Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Quanh núi Hoàng Liên

                                                                         Ký sự của Công Thế
          Trong những lần đi điền dã, tôi thấy thú vị nhất vẫn là chuyến đi vòng quanh nóc nhà Đông Dương, chuyến đi này tôi khám phá và hiểu biết nhiều điều hơn tôi tưởng. Các vùng đất, cuộc sống, các bản làng và phong tục tập quán của các tộc người cùng cảnh sắc thiên nhiên dưới chân nóc nhà mang nhiều huyền thoại này còn bao điều mới lạ, kỳ thú. Như cho tôi đi ngược về cội nguồn văn hoá bản địa, ở đó tất cả là một bảo tàng sống thuộc nhều lĩnh vực khác nhau tuỳ theo sở thích phám phá của mỗi người. Tất cả cứ hiển hiện lên hồn nhiên, trong veo như mây ngàn gió núi, như cỏ cây hoa lá … 
 Kỳ I: Trên đèo Khau Co
Kỳ II : Những chuyện kỳ bí
Kỳ III: Về tam giác những kho báu
Kỳ IV : Kho báu hình con rùa và nàng vàng Nâu.
                Kỳ III:   Về Tam giác những kho báu                                 
Theo Quốc lộ 279 chạy từ Tây sang  Đông, chúng tôi vượt đèo Khau Co trên dẫy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ và đổ dốc qua xã Nậm Xé – Văn Bàn, từ đó con đường khá êm ả, uốn lượn vòng vèo bám theo sườn phía đông, xuyên qua những cánh rừng ngút ngàn màu xanh của khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên, những bản làng trù phú, gặp những người dân Nậm Xây, Minh Lương, Dương Quỳ, Hoà Mạc…, đến thị trấn Khánh Yên - Thủ phủ của huyện Văn Bàn, về ngã ba Khe Lếch  thuộc xã Sơn Thuỷ huyện Văn Bàn – Lào Cai
          Cây cầu Khe Lếch bắc qua suối Nhù, dòng nước trong xanh thơ mộng chảy đến Khe Chấn hợp lưu với dòng suối Chăn rồi tiếp tục hành trình đổ ra Sông Hồng. Cả hai dòng suối này đều bắt nguồn từ “ Mẹ Núi” dẫy Hoàng Liên. Từ đây bạn muốn ngược lên phía Bắc về thành Phố Lào Cai theo tỉnh lộ 151 khoảng 70 cây số, hoặc thẳng theo quốc lộ 279 chừng 10 km ta sẽ đến khu di tích lịch sử văn hoá tâm linh thuộc xã Bảo Hà huyện Bảo Yên. Nơi uy nghiêm thờ tướng công Nguyễn Hoàng Bảy, một danh tướng anh hùng thời Nguyễn có công đánh đuổi giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi. Nơi đây là một điểm dừng chân trong chương trình du lịch “Cội nguồn” của ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái – Phú Thọ.



  Nếu lấy ngã ba Khe Lếch  này là tâm điểm của Tam giác những kho báu theo cách gọi của các nhà địa chất tìm kiếm khoáng sản với góc nhìn, toạ độ,  bình đồ, góc vị chuyên môn, như kỹ sư địa chất Dương Văn Vụ giải thích. Nhìn tấm bản đồ địa hình 1/500 với những bình độ các đường vẽ  vòng vèo như những nấc ruộng bậc thang đang san dở tôi láng máng hình dung và hiểu ra được cái tam giác không gian để định hình. Với ba đỉnh của tam giác là ba “kho báu” tài nguyên khoáng sản mà Ngọc Hoàng Thượng Đế đã hào phóng ban tặng cho con dân Đất Việt nơi chân núi Hoàng Liên. Đỉnh phía Đông Bắc là mỏ sắt Ba Hòn Làng Lếch, đỉnh phía Tây Bắc là mỏ sắt Quí Xa và mỏ Tắc Ái, đỉnh phía Nam là mỏ Apatit  Làng Phúng -Tam Đỉnh . Ba mỏ này với những khoáng sản quí có chất lượng cao, trữ lượng lớn thuộc diện quản lý quốc gia, còn lại các điểm mỏ nhỏ khác nằm rải rác khắp vùng kéo dài về tận Võ Lao, Văn Sơn, Phú Nhuận. Để tìm hiểu về những kho báu này không thể cưỡi ngựa xem hoa mà phải giành nhiều tâm lực tìm hiểu, cũng may tôi đã gặp những chủ nhân nhiệt tình dẫn đi mục sở thị gõ cửa các “ Kho Báu ”. Những xâm nhập đó đã cho chúng tôi hiểu biết nhiều điều về các tài nguyên khoáng sản quí hiếm tại đây.
          Cũng đến mấy năm nay tôi mới trở lại mảnh đất này,  cảnh vật cũng nhiều thay đổi. Suối Nhù vẫn êm đềm chảy như xưa nhưng cái chất xanh trong thơ mộng ngày nào đã có phần hoen ố đi ít nhiều. Nhà cửa mọc lên san sát, bây giờ ở đây có thể mua được nhiều thứ tiện dụng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Các dịch vụ phục vụ từ ăn uống, tạp hóa, sửa chữa cơ khí đến bơm nước mui xe mọc lên như nấm mùa mưa suốt dọc hai bên đường.  Đấy là chưa kể đến đội quân của công ty “hai sọt” phục vụ “thượng đế” khắp hang cùng ngõ hẻm đủ thứ từ thịt, cá, mắm muối, dưa cà…. Chả bù cho cái thời xưa, mà nào có xa xôi gì chỉ cách đây  khoảng gần chục năm. Ngày ấy khách đến  chơi, có tiền cũng chỉ gọi là cá khô, tương ớt rồi chủ nhà hai tay xít xoa đến khét lẹt, bác thông cảm! chợ xa… Xã hội đổi thay, cuộc sống người dân được cải thiện theo hướng tích cực, giờ đây chỗ nào cũng hàng quán thuận tiện, ngay như tại dưới cổng của xí nghiệp mỏ Ba Hòn – Làng Lếnh cũng không kém sôi động. Café,  karaoke xả láng. Khi chúng tôi đi qua khu trung tâm đã nghe thấy tiếng của các ca sĩ bất đắc dĩ vọng ra. Như anh Vụ nói là số công nhân hết ca, rỗi việc… Mà cũng đúng thôi, ở đây đa số công nhân độ tuổi thanh niên chưa lập gia đình, các trò chơi giải trí cũng chẳng có gì khác.  Ngã ba “buồn” khi xưa nay đã có phần nhộn nhịp kẻ bán người mua đang hình thành dáng dấp một thị tứ. Thay đổi nhanh quá, rồi trong nay mai sẽ thành thị trấn, thị xã chả mấy chốc. Đến lúc ấy chỉ mong tình người ở đây vẫn giữ được tính mộc mạc thuỷ chung, chất phác. Nay mai cả khu này là một đại công trường khai thác các “ kho báu”.  Sẽ có hàng nghìn công nhân lao động từ các nhà máy tuyển, các công trường khai thác, máy móc, thiết bị, sản xuất sẽ râm ran, tấp nập suốt ngày đêm. Nhu cầu sinh hoạt ăn ở là rất lớn. Tự nó, tự cái cơ chế thị trường sẽ vận động theo quy luật để cân bằng là nhẽ đương nhiên.
          Có thể nói chưa có nơi nào trên đất nước được thiên nhiên yêu đãi ban tặng nhiều tài nguyên khoáng sản như ở Lào Cai, và cũng không đâu trên đất Lào Cai lại tập trung nhiều khoáng sản như nơi tam giác này. Với  trữ lương lớn và phong phú về chủng loại, tam giác này là nơi hội tụ những kho chứa của cải mà ông trời cất giấu cho hậu thế. Mảnh đất này giầu có tài nguyên và cũng nhiều huyền thoại. Tôi đã được nghe nhiều những câu chuyện huyền bí, có chuyện nghe như thần thoại, nhưng ngẫm về khoa học đia chất lại có lý do người đời huyền thoại lên thôi. Chuyện kể: Thủa hồng hoang cỏ cây cằn cỗi trời đất mịt mù cát bụi, mặt đất rùng rùng chuyển động, mây gió vần vũ, lửa cháy đỏ ngụt ngụt, đá lăn rào rào trên núi, sông  hồ trơ cạn, cỏ cây chim thú cháy chụi, dòng sông bùn lửa từ những chảo lửa khổng lồ trong lòng núi phun ra đỏ lừ, ngùn ngụt chảy lênh láng trồi lên thành núi suốt dọc dải phía Bắc. Phát hiện ra đó là của quí Ngọc Hoàng cho người nhà giời xuống trần gian. Những người khổng lồ khuân chuyển về tập kết thành kho chứa nơi đây. Cái lò nấu luyện đó chảy ra đóng kết lại đến đâu các chàng khổng lồ chuyển đi đến đó. Lớp váng màu vàng mỏng nặng hơn chảy sâu xuống khe thấp được chuyển về cất giấu trên núi MaSaPin trên dẫy Hoàng Liên. Loại xỉ đen nhiều nhất cất vào kho Qúi Xa, loại xỉ đen óng ánh nhũ kim khuân về núi Ba Hòn, còn loại màu nâu khi cháy ánh lửa xanh lè thì cất giấu về núi Tam Đỉnh.  Đến khi chảo lửa trên ngọn núi nguội các xỉ đen, vàng, nâu không còn phun trào nữa thì các kho báu cũng đã đầy. Xong công việc Ngọc Hoàng phái xuống trần gian ba người trông giữ của báu để dành cho hậu thế.
 Truyền thuyết trên có chỗ tương đồng với truyền thuyết “Gia đình chủ mỏ” nói về ba khối quặng lộ thiên hình người trên đỉnh Quí Xa ngày nay mà cụ cố Đỗ Văn Tham kể tôi nghe mấy năm về trước khi đi thực tế mỏ.
*
*    *
Ba Hòn – Làng Lếch là tên mỏ sắt và cũng là tên của dự án khai thác và tuyển làm giầu quặng tại xã Sơn Thủy - huyện Văn Bàn. Dự án này đã được bộ Công Thương Việt Nam cấp phép cho Công ty cổ phần khai thác chế biến khoáng Lào Cai thực hiện. Ông Vũ Quốc Tuân - Phó Giám đốc Công ty cho chúng tôi biết: Hiên dự án đang trong giai đoạn thi công đền bù giải phóng mặt bằng khu vực nhà máy tuyển, với diện tích 15 héc ta và diện tích mỏ 76 héc ta, tất các khâu đang được triển khai khẩn trương. Được biết Công ty vẫn đang chạy một phân xưởng tuyển công suất nhỏ có từ trước theo kiểu lấy ngắn nuôi dài.
Trong cái nắng tháng năm ong ong, oi ả của vùng đất mỏ, thi thoảng có những cơn gió mồ côi khô khét nồng nặc hơi nóng của gió Lào càng làm cho bầu không khí thêm phần ngột ngạt. Những khoảng rừng toang ngoảng, thưa thớt từng đám vầu lèo tèo, đất đai cằn cỗi, khô rang, chỉ còn trơ ra những vỉa quặng xám xịt lô nhô. Khe Lếch, theo hệ ngữ tiếng Tày là lạch nước nhỏ chảy trên sắt.  Khe Lếch, Làng Lếch, Trảng Lếch, Ba Hòn - Làng Lếch, các danh từ ở đây chỉ nghe đã thấy sắt là sắt.  Đến đây chỗ nào cũng có quặng, quặng lăn trải thành đường đi, quặng nhô lên ven vườn, ven rẫy nương, quặng xếp thành bờ rào như thành luỹ che chắn bảo vệ hoa màu. Quặng ở đây nhiều như đá, quặng là đá, đá là quặng, theo chuyên môn gọi là khoáng vật. Khoáng vật nào mà mang trong mình chứa hàm lượng thành phần của chất đó vượt trội thì  thành tên quặng đó. Quặng cản chân trâu, chân người, cản lưỡi cầy trên nương. Ngay dưới chân chỗ chúng tôi đứng là thân quặng VI có trữ lượng lớn của mỏ,  cả một mạch quặng nhô cao, đen xì, óng ánh nhũ kim. Toàn bộ mỏ có 23 thân quặng, tổng trữ lượng đến gần 30 triệu tấn. Các thân quặng, tầng vỉa đều nằm đầu hướng về phía Mẹ núi Hoàng Liên.
 Ông Tuân là những người đầu tiên của Công ty khoáng sản Lào Cai tham gia khảo sát để đưa mỏ đi vào khai thác từ năm 1998. Song vì nhiều lý do khác nhau nên mỏ vẫn còn tiềm năng. Do hàm lượng quặng thấp bình quân chỉ đạt dưới 45% . Trong khi lúc đó thị trường chưa chấp nhận, thiết bị khai thác lạc hậu, nên việc khai thác chỉ cầm chừng để quản lý mỏ.  Để khai thác một tấn quặng có hiệu quả phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hệ số bốc dỡ, hàm lượng,chất lượng và đánh giá tác động môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia. Và giờ đây, chiến lược khai thác có hiệu quả, tiết kiệm được tài nguyên theo tầm vĩ mô chứ không khai thác theo kiểu thổ phỉ. Vậy là tiềm năng vẫn chưa được đánh thức thực sự còn ấp ủ đến bây giờ. Tôi nghĩ cái khó đó nó giữ được của cải, nếu không bây giời chắc chẳng còn quặng để mà dự án…  Quặng ở  Ba Hòn – Làng Lếch là loại quặng chiến lược cho nhà máy gang thép Lào Cai đang xây dựng.
 Chúng tôi đi trên khai trường của dự án có qui mô khai thác một triệu tấn quặng thô một năm. Cùng với một nhà máy tuyển công suất ba trăm năm mươi ngàn tấn tinh quặng/năm, khi sản phẩm ra có hàm lượng trên 60% . Tổng  mức đầu tư của dự án lên đến 237 tỷ đồng, với sự tham gia của ba cổ đông; Công ty TNHH MTV Khoáng sản Lào Cai 51% ; Tập đoàn đầu tư BiBexiCo 39%, Công ty Thương mại Hải Yến 10%. Sự ra đời của dự án này đã và đang góp phần làm thay đổi đời sống kinh tế tại địa phương, tạo công ăn việc làm hàng trăm lao động. Đặc biệt khi sản phẩm của dự án làm ra sẽ cung cấp cho nhà máy luyện thép Lào Cai tại Tằng Loỏng và các nhà máy luyện thép trong nước.
                                                                  C.T
                                                           Mùa thu 2011
K ỳ sau :  Kho báu hình con rùa và nàng vàng nâu
 Ghi chú : Kỳ I và kỳ II Các bạn vào mục ký tổng hợp phía cuối trang bên phải Xin cảm ơn

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến