Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Đất Tổ - Tháng ba gọi về

Vừa qua ngộ có chuyến xuôi Đất Tổ tháng 3 và ghi chép được vài điều như vầy. Ai quan tâm thì ngó chơi. Cảm ơn nhiều!
Đất Tổ - Tháng ba gọi về
Bút ký của Công Thế Ky` 1: Dồn chân trảy hội Tổ hương. Dù nàng xuân có chùng chình nấn ná đến mấy rồi cũng dần nhạt theo tiết thời gian. Sắc thắm của hoa đào, hoa mai, của hương chanh, hương bưởi Đoan Hùng có nồng nàn đến mấy cuối cùng cũng phải ẩn mình vào xum xuê cành lá, vào những chùm quả xanh biếc đầu cành. Gió nồm nam có dùng dằng đi ở mang cái ẩm ướt phả mưa phùn như sữa trắng, tắm táp, tưới mát cho lộc biếc chồi non rồi cũng phải dắt nhau di cư đợi mùa xuân năm tới mà vẫy vùng. Theo phân định tiết mùa quy luật của tạo hóa của lịch mặt trăng tròn khuyết mà xoay vần tiếp nối. Tháng ba Âm lịch qua tiết Thanh Minh, lúa xuân đang thì thiếu nữ đã đỏng đảnh đầu bờ đợi sấm dậy rền vang, đợi những trận mưa rào đầm đìa, quấy đạp mà mở lòng, mở dạ phơi phới phất cờ. 

Ở Việt Nam và vài nước phương đông là theo lịch âm, vận dụng cái quy luật thiên nhiên vào sản xuất nông nghiệp. Kể cũng nhiều khi thấy rắc rối gây ra nhầm lẫn. Này nhé, đi làm việc, đi học hành, tầu xe thì tính theo lịch Tây về nhà tính chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái, chuyện giỗ, chạp, ngày sinh tháng đẻ, chuyện tuổi tác bói toán thì theo âm lịch, chuyện trai gái yêu thương nhau thì nhẽ đương nhiên phải xem tuổi chúng cầm tinh con gì, mạng gì, có hợp với nhau không theo thuyết âm dương ngũ hành mà bàn định chuyện trăm năm…. Nói tóm lại, mọi sinh hoạt thường ngày người ta vẫn lấy lịch âm. Nếp này có lẽ từ thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang lưu truyền cho đến ngày nay. Ngay ngày giỗ Tổ Vua Hùng dân ta cũng lấy ngày 10/3 âm lịch để lưu truyền cho con cháu đời sau mà giữ việc đạo hiếu “ Dù ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”…Thế mới biết rằng cha ông ta từ xa xưa đã duy trì phong tục tập quan, giữ gìn bản sắc Việt. Mặc dù dân tộc ta đã qua bao thời kỳ là thuộc địa ngoại bang vậy mà bản lĩnh Việt, tâm hồn Việt vẫn không bị Tầu thuần, Tây hóa, không bị cái lệ thuộc cai trị mà mất đi cái giống nòi thuần Việt.
Chuyến xuôi về cội vùng đất Phong Châu linh diệu đầy trầm tích này của tôi phải là người có cơ duyên lắm. Bởi không phải ngẫu nhiên nói đi là đi được ngay đâu, mà lại về đúng dịp lễ trọng Quốc Giỗ như vầy thì phải là cơ duyên lắm lắm chứ! Được đắm vào cái náo nức của vai kề vai, chân sát chân cùng bá tính Bách Việt nhón chân qua từng bậc đá thiêng liêng lên núi Hùng đến đền Thượng mà vọng bái đất trời cầu cho quốc thái dân an, thân vinh, phước hạnh. Hòa vào cái nhộn nhịp của hội bánh chưng bánh giầy theo dấu tích thời Lang Liêu dâng lên Quốc Mẫu Âu Cơ kính vọng, của khói nhang, tâm nguyện trang nghiêm kính cẩn dâng hương tưởng niệm các vị Tiền Đế Tiên Sinh dựng nước từ ngàn xưa.
Tôi men xuôi theo dòng sông Hồng trên quốc lộ cao tốc Lào Cai – Nội Bài về nơi phát tích cội nguồn dân tộc, lòng dạ cứ chộn rộn háo hức bao điều, cứ như đứa trẻ lâu ngày được cha mẹ cho về thăm quê. Mặc dù từ nhỏ chỉ biết quê qua các câu chuyện của người lớn, của tưởng tượng, của hình dung. Cho nên người ta nói con người có hiểu biết bao nhiêu cũng chỉ là hữu hạn, nhỏ bé như hạt cát giữa sa mạc, trong cái thế giới thiên nhiên mênh mông, bao la huyền bí. Dòng sông Mẹ mùa này hao gầy, mềm mại như dải lụa hồng uốn lượn đôi bờ xanh mướt lúa ngô, dịu hiền yên ả qua núi đồi, qua làng bản thanh bình êm ấm “ Dòng sông đi qua cánh đồng / Cánh đồng vàng lên no ấm/ Dòng sông đi qua núi đồi / Núi đồi xanh màu mơ ước/ Dòng sông đi qua cuộc đời/ Buồn vui sàng qua mái tóc…” Thơ - Đoàn Hữu Nam) Huyền diệu, mỹ miều đến thế! Ôi dòng sông Mẹ vĩ đại đã trải tháng, trải năm, trải đời, trải kiếp nhọc nhằn, cần mẫn bồi đắp lên dáng hình đất nước, bồi đắp lên lịch sử nền văn minh lúa nước rực rỡ, lập lên giang sơn xã tắc mấy ngàn năm vững chí, bền gan. Và cũng mấy ai đã biết hết ngọn nguồn những cơn cớ những huyền tích mà dòng sông mẹ ấm ủ, thủy chung, có bao dung, có giận hờn có cả nhẫn chịu và kiên trường. Đoạn chảy qua vùng trung du Phú Thọ “rừng cọ, đồi chè đồng xanh ngào ngạt” chả hiểu xuất phát từ đâu mà người ta lại gọi là sông Thao? Và về đến đất Thăng Long lại trả tên cũ là sông Hồng. Để rồi dòng nước rịm đỏ phù sa ấy đã đi vào thơ ca, nhạc họa không biết bao nhiêu cho hết “Sông Thao nao nức sóng dồi / Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền…” (Ta đi tới –Tố Hữu).
Trong cái nắng dỏng dảnh tháng ba giao mùa, lúc thì hầm hập làm bừng bừng cặp má đào e thẹn, nóng lạnh, thất thường tính khí như thiếu nữ đang tuổi cập kê, những hạt nắng đầu mùa vãi tràn nhuếnh nhoáng trên sông, lung linh tươi rói nương ngô, bãi mía, trên những triền cỏ xanh ngắt bờ đê. Nắng vàng gọi tháng ba, gọi lòng người, thúc dồn bước chân chảy chốn kinh kỳ nơi cố hương đất Việt.

Kỳ 2:Cuộc hội tụ dưới chân núi Thiêng.

Như đã nói, chuyến về cội lần này tôi có cơ duyên. Bởi cuộc chiêu ngộ của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam mới có cái may mắn này. Sự nối kết diệu kỳ đã đưa bước chân, tình cảm của những người yêu màu xanh thiên nhiên trên toàn quốc có cơ hội xôm tụ trên vùng đất Tổ linh thiêng. Được gặp, được xiết chặt những bàn tay, nghe những lời chân tình thân thiết, được ghì vai thắm thiết các anh, chị là những nhà khoa học, những Giáo sư, Tiến sĩ, và cả những người rất đỗi bình thường, nhưng họ yêu thiên nhiên, môi trường với ước nguyện giữ mãi màu xanh quê hương, cho cuộc sống tươi đẹp hơn. 
Những người bình thường giản dị ấy toát lên niềm vui và tự hào về những việc làm hữu ích. Tôi cũng đã gặp và ấn tượng vơi những người bạn đến từ đại ngàn Tây Nguyên Đắk Lắk xa xôi, những người có tình yêu rừng tha thiết, coi rừng là đấng thiêng liêng tối thượng, sống chết với rừng, nương tựa vào rừng mà tồn sinh đời kiếp. Những người dân hiền lành bao đời đã coi thần rừng, thần núi, thân sông, thần lửa, thần nước là ân nhân, tồn sinh cùng cuộc sống con người. Có thể nói họ là những người có tình yêu rừng vĩ đại hơn thể mọi tình yêu. Chỉ tiếc nhiều khi ở họ chưa đủ uy quyền mà đành bất lực khi nhìn những cánh rừng ngày càng teo tóp, tàn tệ. Nhiều lúc đành nín nhìn rừng ra đi mà khóc thầm, thương xót. Hoặc nơi này nơi khác những cánh rừng đang bị biến tướng của các dự án, hợp thức hóa để chuyển đổi rừng thành vàng, thành Đô La, thành Vila để “vinh thân phi gia” cho một nhóm nào. Đến khi giật mình ngoảnh lại là sự hoang tàn cằn cỗi, đe dọa đến sự sống muôn loài, và rồi có bàng hoàng hối hận cũng muộn mằm….
Những người bạn hôm nay, có thể họ còn khó khăn, thiếu thốn, ngay cả kinh phí cho cuộc xôm tụ này cũng rất hạn hẹp, thậm chí các anh chị đã được các doanh nghiệp hảo tâm hỗ trợ và bỏ những đồng tiền com cóp ra để chi phí. Nhưng hết thẩy đều vui. Tôi đã gặp một Già làng Ykhuô Ieban mộc mạc, chân tình. Một Già làng ngày đêm đau đáu nghĩ về rừng, thì thầm với rừng giấc mơ đại ngàn. Ông đã kể cho tôi nghe chuyện vận động bà con thôn buôn bảo vệ rừng. Những lý lẽ của Giàng* ban phát, không động đến thần rừng, thần bến nước để thôn buôn yên vui hạnh phúc. Có lần ông đã sống mái với bọn lâm tặc búa rìu, chúng đòi chặt hạ cây thiêng của buôn. Ông cùng những người trong buôn đã dang tay ôm cây mà khảng khái: “Muốn chặt cây thiêng thì hãy chặt đầu Già này trước đã!.” Một khí tiết tưởng như không thể tin trong cái thời buổi đồng tiền thống soái. Vậy mà ông làm được đấy, buôn làng làm được đấy! Làm được bởi cái tâm sáng thôi thúc, bởi sự sống còn. Khi hỏi kỹ về cây thiêng ấy ra sao thì mới biết đó là cây cổ thụ trong khu rừng đầu nguồn, nơi nuôi dưỡng nguồn nước như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng cả buôn bao đời. Cây thiêng ấy gồm cây đa, cây bằng lăng, cây Ktưng, không biết từ bao giờ nhưng khi Già làng lớn lên đã có nó, ba cây quấn cuộn vào nhau khăng khít như ba anh em ruột thịt, người dân nơi đây gọi là cây Đoàn Kết. Theo các nhà lâm học tính toán thì cây “Đoàn Kết” đã gần 300 năm tuổi. Và cây cổ thụ ấy đã được tôn vinh là cây Di sản Việt Nam. 
Lại nữa, một người nếu không gần gũi dễ tưởng là mơ màng với cuộc xôm tụ này, một em da nâu, mắt sáng, dạm nắng gió bazan, bắp chân săn chắc, tròn lẳn mang cái dáng vóc sơn nữ Ê Đê, sẽ tưởng như ngơ ngác. Thì hóa ra không phải vây! Chị là một nữ cảnh sát môi trường kiên trung, kiên quyết với những kẻ hủy hoại môi trường, coi thường sự sống của cộng đồng… Lại nữa, một nhà thơ lãng mạn, mơ mộng say tìm câu chữ tưởng như ngẩn ngơ với mây gió, nhưng đó là cả một trời xanh ngắt trong anh về thiên nhiên.
Và còn nữa, một thiếu phụ có mái tóc suôn dài chớm gót của xứ dừa Bến Tre, ngày ngày thầm lặng với công việc gìn giữ những chứng tích tàn bạo của đế quốc thực dân trong chiến tranh, nơi được gọi là “Địa ngục trần gian” - Nhà lao Côn Đảo. Cô gái xứ dừa ấy đã cùng những người dân đảo nâng niu chăm sóc những dãy bàng cổ thụ đã từng gắn bó bao kỷ niệm với những tù nhân Cộng sản kiên trung. Những cây bàng găm trên mình vết sẹo thương tích đạn bom để nhắc nhở mọi thế hệ sau những ngày đau thương chia cắt. Và nhiều, nhiều nữa những anh, chị đến từ đảo Cù Lao Chàm sóng gió Quang Nam, từ đất Cảng hoa phượng đỏ Hải Phòng, từ Trà Cổ - Quảng Ninh, đến các anh, chị từ Miền Đông đất đỏ, Bình Dương, Bình Phước… trên các nẻo đường xa xôi của đất nước cùng hội ngộ về đất Kinh kỳ dâng nén tâm nhang báo với Tiên Tổ lòng hiếu nghĩa. 
Và không thể không ấn tượng với Giáo sư tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh - Chủ tich hội đồng cây Di sản Việt Nam. mặc dù tuổi đời đã trên tám chục nhưng bước chân ông vẫn không ngừng nghỉ trên mọi miền, từ núi cao xuống hải đảo xa xôi để nghiên cứu, vận động nhân dân chăm sóc bảo vệ thiên nhiên. Tôi đã gặp ông trên đỉnh Hoàng Liên Sơn bồng bềnh mây trôi, bồng bềnh mùa hoa Đỗ quyên tỏa sắc để thẩm định quần thể cây Đỗ quyên và Vân Sam trên 300 năm tuổi … 
Mỗi bước mỗi điều lạ, tôi được tham quan một vườn cây cảnh đặc sắc của một đại gia P. H.T, tăm tiếng đất Phú Thọ. Nghe nói hồ sợ của vườn đại gia này đã được công nhận đến 05 cây là Di sản. Khách tham quan ai cũng choáng, cũng trầm trồ tấm tắc, ngật ngù và nể phục, một gia đình có vườn cây giá trị cả trăm tỷ đồng thì khiếp quá đi chứ! Điều đặc biệt khiến du khách và nhiều đại gia khác có lẽ phải chèm chẹp, mắt tròn, mắt dẹt. Bởi đại gia này còn sở hữu một cây “ Di sản” hơn cả ngàn vàng bên phu nhân xinh đẹp đã từng đoạt vương niệm Hoa hậu biển Việt Nam. Song ai cũng thấy yêu mến, gần gụi hơn bởi cái tâm tính của những người biết đem của cải, tài năng, sắc đẹp của mình làm việc có ích cho xã hội. Cũng phải cảm ơn đời, cảm ơn những tấm lòng không mảy may bon chen, phát huy những lợi thế của kinh tế thị trường để làm đổi thay cuộc sống, làm đổi đời bao số phận nghèo khó, kể cả những chàng trai cách đây chưa xa còn lấm lem bùn đất, họ đang mải mê phát huy sức lực trí tuệ, vươn lên làm giầu.
Được chứng kiến nghi lễ buổi kỷ niêm 5 năm thành lập Hôi bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Điều nhận ra rằng các hình thức thủ tục theo thông lệ rồi cũng qua nhanh. Cái trịnh trọng bài vở xã giao như diễn thường gặp hình như không thấy ở hội nghị này, kể cả sự thổi phồng thành tích, khen ninh giả tạo, xáo rỗng đều trở lên lạc lõng. Thay vào đấy chỉ là những tâm tình của những người anh em cùng tâm huyết có chung một niềm tin.
Chiếc xe 54 chỗ ngồi, máy lạnh chạy êm ro, đã đưa chúng tôi đến chân núi Thiêng Đền Hùng. Tuy chúng tôi không đủ các sắc màu của 54 dân tộc nhưng ai nấy hiểu ngầm rằng những trái tim xanh chung nhịp đập ấy có trách nhiệm như một tộc người trên đất Việt, sinh ra từ cái bọc trăm trứng Mẹ Âu Cơ. 
“Vạn vật hữu linh” Mọi vật đều có linh hồn, từ cây cỏ, hoa lá, đến tảng đá, bờ sông, bến nước. Và ai đó có hoài nghi thì hãy cứ bình tâm mà chiêm nghiệm dòng chảy của lịch sử dân tộc. Nhân quả, thiện, ác luôn là cặp đôi tồn sinh đối lập, sinh dưỡng, chế ngự lẫn nhau. Đúng theo quy luật linh thiêng nơi Đất Tổ ngàn năm nay chưa thấy sai, điều này thì ai cũng thấy cũng biết, đều phải công nhận. Đó là những trận mưa rào mà vẫn được gọi là mưa rửa đền, trước và sau ngày giỗ chính. Mưa tảy rửa đi những bụi bặm, ô uế, nhơ nhớp của trần gian. Những trận mưa khác lạ, mưa êm ái, mưa từng đợt, ngắt nhịp như nhịp trống đồng ngàn xưa, mưa đủ lượng, đủ liều, mưa tắm tắp, sáng láng cỏ cây. Không phải mưa giận, mưa hờn, mưa tức tối, cũng không phải là những trần cuồng phong vặt lá bẻ cành dương oai, múa võ của Thiên Lôi… Những cơn mưa làm dịu đi cái nóng ngột ngạt trong tháng ba chuyển mùa, gọn gẽ và tinh tươm đến lạ. Chỉ chuyện mưa rửa đền thôi cũng đã là điều khó lý giải cho các nhà khoa học biện chứng rồi, cũng là điều khó giải thích cho những người có chủ nghĩa vô thần, vô đạo rồi. Mà đã là người vô đạo, vô lối thì còn có cái gì làm khuôn thước mà nắn chỉnh nữa, phải không? 
Phong tục tín ngưỡng thờ cúng các vị Vua Hùng ở nước ta đã mấy ngàn năm nay. Và điều đó được Nhà nước đưa vào quy định là ngày Quốc Giỗ dân tộc. Tôi tin dưới gầm trời này chưa có quốc gia nào có phong tục như vậy. Thiêng liêng hai tiếng Đồng bào! Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đang được lập hồ sở đề nghị UNNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng Di sản văn hóa hát xoan Phú Thọ sẽ mãi là tài sản quý báu mà vùng đất thiêng này đang gìn giữ và phát huy.
Về Đất Tổ chưa được ghe hát xoan thì thật là thiệt thòi. Người ta bảo hát xoan là đơn điệu, là không hấp dẫn…Song hiểu được xoan thì không hề dễ. Điều may mắn tôi được mục sở thị một buổi trình diễn xoan của các thiếu nu, họ biểu diễn ngay trên thảm cỏ xanh mướt bên bờ sông Thao ngân nga sóng nước. Những nghệ nhân chum chúm tuổi mười năm, mười sáu còn e ấp, thẹn thùng bên những nghệ nhân tóc bạc phơ, họ tập luyện hăng say. Các xoan nuột nà, quần chân què den, áo nâu non, đầu khăn mỏ quạ, tay chân nhún nhẩy theo giai điệu nhịp nhàng, tiếng hát cứ lanh lảnh, rền nẩy mượt mà khiến người xem tưởng mộng về quá khứ xa xôi. Ngẫm thì càng vỡ ra nhiều điều về một nền văn hóa thời xa xưa của cha ông. Chả biết hát xoan có phải là một hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ sớm và cổ nhất của thời Hùng Vương hay không? Các làn điệu xoan có thể kể như. xoan cửa đình, xoan vào hội, Xoan giao duyên, xoan gọi mùa… Lại nhớ lúc đoàn hành hương tu tập về chân đền Hùng, khi xuống xe được các bạn xoan của Trung tâm hoạt động Thanh thiên niên Hùng Vương đón tiếp bằng một điệu xoan truyền thống. Cô bạn Ê Đê đi cùng thốt lên: Lại xoan anh ạ! Không hiểu ý cô bạn nói gì? Tôi lơ mơ giải thích. Nghe ở không gian này mới thấm, mới thấy cái tinh tế của hát xoan. Cái gì cũng phải có không gian của nó, ví như hát xoan mà đem lên sân khấu giữa ánh đèn chớp nhoáng nhoàng, giữa nhạc sập sình với những váy áo xanh đỏ, hai dây, thì ôi thôi còn gì là xoan nữa, khác nào giết xoàn còn hơn. Cũng như Cồng chiêng ở Tây Nguyên cũng vậy thôi! Cho nên bảo tồn là phải bảo vệ được cả cái không gian của nó sinh ra, phải dành đất thì mới dụng võ được!
Trong cái náo nhiệt ồn ào của tiếng nói, tiếng cười, của dằn dặt những bước chân lên bậc đá dòng người về viếng mộ Tổ. trong dòng chảy tâm can ấy họ đến từ mọi miền đất nước và có cả những người con mưu sinh trên đất khách quê người, dù xa Tổ quốc, dù người này người khác có những chính kiến này nọ khác nhau, nhưng chắc rằng trong tâm khảm mỗi người đều đinh linh được nguồn cội tổ tiên dân tộc mình. Trong hối hả dòng người chảy hội, trong khói nhang nghi ngút, tiếng của ông Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh Chủ tich hội bảo vệ thiên & môi trường Việt Nam tưởng như chìm khuất vào sự náo nhiệt. Song không phải vậy! lời ông như vang hơn, thành kính hơn trước uy nghi Tiên Tổ. Chúng tôi tập chung dưới chân núi thiêng mỗi người sáng lên nén tâm nhang. Mười tám cây xanh được đoàn trồng, tượng trưng dâng lên mười tám đời Hùng Vương dựng nước. Trong thời khắc lắng đọng này, ai nầy đều tâm nguyện lòng mình cầu nguyện cho đất nước thanh bình, cho cuộc sống mãi xanh tươi, hạnh phúc. 
Bỗng reng reng điện thoại một người bạn gọi... Tôi sực nhớ người bạn thân hôm qua đang có chuyến công du đất nước Chùa Tháp Cam Pu Chia điện về nói: Anh dâng nén tâm nhang giúp em lên Quốc Mẫu nhé! Ôi Tổ quốc Việt Nam, con cháu Rồng Tiên…
Kỳ III: Bạch Hạc - Địa linh, thủy, khí tụ.
…“Anh cứ nhắm thẳng hướng đền Tam Giang xa khoảng trăm mét, chỗ nước cuộn xoáy mới là Ngã ba Bạch Hạc" - Lời cụ Nguyễn Khắc Xương Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian dặn chúng tôi trước lúc tìm đến ngã ba thiêng liêng cổ kính nhất nước Việt. Trộm nghĩ nếu không có nhà thơ Ngô Kim Đỉnh dẫn đường chỉ lối thì cũng chả có dịp may mà được hầu chuyện cụ, một bảo tàng sống về Văn hóa dân gian Đất tổ, người con trai duy nhất còn lại của cố thi sĩ Tản Đà. Tôi lại vỡ ra nhiều điều phong phú và huyền bí về vùng đất Kinh kỳ Văn Lang.
Đến đầu cầu Việt Trì, chếch sang phía ngoài, mênh mông sóng nước, huyền ảo sương khói là nơi ngã ba giao duyên của ba dòng sông lớn: Sông Lô, sông Thao và sông Đà (Tam giang) mà sử sách vẫn còn lưu danh vùng Bạch Hạc linh thiếng giữa trời đất. Đứng đây, gió chiều lồng lộng mang theo hơi ẩm ngai ngái phù sa từ sông Hồng xông lên, cảm giác se lạnh thư thái. Bên kia đầu cầu những chùm phượng vĩ đã bừng những chùm lửa cháy khát khao, kiêu hãnh. Cả vùng đất kinh đô cổ thiêng Văn Lang xưa như bừng sáng dưới nắng vàng đầu hạ.
Người bạn “thổ địa” Ngô Kim Đỉnh biết tin tôi trảy kinh kỳ Văn Lang qua một người bạn. Và tôi thì lại nghĩ không dám làm phiền nhà thơ, vì biết anh mùa này rất bận với lại cũng phải thông cảm cho anh trong cuộc mưu sinh cơm áo, gạo tiền trong lúc sa lỡ. Anh cũng như nhiều người yêu văn chương tỉnh lẻ khác, vẫn không tránh được cái “ Cơm áo không đùa với khách thơ”*. Kính không bõ phiền", nên tôi chả dám thông báo. Nhưng xe tôi vừa khởi hành đã được anh điện hỏi, lại còn dặn dò tỉ mỉ về đường đi ngõ lại và chỗ đón. Thật là cảm động tấm lòng hiếu khách của người bạn đất Tổ. Cũng chỉ đôi lần nâng lên hạ xuống vội vã trong những cuộc vui, vậy mà nên nhân, nên ngãi, biết đắng cay, ngọt mặn cuộc đời mà bén duyên tình nghĩa.Vậy cuộc đời còn nhiều điều tốt đẹp lắm, đáng sống, đáng yêu lắm chứ!
Trong dáng chiều bảng lảng, chúng tôi ngồi quán nước bên này cầu lặng dõi mắt nhìn dòng sông Thao mùa nước cạn. Từ ngã ba sông này dội lên bao điều huyền tích xa xôi mà hiện hữu. Chỗ trung tâm khí tụ trời đất là đây. Nơi giao thoa của ba dòng nước Thao - Lô - Đà là đây. Và nghe đâu ngã ba thiêng khí này đã nghìn đời vào câu đối trên ban thờ Cơ Miếu Hùng Vương bằng ngữ Việt cổ mà người sau lược dịch: Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô Bách Việt non sông có Tổ/ Núi sáng khí thiêng, cố cung thành miếu mạo, ba sông quanh quất hướng chầu vua. Tương truyền rằng một thuở trời đất ngã ba Tam Giang Bạch Hạc này cứ vào độ tháng chín tháng mười từng đàn chim hạc tứ phương bay về quần tụ đỏ trời. Đất lành chim đậu vùng ngã ba Bạch Hạc đã trở thành vùng đất địa linh. Các cư dân đến đây làm ăn sinh sống đông đúc cuộc sống ấm no…
Để thỏa trí tò mò tôi nhủ Ngô Kim Đỉnh đi về hướng xóm chài ven sông. Dưới nắng chiều tháng ba loang loáng mặt nước trong sóng nước nao xao xô mạn thuyền, những con thuyền của ngư phủ thả neo mệt nhọc nép bên bờ sau một ngày chài lưới. Nhìn những khuôn mặt rám nắng, nhưng lực lưỡng sức vóc của người sông nước vẫn toát lên vẻ phong trần. Trong khi lân la chuyện trò thì được lão ngư Dương Quang Lùng nhiệt tình cởi mở, rồi câu chuyện về vùng địa linh, thủy, khi tụ Bạch Hạc cứ âm âm, ngân ngân như lời xưa vọng về, qua lời lão ngư. Ông tâm sự: Gia đình nhà Lão cũng đến năm đời bám vào dòng nước xoáy Bạch Hạc này mà mưu sinh. Giàu có thì không đến nhưng cũng mua được căn nhà khang trang trên phố cho con cháu và đầu tư học hành đến nơi đến chốn, đời chúng lão đã khổ rồi, đến đời các cháu phải thay đổi, chả nhẽ cứ bám mãi mắt nước ngã ba này bây giờ khó sống lắm rồi… Theo hướng tay lão chỉ, nơi dòng nước xoáy Bạch Hạc có ba dòng sông khác biệt vần vũ liên hồi bất kể mùa nước cạn hay mùa lũ, mang một màu sắc, vị nước cũng ba kiểu khác nhau. Sông Thao thì đỏ lịm phù sa, sông Lô thì nước màu bàng bạc, óng ánh, sông Đà thì mang màu lục thủy, ba dòng nước cứ cuồn cuộn liên hồi hối thúc. Dòng thì nước vị rất ngọt, dòng khác lại vị tanh mặn, dòng khác nữa thì lờ lợ. Vào mùa nước lớn đổ về dâng cao cuồn cuộn, mênh mông, sóng dữ, mù mịt khói sương, người có kinh nghiệm thì cũng không dám liều mà bỏ mình cho hà bá. Đang trò chuyện say sưa thấy nét mặt lão trang nghiêm ngoảnh nhìn về ngã ba vùng nước xoáy mà lẩm nhẩm cầu khấn điều gì như bị chạm vía thần linh. Rồi lão nói “ Linh lắm, linh lắm các chú ạ!” Chúng tôi ai nấy đều hướng mặt về ngã ba dòng xoáy với lòng tâm nguyện cầu xin. Có khí thiêng, thủy tụ ra sao thì chúng tôi không hiểu hết, nhưng ai cũng thấy gai gai da gà. Nhìn vùng trời chiều trong bảng lảng hoàng hôn, mờ ảo khói sương, những vần hồng sáng láng trên ngã ba sông thấy cũng lạ thường.
Tương truyền rằng chính nơi đây Lạc Long Quân và Âu Cơ đã làm cuộc chia ly theo tâm nguyện ý trời, để đem bốn mươi chín người con theo Cha xuống biển và năm mươi người con theo Mẹ lên núi, cuộc chia ly mở mang bờ cõi ấy mà thành dân đất Việt ngày nay. Đời sau người dân nơi này thấy được sự linh thiêng của vùng Địa linh, thủy, khí tụ này mà lập lên đền Tam Giang án ngữ trước ngã ba sông, chấn thủy ngõ hầu, thờ phụng thần linh và Đức Phật cầu cho đất lành, dân yên. Đến thời chống quân Nguyên Mông xâm lược, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đã đưa tướng lĩnh đến bái Tổ đền Tam Giang mong xin phù hộ đại quân vững chí, cự địch trên dòng Đà giang lừng lẫy.
Cũng từ xưa tuyền lại tục xin nước ngã ba Bạch Hạc cầu cho dân an nước thịnh, mùa màng tươi tốt. Lệ hàng năm vào ngày từ 22/2 đến 10/3 âm lịch là dân làng quanh vùng thường làm lễ xin nước tại đền Tam Giang. Dịp ấy cũng trùng với dịp giỗ Tổ Hùng Vương nên người tứ xứ đến tấp nập dâng hương lễ tỏ lòng thành kính Tổ Mẫu và xin nước cầu may. Ông Lùng cho biết nước ngã ba Bạch Hạc linh thiêng bởi được hòa hợp âm dương trời đất nơi thủy khí tụ. Người ta xin nước ấy đem về để tắm gội, người già thì khỏe mạnh, trẻ nhỏ thì được da thịt hồng hào, tuấn tú, thông minh sáng láng, nam thanh nữ tú mà gội thứ nước đó thì tình yêu say đắm, bền chặt. Và nước xin ở Bạch Hạc còn được người ta đem về cho vào chum cất giữ để dành đến đến dịp cuối năm tắm cốt khi cải táng, nếu tắm rửa xương tổ tiên bằng nước đó thì con cháu đời đời phát đạt, an gia. Các nho sĩ thời xưa đến đây lấy nước để rũ bỏ hết những muộn phiền, âu lo mà sáng láng đèn sách. Tục ấy đã lưu mãi cho đến ngày nay. Song tuc xin nuoc đã bị biến tướng, người ta cũng nô nức về đây xin nước, mà còn mua nước thiêng, có người mua can lớn, can nhỏ, chả biết thứ nước ấy múc chỗ nào nữa, linh thiêng đến đâu? Họ mua với tham vọng, cầu thăng quan tiến chức, cầu bồng lộc, phì gia, cầu được những mánh khóe chiếm đoạt…Tôi tin rằng như vậy thì khó linh lắm!
Dòng nước thiêng ấy đã bị họ biến tướng thành hàng hóa thời thị trường. Riêng ý này đã được Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương đề cập "Tục rước nước có từ thời Lý - Lê cùng tín ngưỡng thờ lúa nước của cư dân nông nghiệp. Tục rước nước cổ xưa là mong ước cầu cho mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an. Hơn chục năm trở lại đây, tục lấy nước với mục đích cầu thăng quan, tiến chức chính là những biến tướng ấy là căn bệnh của thời đại. Nhưng âu cũng là sự tích hợp với những đổi thay tín ngưỡng mà mỗi địa vị lại có cách hiểu khác nhau". Thiết nghĩ, điều cốt yếu sự linh thiêng còn phụ thuộc cả cái tâm cái đức của người đi xin nữa.
Chuyện trên mặt nước đễ thấy, dễ tin. Chuyện dưới mặt nước, đáy dòng sông kia mới đáng để ngẫm suy. Lão ngư Dương Quang Lùng cho biết chính dưới lòng giữa ngã ba Bạch Hạc ấy có một quần thể đá ngầm kỳ vĩ, những hang động rộng, nước xoáy cuộn đến chóng mặt. Nhiều người dân còn gặp những quái thú kì dị dưới gầm đá, ông Lùng thì không tin có chuyện đó. “ Chẳng qua đó là loài cá lăng, cá chiên khổng lồ mỗi khi trời đẹp, đêm thanh trăng sáng, chúng quần nhau quẫy đạp, tạo sóng nước vần vũ đấy thôi, lâu nay không gặp nữa…” Cũng có thể nước sông bị ô nhiễm nên chúng đã chuyển đi nơi khác hoặc đã chết.
Nói đến địa danh Bạch Hạc nếu không nói đến loài sản vật nổi tiếng cá Anh Vũ, mà thời xưa đã dùng để tiến Vua còn gọi là cá Vua thì thật là không đủ. Sản vật mà trên đất Việt ta không thể có thứ thủy sản nào sánh bằng. Loài cá Anh Vũ này chỉ sống quanh khu vực ngã ba Bạch Hạc nơi có dòng nước chảy xiết. Chúng ẩn trong các khe đá ngầm dưới đáy dòng sông, ăn rêu tảo sạch, thân dài, có con nặng hơn chục kg, hình dáng tựa cá trôi, nhưng vẩy ánh bạc, lấp lánh những đường viền quanh vây, nếu nhìn cá bơi vào ban đêm thì toàn bộ vẩy cá phản sáng lung linh như dát bạc, óng như ánh lân tinh cháy dưới sông, chúng bơi nhào lộn như nàng tiên múa, miệng cá màu hồng kỳ dị dài như mõm lợn. Khi bắt lên làm thịt phải khấn ngũ lần trời đất bốn phương tám hướng. Có thể chế biến được nhiều kiểu nhiền món, kể cả vẩy Anh Vũ cũng món hải vị quý không hề uổng phí bỏ đi. Đấy là ông Lùng nói thế, biết thế chứ ngay cả dân trẻ thời nay quanh vùng có hỏi cũng có mấy người biết hình dáng, diện mạo của ngài tiến Vua này xuôi ngược ra sao đâu.
Có một điều mà câu hỏi là tại sao cá Anh Vũ lại chỉ xuất hiện vào dịp cuối Đông đầu mùa Xuân? Còn những mùa khác chúng đi đâu ? Câu hỏi đó đã làm cho nhiều người kể cả những ngư phủ nơi đây cũng giải thích lơ mơ theo các giả thiết. Và liệu các hang đá ngầm rộng sâu dước đáy sông kia có thể thông với dòng sông khác? Liệu cá Anh Vũ không cần ra ăn vào các mùa khác mà vẫn sống? Giải đáp câu hỏi này đã được nhà Bác học Lê Quý Đôn nêu ra trong cuốn sách viết về văn hóa phương Đông “Vân Đài Loại Ngữ” đã phần nào lý giải: “Một dòng sông ngầm chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam từ hồ Điền Trì trên cao nguyên Tây Tạng dưới chân núi Hymalaya trên đất Phật nước Nepanl chảy thông với Ngã ba Bạch Hạc. Các thủy vật thường di cư qua lại dòng sông ngầm này theo mùa con nước. Trong các thủy vật đó có loài cá quý dát bạc Anh Vũ, vào các mùa khác chúng lại bơi ngược dòng sông lên thượng nguồn và rồi đến mùa băng tuyết chúng lại xuôi theo dòng sông ngầm để về Ngã ba Bạch Hạc vào cuối Đông đầu Xuân…”
Ông Lùng còn kể, ngày còn trẻ vào những ngày ấm áp ông còn lặn xuống gỡ lưới mỗi khi mắc đá ngầm, ông thấy cá Anh Vũ trong hang đá nhưng không dám bắt vì sợ bởi cá của Vua Hùng. Nhưng lâu nay ngay chính mùa cá Anh Vũ họ săn lùng ráo riết sản vật tiến Vua giá cả trăm triệu đồng một con. Và loài Anh Vũ quý hiếm ấy như tiệt chủng, cũng chả ai bắt gặp nữa. Tôi đã được nghe câu chuyện kể thời còn bao cấp những năm bẩy mấy tám mươi của thế kỷ trước, một số người ngang ngược đem mìn xuống hang đá dưới đáy sông nổ bắt Anh Vũ. Điếc không sợ súng, chả hiểu gì về thiêng khí Bạch Hạc ra sao. Khi mìn nổ cửa hang đá vẫn y nguyên, chả thấy cá đâu mà chỉ thấy máu người loang đỏ nước sông…
Trong ngày xuân thanh bình tháng ba trong sáng này, được thả lỏng mình thanh thản có những phút thư thái giao hòa với Trời Đất để ngược về cội nguồn nơi Ngã ba Bạch Hạc, một địa danh, một huyệt đạo thiêng, lành nước Việt, trộm nghĩ vậy cũng là may mắn lắm thay.

Kỳ IV : Từ Thậm Thình đến Thiên Cổ Miếu
“ Đi qua xóm núi Thậm Thình
Bâng khuâng nhớ nước non mình ngàn năm”…
Câu thơ của cố nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi trong bài “Qua Thậm Thình” nổi tiếng, đã kích thích trí tò mò của tôi khi về đất Tổ lần này. Vậy cái xóm núi rợp mướt lũy tre xanh ấy ở đâu? Và cái gì đã làm lên hai chữ Thậm Thình huyền bí này? Tất cả những địa danh cổ xưa nơi các Vua Hùng dựng nước mãi là những kiếm tìm, của nhiều đời con cháu. Từng nhành cây, ngọn cỏ, mỏm núi, vách đá, bờ sông nơi đây chỗ nào cũng dấy lên những huyền tích linh thiêng. Để tìm cái xóm Thậm Thình tôi đã hỏi không biết bao người, đi lại đến mấy vòng nơi ngã ba trên quốc lộ 2 một ngả rẽ vào Đền Hùng, nơi gặp đại lộ Hùng Vương chạy tít về phía Thành Phố Việt Trì. Người thì nói: Chỗ ngã ba có cái tảng đá dưng lên khắc biển chữ “ Khu di tích lich sử Đền Hùng” đấy chính là Thậm Thình, người thì bảo cái xóm ven có đồi cọ xanh ngăn ngắt đấy, gặp mấy thanh niên thì lại nói chỉ có ngã ba sung sướng thôi chứ làm gì có xóm Thậm Thình…Đai loại vẫn chỉ là chung chung. Cuối cùng tôi gọi “thổ công” Ngô Kim Đỉnh. Qua điện thoại nghe anh nói cũng cảm thấy mông lung quá. Tôi tự nhủ, thôi thì mình cứ đi, cứ tự tìm hiểu nhỡ đâu lại vỡ nhiều điều gì khác lạ hóa lại hay!
.. “Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chày đôi với chày ba rập rình
Đêm đêm tiếng thậm... tiếng thình...
Cối thơm thơm cả nghĩa tình nước non”…
Bài thơ như một giai điệu văng vẳng thôi thúc, khiến bước chân tôi cứ lần ngược mãi theo con đường láng nhựa rợp bóng cây xanh về phía Đền Hùng. Dừng chân quán nước bên gốc đa, gặp cụ già râu tóc bạc phơ, tay cầm quạt lá cọ phe phảy. Quán lợp lá đơn sơ, những chiếc bàn nghế đóng bằng loại tre già đã đượm bóng lên màu thời gian. Nhìn cụ quắc thước, uy nghi, thoảng nét hiền hậu tiên cổ. Có cảm giác ngỡ như cụ đã ngồi đấy đến cả ngàn năm trước, tay phe phẩy nhẹ nhàng như thể cho phải điệu, cho sang cái chòm râu trắng như cước kia chứ không phải chỉ lấy gió mát. “ Đã lâu lắm rồi mới lại có người hỏi tên xóm Thậm Thình, ấy là tôi nói chú đấy” Rồi cụ giơ tay chỉ và giảng giải: “ Từ đây vòng qua mé đồi có mấy cây cọ cụt ngọn bên kia, ra đến ngã ba ngoài lộ lớn là địa phận xóm Thậm Thình ngày xưa đấy! Các cụ nói lại như thế thì biết thế, chứ giờ địa hình cứ thay đổi từng ngày. Ấy mới có ít hôm không ra ngoài đó mà đã thấy khác lạ lắm, cứ ngỡ mình không phải là mình nữa. Ông cụ lại quay xuống lập cập rót cốc chè xanh mời, rồi ngẩn đầu hỏi tôi. Chú người đâu đến hả? Mà có rỗi hơi hay sao mà lại hỏi Thậm Thình làm gì? Bây giờ lên phường của thành phố cả rồi, không còn ai nhắc đến tên cũ nữa rồi!..” Ông cụ thủng thẳng nói như thể nói cho chính mình nghe, như điều chi tiếc nuối. Một sợi dây nối quá khứ với hiện tại rất mong manh, ảo ảnh, cái thì người ta muốn níu kéo, cái thì lại muốn thay đổi không biết ra sao? Sự mâu thuẫn ngay chính trong mỗi con người chúng ta.
Theo tương truyền thì nơi đây đất đai bằng phẳng Vua Hùng lập Tổng Minh Nông chuyên ruộng đồng, dân được dạy trồng cấy lúa, trồng dâu dệt vải. Và một xóm nhỏ ven núi chuyên làm cái nhiệm vụ xay giã gạo, lập kho cất giữ lương thực để nuôi quân. Tiếng chày vang vọng thậm thình ấy trở thành tên gọi của vùng đất cổ từ đó. Thậm Thình thời ấy còn là nơi nghỉ ngơi của các quân tướng, tộc trưởng khắp nơi về chờ chầu Vua. Bởi thế Thậm Thình thời ấy đã trở thành trung tâm nhôn nhịp mua bán, trao đổi lương thực, thực phẩm và sinh hoạt văn hóa tinh thần. Đêm đêm xóm núi vang lên tiếng chày nhịp đôi, nhịp ba thậm thình, thậm thình nghe ấm áp, nhất là vào dịp lễ hội bánh chưng, bánh giầy, hình ảnh các thiếu nữ đẹp như tiên sa vung chày như múa, âm vang cả núi đồi. Một cái tên địa danh rất đỗi mộc mạc mà sao lại gợi, lại dễ nhớ, bởi nó phản ánh lên cuộc sống ấm no của một xã hội thời sơ khai. Cái tên Thậm Thình đã trải dài theo lịch sử mấy ngàn năm dựng nước của một dân tộc, trải dài cả ngàn năm Bắc thuộc phong kiến vẫn không bị mất đi, vẫn lưu truyền thì quả là sức sống mãnh liệt của bản sắc Việt không phai nhạt. Ngày nay cái tên Thập Thình cũng ít người nhắc đến, sự đổi mới sát nhập qua nhiều thời kỳ khác nhau. Và bây giờ thuộc địa phận xóm 2 Phường Vân Phú – TP Việt Trì. Song cuộc sống thương mại và dịch vụ của vùng đất này thì không ngừng phát triển, sầm uất từ cái nền tảng xưa. Cuộc sống kinh tế xã hội ngày càng phát triển, du lịch dịch vụ đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Chỉ đi dọc đại lộ Hùng Vương một đoạn đã có đến 15 cơ sở dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, matsagees, gội đầu, tầm quất… Khách thập phương vào mùa lễ hội về đây nườm nượp, hành hương bái Tổ. Ngã ba vẫn còn đó, rừng cọ vẫn ngát xanh, chỉ có lòng người ít nhiều đổi thay. Bây giờ người ta gọi trật xái đi thành ngã ba không mang cái sự ấm áp mà là sự phồn thực ong bướm..
Chiều xuống nhanh. Trở về khách sạn Hương Giang trên Đại lộ Hùng Vương nghỉ ngơi bàn tính chuyện đi Thiên Cổ Miếu. Khi qua ngã ba “sung sướng” phố đã nhập nhoạng lên đèn, các đèn quảng cáo, trang trí hấp dẫn, lòng như đi qua cơn mê, lơ ngơ hiểu ra cái tên hàm ý người ta đặt cho nơi đây. Tôi vội vã bước như người mộng du. Cố giấu lừa con mắt không cho ngang dọc, cố giục bước chân thêm mải miết, cố cất cái tai như bịt lại, không nghe những gì bên các ô cửa mở, đèn xanh đỏ gọi mời. Song càng cố lại càng bị những thứ tưởng như vô thường đập vào tai, vào mắt, vào cả khiếu giác của thằng đàn ông chưa đủ tĩnh tâm, tĩnh lòng. Những ánh đèn xanh đỏ nhập nhoàng như chốn mê cung, những bóng chân dài, những chân ngắn nhễ nhãi, mắt xanh, mắt đỏ cứ hồn hỗn, những nụ cười lảnh lót đập vào tai vào óc. Những dập dìu và cả mùi hăng hắc phấn son cứ nhập nhoàng chạy theo. Tôi cố chấn tĩnh xúi bàn chân bước thật nhanh và may mắn chiếc xe Taxi cũng vừa kịp đón, chạy như ma đuổi về phía cầu Việt Trì. Vừa đi vừa ngẫm sao thế nhỉ! Hay chăng do mình mệt mỏi quá mà hoa mắt, ù tai, chóng mặt thấy vậy? Nhưng dù sao thì cũng đã đến nơi đấy “ Xóm núi Thậm Thình” từ ngàn xưa. Và lòng nhủ lòng, câu nói các cụ cấm có sai “đi một ngày đàng…” quả không uổng phí.
Sáng hôm sau tôi dấy sớm, lên nóc tòa nhà khách sạn đợi đón bình minh, săn vài kiểu ảnh về TP ngã ba sông này. Thời gian dành cho chuyến đi thật hiếm hoi, không thể bỏ phí từng phút. Từ sân thượng tòa nhà, nhìn về hướng Tây thấy núi Hùng trong mờ sương trắng, nhìn về hướng Đông nơi khí thiêng Bạch Hạc cũng mịt mù trắng sương, Ngược hướng Bắc đất cổ Phong Châu khu công nghiệp giấy Bãi Bằng lớn nhất Việt Nam, mà những năm trước anh bạn Thụy Điển thủy chung giúp đỡ xây dựng cũng sương trắng mịt mù. Có lẽ ông giời đang chuẩn bị vận khí chuyển nước cho những trận mưa lớn rửa đền vào hội. Không đủ kiên nhẫn đợi bình minh, tôi thu xếp đồ trả phòng, trong lòng vẫn cứ thấy tiêng tiếc, ngậm ngùi vì không có cơ hội chụp bức ảnh binh minh nơi ngã ba huyền thoại.
Đúng như hẹn, qua khu Trung tâm quảng trường Hùng Vương thì gặp anh bạn “Cố tỉ ”* Ngô Kim Đỉnh. Sau chầu cà pê cóc vỉa hè chúng tôi vòng vèo theo con phố nhỏ về hướng Phường Trưng Vương nơi tọa lạc ngôi đền Thiên Cổ Miếu linh thiêng. Tiếng là Phố nhưng tên gọi nơi đây vẫn là làng, thôn, bởi làng quê, ruộng bãi, bờ tre bến nước sân đình vẫn còn vấn vít với miền đất này. Người dân hiền lành chất phác, cuộc sông vẫn chủ yếu từ lúa ngô, từ chăn nuôi ruộng vườn. Vài năm nay do sự làng lên phố đã có ít người mở thêm các dich vụ và buôn bán nhỏ. Những nét cổ xưa của vùng đất này vẫn khá nguyên vẹn, những chiếc ao nhỏ thả lục bình mùa này hoa nở tím ngắt, những chiếc cầu ao kê đá xanh rêu, những căn nhà cổ tường gạch lở loét, đỏ ối, những cây si cây đa, cây gạo sù sì già nua năm tháng. Chỉ thấy những thiếu nữ hôn nhiên tươi trẻ, có điều lạ, nhìn ai cũng hao hao giống nhau, nét mặt trái xoan, mắt lá răm, da trăng má nhon nhót hồng. Đặc biệt là cái dáng người, ai cũng nhỏ nhắn lưng óng như ong mật, ngực nhưng nhức áo nâu. Tôi và anh bạn vòng vào làng, qua khu ruộng gặp mấy cô, mấy chị đang làm trên ruộng lại ngỡ mấy cô vừa gặp trong làng. Thì ra cái sự hao hao giống nhau mới nghiệm ra rằng “đất có lề quê có thói” câu nói ấy tư xưa ngẫm mà đúng ở mọi ngóc độ. Đất, nước, gió sương ngấm vào da thịt mà sinh ra dáng vóc, nuôi dưỡng con người ta trưởng thành mà ra cái tinh túy riêng biệt vùng miền. Nơi đây “Làng gái đẹp” mới đúng. Các cụ kể, đất này ngày xưa Công chúa Ngọc Hoa Và Tiên Dung đã đến dạy dân làng trồng dâu, dệt vải và dạy các thiếu nữ hát xoan, đến điệu đi, dáng đứng, nói cười rất cẩn trọng. Và nết ấy cứ truyền lại mãi, mãi cho các đời sau.
Lại nhớ lần bạn tôi rủ chuyến “phượt” ngược miền Tuyên, đến một bản hẻo lánh xa xôi. Bạn bật mí, đây quê hương “miền gái đẹp” mà mọi người vẫn nghe đồn đại. Đường núi quanh co, dốc dá lộc cộc, ghé thăm ngôi nhà sàn bên sườn núi chênh vênh, gặp cụ già ngồi bên chân cầu thang lặng lẽ, mắt nhìn vào cánh rừng xa xăm, quanh nhà mùi u uế của chất thải gia súc bốc lên nồng nặc. Những nếp gấp thời gian khắc sâu trên khuôn mặt đầy ưu tư của cụ. Thoáng nghĩ sao không phải ngày xưa đi, ngày cụ là hoa khôi nhất nhì trong vùng, đẹp đến xiêu lòng bao trai bản ngân ngơ mà ngó nghiêng thèm, tiếc. Để thấy sự phũ phàng, khắc nghiệt của thời gian cỡ nào? Mà đời người phải gánh chịu.
Nơi đấy có nguồn nước ấm màu trắng đục như sữa mẹ chảy từ trong bụng núi ra. Chiều đến nam thanh nữ tú trong bản tự nhiên đến bến của mình mà gột rửa bui bặm một ngày vất vả, ngâm mình cho thỏa thích. Trai bến trên, nữ bến dưới, cứ thế mà nô đùa, cứ thế mà nhênh nhang, thản nhiên, cứ thế mà hồn nhiên thây nẩy, trong trẻo như cây cỏ, như xa xưa vẫn vậy, tắm mà như “Tiên tắm”. Nguồn sữa mẹ ấy nuôi dưỡng nét ngọc, mày ngài làm lên nõn nà, da thịt con gái xứ này. Chả vậy mà có thời nhiều người được chiêu mộ làm cung tần mỹ nữ chốn thâm cung. Ngày ấy có yêu nhau chả lấy được nhau, lên chín lên mười đã được người lớn sắp đặt đâu vào đấy. Bởi vậy nhiều đôi yêu nhau không lấy được nhau quyết bỏ đi vào rừng, quyên sinh để sau này thành câu chuyện như cổ tích…
Và ta vẫn có nghe “Chè Thái gái Tuyên” luôn là tuyệt đỉnh. Không biết chè Thái làm nền cho sắc hương của gái Tuyên hay gái Tuyên làm sang cho chè Thái, thật là một cặp trùng tuyệt chiêu, hoàn hảo. Lúc ngâm mình xuống suối nước khoáng như lạc cõi mơ, lòng mềm mê mẩn ước. Khi về bạn nhặt viên cuội trắng bóc từ dòng suối làm kỷ niệm, còn tôi thì níu giữ nơi đây vào ký ức một vùng rừng có những bản nghèo khó như những khúc trầm. Giá như nơi này đừng cái gì động chạm đến, đừng làm mất đi những gì là nguyên sơ của nó, cứ để nó nguyên bản của nam thanh nữ tú hồn nhiên như cây rừng kia. Và lại, giá như cuộc sống nơi đây người dân bớt đói nghèo đi, cụ già kia không cô đơn ngồi dưới chân cầu thang nhà sàn giữa rừng hiu quạnh, không rưng rưng đưa bàn tay khô khốc đón những tấm lòng hảo tâm. Song như thế thì lại một mâu thuẫn nữa trong ta nẩy sinh. Biết làm sao đây?
Được “ Thổ công” dẫn đường lên chuyến viếng thăm Thiên Cổ Miếu của tôi khá thuận lợi. Ngôi đền tuy nhỏ, khiêm nhường úp dưới bóng hai cây táu cổ thụ nhưng sự linh thiêng và cổ kính thì khá đặc biệt. Khi bước những bậc đá lên sân đền ta thấy ngay bức hoành phi đại tự lớn lấp ánh thếp vàng treo trên cửa điện chính ngôi đền “Thiên Cổ Miếu”. Hai bên đôi câu đối trạm nổi: “ Hùng Lĩnh trung chi thắng tích/ Nam thiên trích khí linh từ” Tạm dich: Thắng tích giữa vùng Hùng Lĩnh/ Đền thiêng khí mạnh của trời Nam” Hai bên cửa võng có đôi câu đối: “Đạo học nét son ngời Lạc Việt / Văn minh dấu ấn rạng Hùng Vương” Còn nhiều những hoành phi, câu đối khác được ghi thời Vua Tự Đức năm thứ nhất 1848. Những hoành phi câu đối, cửa võng đều được ghi bằng thứ chữ Việt cổ.
Ông nguyễn Quý Thanh ban quản lý khu di tích này cho biết : Ngọc Phả ngôi đền được phát hiện do vụ hỏa hoạn. Trong khi dân làng chữa cháy, cứu chạy những vật thờ thì phát hiện Ngọc phả cổ này. Căn cứ theo Ngọc phả ghi chép vào năm Hồng Phúc thứ hai đời Vua Lê Anh Tông do các Đại Học sĩ Nguyễn Bính biên soạn. Ngôi đền thờ hai vợ chồng người Thầy giáo dạy chữ thời Hùng Duê Vương: Tên thầy là Vũ Thê Lang và người vợ là Nguyễn Thị Thục con cụ Nguyên Công quê ở Đông Ngàn –Kinh Bắc. Người vợ hiền thục, nết na giỏi nghề tơ tằm, canh cửi, đã giúp dân nơi đây nghề nông trang. Tiếng lành đồn xa, do học vấn cao, tận tụy với nghề, sống giản dị đức độ nên Thầy đồ Vũ Thê Lang được Vua Hùng giao cho chăm nom việc học hành của hai Công Chúa Ngọc Hoa Và Tiên Dung. Có một điều lạ là hai vợ chồng Thầy đồ tuy không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm nhưng tạ thế lại cùng một giờ, cùng ngày 2 tháng 2 năm Quý Dậu ( 228 trước công nguyên). Và được người dân lập chung một mộ. Ngôi mộ đó được người dân dựng lên thành lăng và ngay nay vẫy năm chính giữa ngôi đền dưới bệ thờ. Do vậy đền Thiên Cổ Miếu rất linh thiêng. Cho dù vật đổi sao rời hàng mấy ngàn năm, chiến tranh, giặc dã liên miên, thiên nhiên tàn phá, bao lần sửa chữa nhưng tuyệt nhiên không ai dám động đến ngôi mộ người thầy giáo. Sự linh thiêng còn ở lòng biết ơn với thầy giáo người đã có công dạy chữ cho dân làng và còn thể hiện lòng Tôn sư Trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Điều đó cũng khẳng định nền giáo dục thời Hùng Vương đã phát triển phong phú, thể hiện bằng chữ Việt cổ là chữ viết đầu tiên của mình.
Trên bệ thờ ta thấy có sáu pho tượng gỗ cổ, nổi bật là pho tượng thầy giáo Vũ Thê Lang toát lên vẻ mặt hiền hậu nhân từ, chòm râu bạc phơ như bay trong gió. Kế bên là pho tượng cụ bà Nguyễn Thị Thục, thấp hơn chút là hai công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung, mặt hoa, da phấn cùng hai thị nữ đứng chầu.
Ngôi đền tọa lạc khiêm tốn dưới bóng cây táu cổ mấy người ôm không xuể. Bóng cây chùm mát chở che, vào dịp tháng năm hai cây trổ hoa thơm ngan ngát. Một cây cho hoa trắng (bạc) một cây hoa vàng, sau mỗi con gió những bông hoa vàng bạc đó rơi xuống trải khắp sân đền cứ như có người vãi gạo tám. Người dân nơi đây tôn sùng gọi hai cây Táu là “Cụ Thần Cổ Mộc” Hiện nay một cụ hoa trắng (bạc) đang ốm yếu do tuổi tác, bênh tật, đang được các nhà khoa học tích cực cứu chữa. Còn “Cụ Táu” vàng vẫn xum xuê xanh tốt. Theo ông Thanh cho biết đó là những cái chồi mọc lên cách đây khoảng 300 năm do trận cuồng phong bẻ gãy. Ông Thanh không giấu nổi niềm tự hào: Hai “Cụ Táu” được các nhà khoa học đánh giá là cao tuổi nhất Việt Nam, khoảng 2 100 tuổi. Và vừa được suy tôn cả hai “ Cụ Táu” là Cây Di sản Việt Nam cần bảo vệ khẩn cấp. Tất cả những lẽ tự nhiên đó đã làm lên sự linh thiêng của Thiên Cổ Miếu.
Rời Thiên Cổ Miếu tôi hiểu vì sao sự nhỏ bé về diện tích, không làm giảm đi sự linh thiêng của ngôi miếu thờ người thầy cổ nhất Việt Nam. Và điều đó càng khẳng định được sự Tôn sư Trọng đạo đã trường tồn những giá trị văn hoá, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc của người Việt chúng ta.
Tạm hết; Cảm ơn mọi người đã quan tâm.
C.T

1 nhận xét:

Unknown nói...

Like bài viết rất ấn tượng. Mình rất thích bài viết này của bạn, mình mời bạn qua blog của mình nhé!

Thank!!!!



Blog: NgayNay.net - Ngày Nay (news)

Bài đăng phổ biến