Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Bút ký

BẢN TRẺ
Bút ký của: Nguyễn Xuân Mẫn

Mỗi thôn bản ra đời thường kèm theo từ MỚI vào thôn bản ấy. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai gọi bản mới là Sín Chải còn người Kinh lên khai hoang đặt tên bản là Tân Hào, Tân Sơn... Gần đây, ở xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát hình thành một bản mới đã có 50 mái nhà với đầy đủ ý nghĩa trong công việc, tuổi đời và phong cách của cư dân đều mới và trẻ khoẻ. Đó là Làng Thanh Niên lập nghiệp.

Ở nông thôn miền núi, đánh vật với ruộng, rừng, nương bãi nhưng không ít đôi vợ chồng trẻ khi ra ở riêng, vốn liếng của nả có là bao. Nhiều gia đình cố gắng thì bố mẹ cũng chỉ chia cho một vài sào ruộng, một con trâu và hai gian nhà tạm. Ra ở riêng, gà chưa kịp gáy lần thứ ba gọi mặt trời, vợ chồng trẻ đã lục tục khua nhau dậy, vội vàng nấu nướng, ăn uống, cho lợn gà ăn, hối hả đưa con đi học rồi tất tả đóng cửa đi làm. Hay làm, giỏi nghĩ, chịu bòn nhặt cũng phải dăm ba năm sau mới không phải thắp hương thờ con ma nghèo ngồi chắn cửa. Đâu chỉ là nỗi trăn trở của các ông bố bà mẹ mà còn là nỗi lo toan của hệ thống Đoàn thanh niên nên nhiều năm nay tuổi trẻ cả nước dấy lên phong trào “Thanh niên lập nghiệp”.
Chị Hà Thị Nga, bí thư tỉnh đoàn Lào Cai lên làm dâu trên miền đất biên cương này. Mười lăm năm gắn bó với Lào Cai, chị thấy thân thiết như Piềng Vế, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình quê mình. Nơi nào xa xôi khó khăn nhất đều có bàn chân của người phụ nữ dân tộc Thái ấy. Năm năm trước trở lại công tác đoàn, việc đầu tiên chị nghĩ đến là muốn phong trào “Thanh niên lập nghiệp” có hiệu quả, Đoàn phải có nội dung hoạt động rõ ràng hơn ở vùng cao. Tâm tư của chị được ban thường vụ rồi ban chấp hành tỉnh Đoàn ủng hộ và trở thành nghị quyết của tỉnh Đoàn là xây dựng “Làng thanh niên lập nghiệp”. Hai hiệu quả lớn được đặt ra trong dự án là: Kinh tế và nếp sống công nghiệp. Chỉ có mấy từ ấy nhưng chị Nga và các cán bộ tỉnh đoàn phải lặn lội khắp các huyện để tìm chọn địa điểm. Việc đầu tiên là phải có diện tích rộng trên dưới một nghìn héc ta để có đất cho các bạn vào bản trẻ sản xuất. Tiếp đến là nơi ở phải tương đối quần tụ vừa bảo đảm cho sản xuất lẫn sinh hoạt hàng ngày. Đi đến đâu tìm cũng thấy đất lúa, đất ngô và đất rừng đều có chủ hoặc không canh tác được. Mấy năm liền xây dựng với nhiều lần được sửa chữa điều chỉnh và báo cáo lên tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, lên Trung ương đoàn thẩm định. Cuối cùng dự án Làng thanh niên lập nghiệp Trịnh Tường  với quy mô 100 hộ được phê duyệt và cấp kinh phí thành lập.
 Xã Trịnh Tường có hơn 5.500 nhân khẩu thuộc 5 dân tộc Mông, Giáy, Dao, Kinh và Hà Nhì. Xã có 21 thôn bản như: Tùng Chỉn, Bản San, Phìn Ngan, Phố Chợ… Không phải mỗi địa danh ấy chỉ dành cho một bản mà có tới hai hay ba bản cùng tên gọi vì mỗi năm cũng có chừng vài chục cặp vợ chồng trẻ ra ở riêng. Chính quyền từ xã xuống đến các thôn bản và những ông bố bà mẹ có con muốn ra ở riêng đang loay hoay thì gặp ngay những bàn chân của các cán bộ tỉnh đoàn Lào Cai đi tìm đất lập làng. Nào ngờ hai cái bí gặp nhau lại hợp thành một thế đi thuận lợi để hình thành làng thanh niên, ngôi làng thứ 22 của Trịnh Tường. Không hiểu tình cờ hay mọi người chủ định mà vùng đất Trịnh Tường hôm nay gặp cơ may để rừng núi có nhiều tiền như ước nguyện của cha ông khi đặt tên vùng quê mình là Sền Siềng có nghĩa là tiền dài, tiền lớn.
Ngày 26 tháng 3 năm nay giữa tiết xuân phân, đúng vào ngày kỷ niệm thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; cả Trịnh Tường rực rỡ cờ hoa khởi công xây dựng làng thanh niên lập nghiệp. Trụ sở của làng trẻ được nằm trên sườn núi nhìn về hướng tây nam. Làng thanh niên được chia thành ba xóm nhỏ, một ở ngay trụ sở nằm trên đất Vĩ Lầu, một ở Bản Tàng cách đó gần hai cây số và một xóm nữa ở thôn Tấn Tiến ngoài bãi sông xa bốn cây số.
Hơn 1.000 héc ta gồm cả đất canh tác nông nghiệp và rừng sản xuất.của làng thanh niên rải ra nằm trong gần 8.000 héc ta xã Trịnh Tường. Trước ngày thành lập làng, không ít thanh niên ngần ngại về nhiều lẽ. Việc đầy tiên vẫn là làm ăn trong làng trẻ có thể giàu lên được hay không vì chuyện việc làm đều nằm trong kế hoạch chặt chẽ của ban quản lý làng? Mọi hoạt động và sinh hoạt trong khuôn khổ tác phong công nhân chặt chẽ như quân đội thì những thời gian cần cho việc cưới xin, ma chay, thăm hỏi…  trong họ ngoài bản cũ sẽ bố trí ra sao? Họp thôn bản nghe phổ biến, nhiều người càng thấy rất ngại bởi tiêu chuẩn vào làng thanh niên rất chặt chẽ. Phải có gia đình và dưới ba mươi lăm tuổi, chỉ có không quá hai con, phải có văn hoá phổ cập trung học cơ sở… Chí trẻ giúp lớp trẻ Trịnh Tường vượt xa khỏi tầm suy nghĩ quẩn quanh xưa nay của cha ông. Mấy anh người Mông Bản Tàng, xuống xã hỏi cách làm đơn vào làng thanh niên. Ở Bản Mạc, phố chợ và cả thôn Tân Tiến; các chàng trai cũng ướm sức mình rồi gặp trưởng thôn hỏi kỹ tiêu chuẩn đi làm công nhân làng thanh niên. Một cuộc trao đổi nương bãi diễn ra giữa các gia đình trong xã để vừa thuận tiện cho đất sản xuất vừa bố trí thổ cư quây quần một khu vực. Tuy vào làng thanh niên nhưng người Mông Bản Tàng vẫn ở quây quần gần bản cũ. Thanh niên Dao, Hà Nhì và Kinh thôn Tân Tiến vẫn sinh sống ngay trên vùng hồ Bản Mạc xưa kia để làm nương làm bãi.  Trong dự án, làng được cấp 500 triệu đồng mua một xe ô tô vừa để vận chuyển vừa phục vụ công tác nhưng suy nghĩ của lớp trẻ bao giờ cũng đầy sức sáng tạo. Số tiền ấy được lăng xê sang chiếc máy xúc KOMASU. Máy về làng đã khoe sức trẻ của mình khi san nền nhà ở cho công nhân. Với công suất một giờ san đào được 80 mét khối, chàng lực sĩ Nhật ấy tiếp tục trổ tài tham gia mở đường băng hơn 85 héc ta cao su, mở đường ô tô cho làng trẻ và cho xã. Còn vô khối công việc mở nương bậc thang trồng chè, trồng cây ăn quả, rừng sản xuất cho bản trẻ đang chờ chiếc gầu xúc khoẻ như một trăm con ngựa ấy.
Những ngôi nhà mới xây mọc lên mỗi nơi mỗi kiểu dáng khác nhau. Hai chục gia đình trẻ người Mông Bản Tàng vốn nằm trong diện hộ nghèo nên với 30 triệu đồng nhà nước hỗ trợ và công sức của vợ chồng, nhờ họ hàng giúp đỡ cũng có được ngôi nhà ba gian xây cấp bốn rộng 50 mét vuông có buồng, có hai gian ngoài rộng rãi. Hôm vợ chồng anh con trai dọn xuống nhà mới ở bản trẻ, ông Sùng A Sài ôm chặt lấy anh Bùi Quốc Phi, phó ban quản lý dự án làng thanh niên mà dân dấn nước mắt: “Vợ chồng mình nghèo nhiều lại đẻ đông tới năm đứa con, nếu không có   đoàn thanh niên giúp đỡ, chẳng bao giờ thằng Sùng A Ca nhà mình mới có cái nhà bằng gạch này”. Cánh thanh niên người Giáy ky cóp vốn liếng, vay mượn anh em, dồn thêm tiền làm ngôi nhà to hơn nhà của bố mẹ trong bản cũ. Ngay cổng vào trụ sở làng là ngôi nhà bề thế của Lý Văn Tỉn, người Bản Mạc tính sơ sơ tới 145 triệu đồng vì có đủ phòng khách, phòng ở, bếp, chuồng lợn, chuồng gà và đầy đủ mọi tiện nghi trong công trình vệ sinh như nhà ngoài phố tỉnh. Lớp trẻ học được nhiều điều hay cái mới nhưng vẫn giữ nguyên truyền thống của cha ông. Nhà thanh niên Giáy hay Mông vẫn đóng trên cửa ra vào mảnh vải đỏ cầu may và dán đôi câu đối đỏ bên bàn thờ. Dù xây nhà ống nhưng nhà các thanh niên  Giáy, cửa ra vào vẫn nằm giữa nhà để bàn thờ ma ông ma bà được nhìn thẳng ra phía trước. Nhiều căn buồng nhà thanh niên người Mông không để cửa sổ vì lý của ông bà dặn nơi dành cho phụ nữ cần kín đáo.     
Vào làng thanh niên nhưng ngày ngày vợ vẫn cấy lúa ruộng nhà, trồng ngô sắn nương nhà, vẫn nuôi lợn gà. Ngoài bãi sông Tân Tiến vẫn trồng chuối, ớt, cà chua trong chương trình liên kết của xã với các doanh nghiệp. Hàng ngày chồng cùng công nhân làng lên đồi trồng cây lâm nghiệp, đào hố trồng cao su. Mọi phần việc đều giao khoán cụ thể tới từng nhóm và người công nhân. Khi công việc của làng  cần là cả hai vợ chồng cùng đi làm. Sống với cây với đất nên công nhẹ việc nặng đều có tất từ phát cỏ, san nương, đào hố, đóng bầu đất ươm cây…Sức trẻ với tính cần cù chịu khó nên họ dễ dàng đạt và vượt chỉ tiêu mỗi tháng hai mươi sáu ngày công, để lĩnh mỗi tháng 1,9 triệu đồng. Số tiền ấy nếu ở bản cũ thì làm ăn tối mặt ngoài ruộng trên nương cả hai vợ chồng cũng không có nổi.
Vào làng thanh niên nên nếp sống thay đổi khác ngày còn trong bản cũ. Dù vẫn người trong xã trong bản cũ nhưng mọi sinh hoạt đã thành nếp mới tiến bộ và rõ ràng. Những buổi họp làng, họp tổ không phải chờ đợi quá lâu, không có khuôn mặt rượu phừng phừng. Mọi chuyện bàn bạc cũng dứt khoát rõ ràng xoáy sâu vào năng suất lao động, vào thời vụ trồng trọt, không e ngại cầm chừng như trước. Ai làm đúng biểu dương và học tập làm theo, ai còn thiếu sót góp ý chân tình thẳng thắn. Tác phong công nghiệp đã hình thành ở mỗi việc làm và cả khi họp hành nói với nhau bằng tiếng trong dân tộc. Những đứa trẻ con của làng đi học đều hơn và tiến bộ hơn và không rụt rè như trước. Chúng luôn tự hào với bạn bè bản cũ vì được làm cư dân tý hon của làng trẻ. Đêm tết trung thu năm nay, gần một trăm cháu con công nhân và hơn một trăm cháu mấy bản xung quanh về vui chơi ở sân trụ sở làng thanh niên. Vẫn là những đứa trẻ người Mông, người Giáy, người Hà Nhì nhưng từ cách đi đứng, chào hỏi nhanh nhẹn bạo dạn hơn trước. Cháu Sùng A Chống người Mông, con trai anh Sùng A Khoa khoe với các bác các cô cán bộ ngoài tỉnh vào: "Từ ngày bố làm công nhân làng thanh niên cháu vui lắm lắm nên học được nhiều hơn. Lớp bẩy của cháu có tới sáu bảy bạn cũng con làng này, vẫn bảo nhau phải học giỏi để thành công nhân con đấy!
Giữa màu xanh trên nương ngô và màu lúa chín vàng dưới ruộng, hai mươi ngôi nhà xây cấp bốn ở xóm Bản Tàng của  làng thanh niên lập nghiệp xếp một hàng ngang ngay ngắn như đội hình hành quân vào trận tuyến mới. Bản trẻ - Làng thanh niên lập nghiệp Trịnh Tường là đứa con đầu lòng của thanh niên tỉnh Lào Cai sẽ làm giàu bằng sức trẻ của mình để miền biên giới vùng đông bắc Bát Xát lấp lánh tiền vàng tiền bạc.
2.159 từ

Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến