Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Quanh núi Hoàng Liên

                                                                     Ký sự của Công Thế
        Trong những lần đi điền dã, tôi thấy thú vị nhất vẫn là chuyến đi vòng quanh nóc nhà Đông Dương, chuyến đi này tôi khám phá và hiểu biết nhiều điều hơn tôi tưởng. Các vùng đất, cuộc sống, các bản làng và phong tục tập quán của các tộc người cùng cảnh sắc thiên nhiên dưới chân nóc nhà mang nhiều huyền thoại này còn bao điều mới lạ, kỳ thú. Như cho tôi đi ngược về cội nguồn văn hoá bản địa, ở đó tất cả là một bảo tàng sống thuộc nhều lĩnh vực khác nhau tuỳ theo sở thích phám phá của mỗi người. Tất cả cứ hiển hiện lên hồn nhiên, trong veo như mây ngàn gió núi, như cỏ cây hoa lá … 
 Kỳ I: Trên đèo Khau Co
Kỳ II : Những chuyện kỳ bí
Kỳ III: Về tam giác những kho báu
Kỳ IV : Kho báu hình con rùa và nàng vàng Nâu.
Kỳ V : tiếp theo và hết


Ký sự của Công Thế
 Tiếp theo kỳ trước và hết.
                  KỲ V “Kho báu” hình con rùa và nàng
                                  “Vàng nâu” Tam Đỉnh                         
Tôi không thể nào quên câu chuyện lần đó cụ Đỗ Văn Tham kể về ba hòn quặng nhô  hình người trên đỉnh Quý Xa mà người dân ở đây gọi là “Gia đình chủ mỏ ”. Câu chuyện đó để lại trong tôi một điều gì huyền thoại tâm linh khó giải thích, một phần bởi cụ là nhân chứng sống gạo cội biết khá tường tận ngóc ngách “ Kho Báu” hình con rùa này. Trong cái tuổi “chập chọang” lại đang phải chống chọi với căn bệnh nan y quái ác cụ vẫn gắng gượng tường tận truyền lại những gì mình biết về đất nước quê hương. Truyền thuyết đó kể về ba hòn đá đen được gọi là “gia đình chủ mỏ” gồm một thần hiệp sĩ võ nghệ cao cường cùng nàng tiên chuyên việc cai quản kho lương và một tiểu đồng lo việc bếp núc, được Ngọc Hoàng phái xuống coi giữ kho báu. Do kho báu phải giữ lâu dài của cải cho hậu thế chỉ khi nào tìm được người đủ tài đức nghĩa hiệp thì mới trao. Ngày ngày khi mặt trời lên, ba người quay mặt về ba hướng theo thế chân kiềng để quan sát trông giữ kho báu, tối đến mới được xum họp chuyện trò vui vẻ và nghỉ ngơi. Thời gian cứ đằng đẵng trôi và đến cả Ngọc Hoàng lãng quên chuyện kho báu, các thần tiên đã hóa thân thành những khối quặng đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Huyền thoại trải qua năm qua tháng được dân gian thêu dệt không chỉ làm tăng thêm lực hút, củng cố tinh thần niềm tin hướng thiện vào việc giữ gìn tài nguyên, đó cũng là sự nương tựa hài hoà giữa thiên nhiên và con người, làm cho cuộc sống đẹp đẽ hơn, lung linh hơn. Chính đợt lên mỏ lần đó tôi đã có bút ký  “Một ngày trên kho báu”. Khi tác phẩm được in tôi vội vàng gửi biếu cụ Tham, ít lâu  sau được tin cụ đã thành người thiên cổ để rồi “Một ngày trên kho báu” trở thành một nén tâm nhang dâng linh hồn người quá cố đã cả một đời sống với vùng đất mỏ. Cụ Đỗ Văn Tham quê ở Hưng Yên. Năm 1957, khi bước vào tuổi 22 tuổi cụ là lớp công nhân đầu tiên của Đoàn 3 Địa chất thăm dò mỏ sắt Quý Xa, cụ đã học và thông thạo tiếng địa phương, đã từng theo chân các chuyên gia Ba Lan làm thông ngôn tiếng Tày khi tìm kiếm thăm dò, những năm tháng sau đó cụ gắn bó với các đoàn địa chất 50, 304 thăm dò các mỏ vùng này. Yêu người, yêu vùng mỏ cụ đã lấy nơi đây là quê hương và rồi chở về làm cát bụi cùng đất mỏ.
Lần này tôi lên thăm “ Kho báu” vẫn theo lộ trình cũ nhưng mặt đường đã rải cấp phối, các cua tay áo được mở rộng, cống rãnh thoát nước được kè đá chắc chắn. Trên khai trường những máy xúc, máy gạt đời mới hiện đại nhịp nhàng vục gầu vào vỉa quằng gọn gàng đổ lên những chiến xa hạng nặng hối hả vận chuyển quặng về bãi tập kết, xưởng tuyển quặng đenuvi (quăng lăn) nhộn nhịp trong tiếng máy râm ran. Đến đỉnh 538 m nơi cao nhất của mỏ, bắt gặp ngổn ngang của công trường, bắt gặp sự ra đi của “gia đình chủ mỏ” tôi  tần ngần tiếc nuối. Hình ảnh những khối quặng lộ thiên hình người khổng lồ cùng với truyền thuyết đã nằm trong tâm thức của người dân nơi đây. Kỹ sư Trần Duy Ninh, người được Công ty giao tay hòm chia khoá cai quản kho báu bảo ba khối quặng đó quá lớn “trên 40m3” Để đảm bảo độ an toàn khi khai thác Công ty đã thống nhất gải quyết ba khối quặng trên thành nguyên liệu. Vậy là… Tôi thấy như mất đi điều gì quý giá, mất đi một huyền thoại đẹp mà không dễ gì có được, một truyền thuyết gắn với vùng đất cả ngàn đời, nhưng rồi lại nghĩ chắc nhà Giời đã tìm được người hiệp sỹ…Cũng may lần trước tôi đã chụp được mấy bức hình về “ Gia đình chủ mỏ” vẫn còn lưu giữ.

Chân dung gia đình chủ mỏ 


Kho báu Quý Xa có tổng diện tích 1. 100 ha với trữ lượng hơn 120 triệu tấn quặng đang được đầu tư đi vào khai thác bởi Tổng công ty thép Việt Nam liên doanh với Tập đoàn gang thép Côn Minh, Trung Quốc. Tổng giá trị đầu tư hơn 200 triệu USD (chia làm ba giai đoạn). Song song việc mở cửa kho báu hình con rùa này là việc xây dựng nhà máy Gang thép Lào Cai với công suất 1 triệu tấn/ năm, dự kiến hết năm 2012 tấn gang thép đầu tiên mang thương hiệu Lào Cai sẽ được xuất ra thị trường, doanh thu dự kiến trên 10.000 tỷ đồng/năm. Khi dự án này hoàn thiện đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho hơn 1000 lao động có tay nghề cao. Lợi ích từ dự án đem lại là rất lớn, sẽ làm thay đổi cán cân Công nghiệp Lào Cai trong tiến trình tăng tỷ trọng  tỷ lệ Công nghiệp địa phương.
Đứng trên đỉnh kho báu Quý Xa, trong cái mênh mông rộng lớn, trong dập dìu ngan ngát hương của loài hoa thạch thảo đang kỳ nở rộ, từng làn gió tung tẩy đuổi dài thên thảo nguyên khiến lòng tôi dâng lên một cảm giác thư thái. Tuy không còn cái háo hức, mới mẻ như lần đầu lên mỏ nhưng mỏ vẫn cho tôi cái gì cảm giác thích thú khám phá. Nhìn về phía Nam, nơi ba ngọn núi nhọn hoắt chĩa nên nền trời xanh như cột mốc nhà trời, những làn mây mỏng bảng lảng như những tấm khăn von giắt ngang sườn núi. Dưới chân ba ngon núi ấy là thẳm xanh của cây cối đang mùa sung mãn. Và dưới màu xanh ngăn ngắt ấy ẩn chứa một kho báu quý nữa. Đó là mỏ APATIT Làng Phúng – Tam Đỉnh, là một trong ba đỉnh của tam giác những kho báu ở đây.  Ông Trần Duy Ninh cho biết dải quặng APATIT của Tây Bắc Việt Nam là lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nó có trữ lượng hàng tỷ tấn kéo dài hơn 100 km dọc theo dãy Hoàng Liên Sơn từ A Mú Sung, huyện Bát Xát đến giáp tỉnh Yên Bái, song tập trung chủ yếu trên khu vực Cam Đường, Bắc Nhạc Sơn, đến Phú Nhuận và một điểm phình to ở Làng Phúng Tam - Đỉnh huyện Văn Bàn. Nếu nói mỏ Quý Xa là con rùa bò trên núi xuống thì có thể ví dải mỏ APATIT Lào Cai là một loài khủng long khổng lồ ngoằn ngoèo dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn.
Trong những năm qua do nhiều yếu tố nên mỏ Làng Phúng vẫn còn ấp ủ chờ ngày mở cửa. APATIT là một loại khoáng sản có nguồn gốc thể trầm tích biển đã phong hoá. Thành phần chủ yếu của khoáng vật này chứa Cacbonat photsphorit (Apatit đolomit) thành hệ chủ yếu được sử dụng trong sản xuất phân bón phục vụ nông nghiệp. Quặng Apatits còn được mệnh danh là Vàng Nâu bởi quặng Apatit khi chế biến phân bón mang tính đặc hữu tự nhiên hữu cơ vì bản thân chính là thành phần P2O5 rất cần thiết cho cây trồng và cải tạo đất. Chẳng vậy mà Công ty Apatits Việt Nam đã lấy khẩu hiệu “ Nơi khởi nguồn màu xanh đất nước” làm thương hiệu định hướng của Công ty. Tháng 7/2010 Chính phủ đã có công văn đồng ý cấp phép giao cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIPI) làm chủ đầu tư thăm dò chi tiết để tiến đến khai thác chế biến mỏ Apatít Làng Phúng – Tam Đỉnh. Trực tiếp triển khai dự án là Công ty cổ phần Apatít Tam Đỉnh với tổng số vốn điều lệ giai đoạn I là 50 tỷ đồng.  Ông Nghiêm Quốc Tuấn trưởng phòng kỹ thuật của công ty cho biết: Từ tháng 2/2011 đến 3/2012 công ty sẽ tiến hành thăm do chi tiết và lập bản đồ khai thác toàn bộ diện tích 4 km vuông mỏ được cấp, sau đó công ty sẽ tiến hành xây dựng nhà máy tuyển với công suất 300 ngàn tấn tinh quặng /năm với hàm lượng tiêu chuẩn P2O5 bằng 33%, đồng thời xây dựng nhà máy Potphos và một nhà máy phân bón chất lượng cao DAP. Theo tài liệu đánh giá mỏ Apatít Làng Phúng có trữ lượng khoảng 24 triệu tấn, là một mỏ lộ thiên có hàm lượng tương đối ổn định, thuận lợi khi khai thác và chế biến.
Vậy là nàng vàng nâu Tam Đỉnh đã có chủ chính thức, tiềm năng vàng nâu đã thực sự khơi dậy đem cái mỡ màng xuân thì của mình vẽ lên màu xanh quê hương, một màu xanh ấm no, hạnh phúc.
 Chúng tôi xuống núi kết thúc chuyến thăm các kho báu. Trên đường về đi trong nắng chiều chênh choang, vàng nhạt của trời đất chuyển mùa. Trong lòng ăm ắp bao niềm vui với những viễn cảnh của sự phồn thịnh mà tài nguyên đất nước mang lại. Rồi mai đây cả khu Tam giác những Kho Báu này đang khai mở ra bao điều tốt lành của ngành công nghệ chế biến và khai mở ra nhiều công ăn việc làm, thiết thực cải thiện cuộc sống của người dân nơi đây, những chủ nhân ngàn đời trông giữ mỏ. Song  trong lòng chúng tôi cũng không khỏi chống chếnh, trăn trở nghĩ suy. Vẫn biết tài nguyên khoáng sản không thể là vô tận, không thể tái tạo, không thể… mà phải một quá trình hình thành táo hoá hàng trăm triệu năm. Vẫn biết con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên. Mẹ trái đất đã ưu ái ban phát cho ta cuộc sống tươi đẹp, ta phải tôn trọng mẹ trái đất, phải tiết kiệm tài nguyên khi khai thác chế biến, tạo hiêụ quả cao nhất phục vụ công đồng. Phải bảo vệ môi trường được trong sạch đó là ước mong, ước muốn không phải của riêng tôi.
                
                      Những ngày đầu thu 2011  
                                                                  C . T  

2 nhận xét:

Kiên Sa Pa nói...

Đó,đó.Đúng rồi đó.Đúng sở trường của anh rồi đó.Tư liệu chính xác,dòng văn mạch lạc.Tới vỉa rồi.Đào nữa đi anh.

congtheblocg nói...

Cám ơn chú anh đào cái này 5 kỳ liền đấy chú vào xem hết cả đi. Và động viên anh sẽ đào tiếp để xây dựng XHCN chứ.

Bài đăng phổ biến