chỉ có thông và sở. Cứ thế, theo con đường Hạnh Phúc, ngược lên thị trấn Yên Minh, hai dãy phố dài, nhà mới cũ lô xô, cái cao tầng, cái lợp pờ-rô-xi-măng bám vào hai bên con đường. Dẫu sao thì cũng đổi khác lắm rồi, đã thành phố, thành đường, đã phân lô cho một đô thị mới hình thành, dù còn nhỏ nhoi, lộn xộn, nhưng vẫn hơn vạn lần chục năm trước đây Yên Minh chỉ là phố chợ. Từ bản Nà Mạ đầu thị trấn, đến ngã ba Viềng, chắc dễ dài năm cây số, cán bộ, nhân dân ở kín. Mừng đấy, nhưng lo đấy, những ngôi nhà “xuống ruộng”, còn ruộng thì chẳng biết về đâu, bởi đất ruộng, đất nương trên vùng đá này quý lắm.
Từ ngã ba Viềng tôi rẽ vào đường Quyết Thắng để đi lên Mậu Duệ, rồi vượt lên Mèo Vạc. Cũng lại một thị trấn mới “coong” lấp lánh dưới ánh mặt trời gần trưa tháng ba bỏng rát. Theo con đường nhựa phẳng lì uốn lượn dưới chân núi Chí Sán để đến với Lũng Pù, một xã chỉ nghe tên thôi đã thấy hồn đá nơi cõi đá, âm u và tái tê rét mùa đông, nắng cháy đá mùa hạ. Dừng xe bên đồi trúc, những cây cao khoảng ngập đầu người, gióng nọ cách gióng kia chừng vài ba cen-ti-mét mà vàng óng khẳng khiu, cái mắt trúc xù ra như đầu gối người già nơi đá. Ngồi dưới gốc cây nghiến đá, gốc to chừng vế đùi người lớn, cao khoảng ba bốn mét, tán lá xanh đen. Cây nghiến được mọc ra từ kẽ đá, chiếc rễ dài ngoằng trên mặt đá rêu xanh to hơn cả thân cây, ấy vậy mà chị Máy bảo nó có tuổi đến vài trăm năm, bởi khi còn rất nhỏ, ông chị dắt chị ra nương thì cây nghiến cũng đã như bây giờ. Rồi chị đi lấy chồng, chồng chết, lấy luôn em chồng, em chồng chết lại lấy luôn anh chồng và cuối cùng thì anh chồng cũng chết, chị đưa bảy đứa con hoàn gia... thấy cây nghiến này vẫn thế.
Chị Lò Thị Máy, một lao động giỏi, một “lão nông chi thạch” trên vùng đất đá gió sương này bảo tôi: Nhà báo ạ, hôm qua sương còn treo trên lá thông, lá sa mộc trắng muốt, thế mà hôm nay lá thông, lá sa mộc đã đỏ quạch ra vì nắng, vì gió táp tháng ba... Nói rồi chị xăm xăm kéo tôi xuống mảnh nương đá nơi gia đình chị gieo cải và trồng bí đỏ. Nhìn lá rau cải như cái màng sang được ai đó căng ra trên mặt đất, nhìn những dây bí thiếu nước, thiếu mưa nằm cong queo trên đá mới hiểu thế nào là nắng vùng cao. Chiếc hoa bí đực nở sớm, đón nhận ánh nắng cao nguyên đầu mùa như có ai thắp lửa cố vươn lên bên hốc đá, tôi sờ tay vào nóng như chảo rang. Đưa bàn tay luồn xuống gốc ngô mới lên ba lá, gặp nắng mới, những lá ngô non quăn tít lại như chiếc khèn lá tre hồi nhỏ bọn trẻ chúng tôi phơi nắng thổi tò te. Một ít đất, một ít mùn trong hốc đá rời rạc như ngày xưa mẹ tôi bỏ lạc hay vừng rang vào cối đá giã làm thức ăn, khi rút tay lên bụi bay theo thành một vệt sẫm màu trên đá...
Cái nắng cao nguyên, nắng tháng ba trên công viên địa chất toàn cầu như làm những con đường nhựa, đường bê tông cũng cong lên, oằn đi trong vùng đá. Vậy mà chỉ cần ánh hoàng hôn đỏ quạch buông xuống phía bên kia đỉnh núi, bên này đã bắt đầu lành lạnh. Ngoại trừ đêm mùa hạ ở huyện Yên Minh, còn ở Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ vẫn phải kéo chăn bông ra đắp.
Tôi lại nhớ cái mùi váy lanh khi có một đêm mùa đông nằm ở nhà trưởng bản tại Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Cái mùi bẹ ngô hút hơi đá, sương trời, gió núi lâu ngày hăng hăng, mông mốc, cái mùi ngai ngái của bột đá trộn với đất xơi xơi, quyện mùi chàm nhuộm váy lanh. Nó cộng hưởng, giao thoa để tôi có một mùa đông mang theo suốt cả cuộc đời.
Người dân quê tôi là thế, vùng đá quê tôi là thế, hai mùa xứ đá là thế... Vẫn bám đá, bám núi, bám rừng, đêm ngày bảo vệ vùng biên mốc giới. Thiếu nước, thiếu ngô, thiếu rau xanh, thiếu cả từ cái cỏ để chăn nuôi gia súc, thiếu cái cây để làm nhà, thiếu giường để nằm, thiếu màn che sương, che muỗi... Nói chung là thiếu nhiều thứ, nhưng đâu thiếu những anh hùng, đâu thiếu những tấm lòng đồng bào dành cho hai mùa xứ đá
                                                                             N.Q

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến