Bút ký của Công Thế
Ý chí sắt đá, tinh thần quả cảm của bộ đội,
thanh niên xung phong “ Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mĩ”. Đường mòn Trường Sơn -
Đường Hồ Chí Minh dù có nói bao nhiêu, viết bao nhiêu vẫn chưa đủ, không bao
giờ hết được những hy sinh mất mát lớn lao của các anh, chi bộ đội, thanh niên
xung phong. Gần bốn chục năm
đã trôi qua. Chúng tôi những người lính đi qua những cung đường ác liệt năm xưa và nay lại được trở lại với một tâm thế khác, tâm thế hồi ức thương nhớ Trường Sơn. Tháng 7, một nén nhang thơm, một cử chỉ nhỏ, mỗi nghi suy như lời tri ân với những người ngã xuống cho độc lập. Nới ấy, trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ.
đã trôi qua. Chúng tôi những người lính đi qua những cung đường ác liệt năm xưa và nay lại được trở lại với một tâm thế khác, tâm thế hồi ức thương nhớ Trường Sơn. Tháng 7, một nén nhang thơm, một cử chỉ nhỏ, mỗi nghi suy như lời tri ân với những người ngã xuống cho độc lập. Nới ấy, trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ.
Lặng
thầm đèo Đá Đẽo:
Những ngày tháng sáu nắng như đổ lửa, có
ngày nhiệt độ lên đến bốn mươi, bốn mốt độ. Trời đất nóng hầm hậm, cả tháng
không có nổi lấy một hạt mưa. Nhưng nắng, nóng đã không làm nản lòng những
người con của biên viễn Lào Cai chúng tôi. Vẫn trong cái năng nổ, xốc xáo cho
cuộc hành trình về chiến trường xưa theo kế hoạch, về nơi con đường huyền thoại
Trường Sơn, về nơi những người đồng đội, những người anh, người cha đã anh dũng
hy sinh trên con đường ra mặt trận…
Để đến được các địa danh lịch sử trên tuyến
đường mòn huyền thoại Trường Sơn.Tôi đã tỉ tê với anh lái xe trước đó mấy lần.
Ấy là muốn cuộc hành trình xuyên Việt của đoàn đi trên đường Hồ Chí Minh thăm
lại một số địa danh lịch sử.
Khi qua
km0 nơi bắt đầu con đường huyền thoại thuộc địa phận huyện Tân Kỳ tỉnh Nghệ An,
thi thoảng đã thấy xuất hiệt cột mốc bên đường thông báo đến địa danh đèo Đá
Đẽo. Mọi người trong đoàn ai cũng có cảm giác chờ đợi để được đặt chân lên
những địa danh huyền thoại trên đường Trường Sơn. Bởi nơi ấy có những người
thân từng sống và chiến đấu, nhiều người đã nằm lại với tuổi thanh xuân mãi mãi
không về. Dù chiến tranh đã lùi xa gần bốn chục năm, mọi thứ đã hồi sinh, những
rừng cây rậm rạp, xum xuê đã che hết, khỏa lấp vết thương bom đạn cầy xới. Song
vết thương lòng thì vẫn còn đó mãi mãi là những ký ức không phai.
Hôm
trước khi lên đường, cô tôi chống gậy sang nhà căn dặn mãi: Cháu đi chuyến này
có qua miền Tây Quảng Bình, trên đường Trường Sơn khu vực đèo Đá Đẽo gì đấy.
Nghe đâu chú mất ở đó, cháu tìm chú nhé! Nhìn cô đôi mắt đã mờ, đôi chân run
rẩy mà tôi dâng lên lòng thương cảm. Héo hắt gần nửa thế kỷ qua, một mình nuôi
con trong chờ mong vô vọng. Từ một cô gái đảm đang nhanh nhẹn nay đã bước sang
tuổi thất thập, vẫn ngóng trông một tia hy vọng biết chú nằm nơi nao, dù là tia
hy vong rất mong manh. Vẫn biết sự mất mát, đau thương đó còn đang xé lòng của
bao gia đình. Lời cô dặn là vậy, chứ cô tôi thấy người nào, dù thân sơ gì đi
vào Trường Sơn mà cô không dặn, cứ như một sự mặc định nghiệt ngã. Tuyến đường
máu lửa này có đến bao con đèo, biết bao nhiêu cung đường, trọng điểm ác liệt
mà xương máu của bộ đội, thanh niên xung phong đã đổ xuống. Niềm khát khao tìm
được người thân hy sinh trong cuộc chiến luôn khát khao âm ỷ trong lòng, cô tôi
cũng như bao nhiêu các bà, các mẹ trên mãnh đất hình chữ chữ S này. Cái đau đáu ấy
vẫn ngày đêm mong mỏi
tin tức thân nhân. Và tôi trong chuyến trở lại Trường Sơn này cũng ấm ủ, hy
vọng, nhỡ đâu quanh quất, chú nằm đâu đây?
Là người
lính đã từng tham gia cuộc chiến tôi thấu hiểu sự tàn khốc trên đường
Trường Sơn năm ấy. Chú tôi ngày ấy là lính lái xe vận tải đoàn 559 Trường Sơn.
Mỗi chuyến hàng vào được tiền tuyến là cả một thách thức khó khăn, là một trận
đấu không khoan nhượng, không cân sức, nhưng ý chí và lòng yêu nước đã chiến
thắng. Những chuyến xe lầm lũi đi trong đêm dưới ánh trăng nhờ nhợ phải căng
mắt ra mà căn đường, căng tai ra mà căn máy bay địch. Sự khốc liệt bởi bom đạn
kẻ thù, bởi đèo cao, vực thẳm và cả những cơn sốt rét rừng kinh sợ. Trên dọc
tuyến đường 15A một trong 5 tuyến dọc Trường Sơn này thì có bao nhiêu chứng
tích lịch sử của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới
dậy tương lai” của một dân tộc anh hùng. Nhưng có lẽ, đèo Đá Đẽo vẫn là một
trong những chứng tích hàng đầu về sự ác liệt của bom cầy đạn xới. Và cũng ở đó
lòng quả cảm và ý chí quyết thắng đã tỏa sáng. “Một tấc không đi một ly không rời, đường chưa thông không tiếc máu
xương”, gần tám năm trời đèo Đá Đẽo không được bình yên lấy một ngày. Đoạn
đèo dài chưa đầy 20 cây số bị băm nát, xới tung đến trơ đá, bật gốc. Đá Đẽo
ngày đó ngỡ bị san phẳng thành bình địa dưới sức công phá của hàng trăm ngàn
tấn đạn bom. Đá Đẽo còn nằm trong vùng khí hậu vô cùng khắc nghiệt, mùa nắng gió Lào bỏng
rát, mùa mưa lũ lụt, mùa đông thì mưa dầm âm u kéo dài. Đây còn là tụ
điểm của sốt rét, còn là nơi phải hứng chịu các chất độc hóa học. Sự ác liệt
trên đèo Đá Đẽo còn được biết đến là nơi đế quốc Mỹ thử nghiệm các loại vũ khí,
không những là bom xuyên, bom phá, bom khoan mà tuyến đường chiến lược này có
ngày cao điểm 27 lần B52 dội bom xuống. Song Đèo Đá Đẽo nói riêng cũng như
những cung đường chiến lược trên đất Quảng Bình này vẫn thông suốt, cùng với những đôi bàn tay trần của thanh niên xung phong
(TNXP) cảm tử cho con đường. Ngớt tiếng bom
đạn các anh các chị TNXP lại dàn sức ra mặt đường với cuốc xẻng vá víu bất kể
ngày đêm. Quả là một sức mạnh phi thường của lòng yêu nước. Để giải thích tên
con đèo tôi đã dò hỏi nhiều người nhưng họ đều lắc đầu và chỉ là những cái tên
phỏng đoán. Tôi nghĩ chắc tên con đèo cũng xuất phát từ những công việc hàng
ngày của các cô TNXP. Ngày ấy phương tiện thi công thiếu thốn các anh chị phài
dàn hàng ra mà dùng choòng, xà beng, búa chim, cuốc xẻng mà vạc đất, mà đẽo đá
mở đường, và từ đó đèo Đá Đẽo cũng đã vạc,
đã hằn vào lịch sử chiến tranh một khúc hùng ca bi tráng về tính kiên cường bất
khuất.
Biết bao nhiêu tấm gương hy sinh lẫm liệt trên cung
đường 12a, 15a, đường 20 và các tuyến đường khác trên đất Quảng Bình máu lửa
này đã trở thành huyền thoại. Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Kim Huế
năm lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Anh hùng Đinh thị Thu Hiệp đã bám trụ trên đèo
Đá Đẽo từng ngày, từng giờ đếm bom rơi, mở đường. Có đêm chị đã biến thành cọc
tiêu sống hướng dẫn cho đoàn xe vượt đèo, có lần máy bay địch trút bom như mưa
xuống trận địa chị vẫn bình tĩnh hướng dẫn đoàn xe vào bãi tập kết an toàn.
Nhiều lần đoàn xe bị trúng bom chị đã huy động trung đội lao vào đám cháy, cứu
hàng, chuyển tải, cấp cứu thương binh. Suốt nhiều năm lăn lộn cùng trung đội
trên đèo, người nữ TNXP ấy được mệnh danh là trung đội trưởng trung đội thép.
Và giờ đây nghe nói chị đang sống bình dị cùng người cháu tại thành phố Đồng
Hới - Quảng Bình, cuộc sống bình dị như bao người lính trở về sau chiến
tranh.
Chiếc xe của chúng tôi lăn êm ru trên đường Hồ Chí Minh
thoáng rộng, láng nhựa phẳng lỳ, uốn lượn theo các vòng cua của vách núi. Đi
trong cái nắng chói chang gay gắt của miền Tây Quảng Bình mà cảm giác trong tôi
như chênh choang trên dẫy Trường Sơn, khúc eo hẹp trên bản đồ cong hình chữ S. Phải chăng bọn xâm lược muốn dựa vào đoạn hẹp nhất của đất nước
này hòng bóp nghẹt, chặn đứt con đường tiếp viện từ hậu phương ra tiền tuyến,
chia cắt đất nước ta. Nhưng chúng làm sao có thể ngăn cản được ý chí và lòng
yêu nước, yêu độc lập tự do của một dân tộc anh hùng, chặn làm sao được những con đường đi ra từ trái tim, con đường
giải phóng đất nước. Không biết chú tôi nằm ở đâu nơi nắng gió Quảng Bình này?
Tôi lặng thầm bên bia tưởng niệm, cầu nguyện chú linh thiêng mách bảo…Liệu có
một ngày, một đêm nào đấy chú linh ứng rằng dù ở đâu cũng là quê hương Việt Nam thì
có lẽ cô vơi đi phần nào khắc khoải.
Trong
cái nắng ong ong ngột ngạt vốn dĩ của gió Lào. Núi rừng vắng lặng thâm u, thi
thoảng vọng ra từ khu rừng, tiếng chim bắt cô trói cột nghe não nề, u uất nhưng
đâu đó trong lòng đất mẹ thân yêu tôi tin chú và những đồng đội đang
thanh thản yên nghỉ. Nhìn ấm bia cao chừng hai mét được dựng lên bởi những tấm
đá xanh vẻn vẹn khắc dòng chữ “ Đèo
Đá Đẽo trọng điểm bắn phá ác liệt của không quân Mỹ từ 1965 đến 1972”, nét
mặt mọi người ai nấy đều xúc động, vài người đã không cầm nổi những giọt nước
mắt. Nhìn bia tưởng niệm chơ vơ lặng thầm giữa rừng Trường Sơn mà lòng thấy
trĩu nặng. Tôi cứ tự vấn mãi tại sao? Giá như người ta đầu tư xây dựng một nhà
bia tưởng niệm có mái che theo dáng dấp truyền thống dân tộc. Giá như nơi ấy họ
viết một vài thông tin và ít hình ảnh về chiến tranh, ghi những chiến công của
cung đường. Giá như nơi tưởng niệm có chỗ để hương khói trang nghiêm… Đại loại
như vậy thì đèo Đá Đẽo đỡ hiu quạnh biết bao nhiêu... Đấy cũng là những việc làm không những
tỏ lòng tri ân anh linh các anh hùng liệt sĩ mà còn giúp thế hệ sau hiểu hơn về
cuộc chiến giải phóng dân tộc của cha anh.
Một
chút thời gian ngắn ngủi dừng lại bên đèo mà là cả một nỗi niềm dài. Chúng tôi
lại tiếp tục lên đường. Đường Hồ Chí Minh năm xưa nay đã thênh thang uốn lượn
trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Sự hùng vĩ không chỉ về địa hình địa mạo mà
còn là sự anh hùng về tính bất khuất kiên cường của dân tộc.
Tác giả bên bia tưởng niêm trên đèo Đá Đẽo
|
Huyền thoại hang Tám Cô:
Cách đèo Đá Đẽo cũng
không xa là mấy còn biết bao các di tích lịch sử
khác:
Trận địa pháo cao xạ nơi Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết
Xuân chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Câu nói nổi tiếng của anh
“Hãy
nhằm thẳng quân thù mà bắn” đã là
bài ca xung trận làm dấy lên khí thế hào hùng trong toàn quân một thời . Rồi di tích Lèn Hà, ngã ba Khe Ve, Khe Gát, Gầm Rinh…Những địa danh đã ghi
vào lịch sử vàng son chói lọi trong sự nghiệp giải phóng của dân tộc, mãi mãi trở
thành bất
tử. Máu, thịt của những người con đất Việt đã luyện thành
linh khí, thiêng liêng của hôm nay và mai sau. Tôi muốn nói đến câu chuyện
huyền thoại hang Tám Cô trên đường 20, con đường được mang tên Quyết
Thắng. Sự xúc động không chỉ ở lòng cảm phục, thương đau về những
hy sinh mất mát mà ở đấy toát lên
một ý chí bất khuất coi cái chết nhẹ như lông hồng của các anh, các chị những
người lính Trường Sơn.
Sẽ là mãi mãi không bao giờ quên, lịch sử khắc ghi ngày 14-11-1972 trong khi đang
thực hiện nhiệm vụ san lấp hố bom, chuẩn bị thông xe thì máy bay Mỹ ập đến đánh
phá. Còi báo động vang lên, tám TNXP chạy vào ẩn nấp ở một hang đá
lớn. Đây là nơi họ thường trú ẩn mỗi khi máy bay địch đánh phá. Hôm đó, máy bay
B52 rải thảm xuống trọng điểm liên tục với 180 quả bom. Không gian rung
chuyển, đất đá tung lên mù mịt, những vách núi dựng đứng lắc lư... Trong tiếng nổ chát chúa bỗng
tiếng ầm khủng khiếp, một vạt núi đá khổng lồ sạt xuống lấp mất cửa hang.
Trong hang có 8 TNXP 4 nam, 4 nữ quê ở Hoằng Hóa - Thanh Hóa. Khi ngớt tiếng bom đồng đội tập
trung đào bới và dùng mọi phương tiện hiện có để cứu các anh, chị. Nhưng bất lực vì khối đá
khổng lồ. Sau nhiều ngày đào bới các anh còn luồn cả ống tuy ô qua các khe kẽ
để đổ nước, đường, cháo vào với hy vọng cứu sống người trong hang. Nhưng nào biết, liệu ống dẫn ấy có vào được đến nơi không? Tiếng kêu cứu từ trong hang vẫn
vọng ra, mà cửa hang thì bị lấp kín! Mặc dù toàn đơn vị đã tìm mọi biện pháp để
cứu đồng đội, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, khối đá lấp hang lại
quá lớn, mà nhiệm vụ phải thông tuyến cho đoàn xe 150 chiếc chở hàng đi qua
trọng điểm. Thời gian rất cấp bách, tranh thủ từng phút từng giờ. Tất cả mọi cố
gắng đã trở nên thất vọng. Tiếng đồng đội trong hang nhỏ dần trong tuyệt vọng.
Sự hy sinh dũng cảm của các anh các chị đã gây chấn động toàn mặt trận làm
dấy lên phong trào học tập tấm gương tiêu biểu về chủ nghĩa anh hùng cách mạng “ Xe chưa qua
không tiếc xương máu”. Sự lẫm liệt của của các anh, chị đang ở tuổi thanh xuân 18- 20. Câu
chuyện ấy nghe như huyền thoại, một huyền thoại có thật của đường Trường Sơn…
Di tích hang Tám Cô |
Sau 24 năm tỉnh Quảng Bình mới quyết định
Phá đá mở cửa hang đem các anh, chị về quê. Và bây giờ hang Tám Cô trở thành
điểm di tích lịch sử cấp quốc gia. Tên các anh, các chị được tạc vào bia đá tại
đền tưởng niệm nơi ghi dấu những
chiến công và cuộc sống chiến đấu của hàng ngàn những đồng đội TNXP. Và
bây giờ nhân
dân, đồng đội Trường Sơn và con cháu họ từ khắp mọi miền về đây thắp những nén hương thơm tưởng nhớ những
người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương. Tên
tuổi của các anh, chị không chỉ khắc vào bia đá mà còn khắc đậm vào lịch sử về
cuộc chiến vĩ đại của dân tộc.
Nhà
thơ Đỗ Trung Lai sau một chuyến viếng thăm đã xúc động viết bài thơ về các anh,
các chị: Mấy mươi năm nằm trong đá núi / Mới được đưa ra nhìn mặt giờii / Công binh vừa mở hang vừa khóc / Đá âm thầm đá toát mồ hôi / … Phút cuối cùng cũng xa lắm
rồi / Đã trôi hun hút về cuối trời / Trôi về hóa thạch, về xương trắng/ Rạch hồng hoang bỏng rát tên người..( Hang
ngậm người) . Đúng dịp lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở
đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn Chủ tịch nước đã ký
quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho các anh, các chị
hy sinh tại hang Tám Cô.
Con
đường 20 Quyết Thắng nay đã được trải nhựa khá bằng phẳng, nhưng vẫn còn đó những con
dốc hun hút, những khúc cua tay áo bất
chợt. Hai bên
đường thi thoảng
còn sót lại những hố bom sâu hoắm, nhôm nham đất đá xám xịt như những
vết sẹo trên thân thể đất nước. Trở lại những cung đường ra trận năm
xưa ký ức lại khơi gợi cho ta bao kỷ niệm của thời máu lửa… Cái thời trận mạc
bom đạn bề bề, tranh chấp, giành gật từng khắc, từng giây trong sinh tử, mất
còn. Thời gian lắng lại, đằm sâu càng hiểu hơn bao giờ hết về sự vĩ đại con đường Trường Sơn. Cái vĩ đại ấy
không chỉ là những con số, những kỹ vĩ lớn lao mà cái lớn lao hơn hết thảy đó
là mạch máu giao thông
ra tiền tuyến dẫn đến thắng lợi, non sông một dải vang khải hoàn ca . Con đường
ấy đã phải trải bằng xương, bằng thịt của hàng vạn người.
Dưới vỉa
đá,
trước cửa hang Tám
Cô
bàn thờ tám TNXP
nghi ngút khói hương. Trên bàn thờ đặt một phiến đá do những
người đồng đội tặng, khắc hình ảnh cô gái TNXP và dòng chữ:
"Khi còn đặt những bước chân trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, chúng tôi
không bao giờ quên sự hy sinh cao cả của các anh các chị”. Cách đó không xa là đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đường 20 Quyết Thắng cũng
nghi ngút khói hương. Cuốn sổ ghi cảm tưởng ngày một dầy lên, với sự ngưỡng mộ,
biết ơn, kính trọng những người đã anh dũng hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Tôi lật giở từng
trang đọc được những lời tri ân, những lời cảm phục mà thấy ấm lòng. Ông Phạm Quang
Nghị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, lúc ấy là
Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin đến thăm ghi: “Đoàn cán
bộ, Bộ Văn hóa-Thông tin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các anh, các chị.
Chúng tôi nguyện mãi mãi học tập noi theo tấm gương anh dũng hy sinh vì dân, vì nước của các anh, các chị những con người năm xưa đã
chiến đấu trên cung đường 20 Quyết Thắng”. Và rất nhiều, rất nhiều những lời
ngợi ca, lòng biết ơn và tự hào. Song dù có nói bao ý đẹp lời hay, sách có viết hàng ngàn trang cũng
không thể nào nói hết được những chiến công thầm lặng và tinh thần quả cảm cho
tổ quốc quyết sinh trên con đường giải phong đất nước.
Trước
cửa hang Tám Cô có cây chuối rừng hai cây quấn bện vào nhau quanh năm xanh tốt
mỗi năm đều đặn nở ra tám lải không hơn không kém. Trong hang chúng tôi còn
được chứng kiến những cặp tắc kè vờn trên kẽ đá và những tiếng điểm nhịp đều
đều khi nắng sớm, chiều mưa, tắc kè…tắc kè… Nghe
như sắp về… sắp về…Những người dân quanh vùng còn cho biết mỗi
ổ tắc kè đều có tám quả trứng tất cả đều tương ứng với con số 8.. Và còn được nghe rất nhiều những câu
chuyện ly kỳ khác được thêu dệt ngày một nhiều thêm
về sự linh thiêng hang Tám Cô trên đường 20. Những câu
chuyện ly kỳ, linh thiêng kia đã in đậm trong ký ức
của mỗi người dân vùng Bố Trạch nghèo khó và cả những người qua đây thăm viếng. Tất cả đã trở thành một huyền thoại hết
sức cao quí!
Trên đây chỉ là hai địa danh lịch sử trong muôn
vàn các địa danh lịch sử khác trên đường Trường Sơn mà tôi chưa thể ghi ra. Còn
biết bao những chiến công hiển hách, thầm lặng, những mất mát hy sinh đã trở
thành bất tử trên tuyến đường mang tên Bác. Song dù gì đi nữa thì những người
con đất Việt vẫn luôn khắc cốt ghi tâm và tự hào. Chúng ta có Trường Sơn huyền
thoại, có Trường Sa trùng dương mênh mang, có Hoàng Liên Sơn vời vợi và Hoàng
Sa thân yêu đó là xương thịt đất nước đã làm lên dáng hình Tổ Quốc anh hùng.
Trường Sơn – Lào Cai tháng 6-10 /2012
C.T
5 nhận xét:
4 nam , 4 nữ hy sinh anh dũng trong hang đá, sao lại gọi là hang 8 cô? Sao ai lại biến các anh thành các cô nhỉ? Sao không có một cái tên hang xứng đáng với sự hy hy sinh của các anh, các chị?
Bản thân câu chuyện 8 TNXP hy sinh trong hang đá thật cảm động. Hiện thực như một huyền thoại, có lần mình cũng đã nghe. Nhưng nay mới biết một chi tiết là 24 năm sau (Nghĩa là sau hòa bình 21 năm) tỉnh QB mới đưa các anh chị ra! Đáng tiếc là Quá lâu!
Bài viết chưa sâu,chưa xứng với tính chất anh hùng và huyền thoại của đoạn đường. Hơi dàn trải...
Phó nhòm cứ nói vậy, tác giả đừng giận nhé.
Cảm ơn bác phó đã để tâm.
Bài ký viết thế là rất tâm huyết, nhưng hơi tiếc vì sự kiện như huyền thoại mà chỉ viết lướt hai sự kiện rưỡi vào một bài. Nếu đào sâu vào,tìm thêm chi tiết sẽ được 3 bài ký hay.
Mình nói dàn trải là thế.
Bài ký viết thế là rất tâm huyết, nhưng hơi tiếc vì sự kiện như huyền thoại mà chỉ viết lướt hai sự kiện rưỡi vào một bài. Nếu đào sâu vào,tìm thêm chi tiết sẽ được 3 bài ký hay.
Mình nói dàn trải là thế.
Báo cáo bài này đã in trên Lào Cai cuối tuần số 27/7 nó chỉ in một kỳ thôi ạ lên phải gom vào bác nhế
Đăng nhận xét