Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Du hí Lai Châu cùng gã nhà văn " Thổ Phỉ"

          Bút Ký của Công Thế:
       Tôi nhớ, hôm đó đúng ngày Quốc giỗ năm Mão. Chẳng hiểu gã nhà văn Thổ phỉ* Đoàn Hữu Nam, có hẹn hò gì với các bạn văn Lai Châu hay chỉ là trong ngày nghỉ lễ nhàn tản hứng chí mà năm giờ sáng tôi đang ngon giấc, chuông điện thoại đã reo éo o. Bên đầu dây dóng lên hối hả “Ông đi Lai Châu cùng tôi nhá”. Nghe giọng nhà văn có vẻ phấn chí lắm. Trong ngái ngủ chưa định tâm ra sao mà gã cũng không cho mình kịp nghĩ suy, bồi tiếp “Hay lắm ông ạ… cứ đi rồi khắc biết. Vậy nhá, một con ngựa dã chiến của tôi thôi. À mà này, nhớ ra chỗ em “Mướt” chào buổi sáng rồi đi”. (Đấy là quán ăn sáng thi thoảng chúng tôi hay tụ tập). Tôi ờ… ờ… như mặc định. Máy cúp, lẩn vẩn nghĩ, đột ngột quá, lạ thật, sao không báo cho mình tối qua
nhỉ, ít ra mình cũng còn chuẩn bị tư tưởng và còn viện lý do mà xin phép bà “lão” chứ. Đi thì mình thích quá rồi, vì chửa bao giờ được đi đâu xa, mà lại đi với nhà văn nhớn, đây là cơ hội để mình tiếp cận khám phá vùng đất mới và cũng là dịp học hỏi thêm những kinh nghiệm, cách tiếp cận thực tế cở sở. Mà không đi thì sợ mất lòng, mất đi cái nhiệt tình của bạn!
Tính tôi thích xê dịch, đó là cái gu. Mà ít có người vợ nào thích chồng mình có cái gu như vậy. Tôi thường có cảm giác ngột ngạt nếu chỉ bó mình với những công việc cứ lặp đi lặp lại, đơn thuần, nhàm chán. Nhất là với thời buổi bây giờ, những bộn bề, ồn ã, xã giao nó cứ hời hợt, nhạt nhẽo thế nào ấy? Có cái gì toan tính, hơn thiệt cứ trội lên trong lòng con người. Biết mình nhiều khi đi cũng chẳng để được cái gì, nói là thích là thích thế thôi. Nên có cơ hội thoát khỏi thành phố, ngao du nơi làng bản, núi rừng, la cà trò chuyện với những người dân bản còn bao điều gian khó mới thấy mình hiểu biết về cuộc đời này còn hạn hẹp lắm.


Tuy cuộc sống của người dân trên các chỏm núi cao đã được cải thiện hơn trước nhưng so với vùng miền khác thì vẫn còn đầy gian khổ và nhiều khó khăn thiệt thòi. Nhưng vươn lên hơn cả đó là tính chịu khó, chịu khổ. Cái vật chất xa hoa của xã hội hiện đại nó xa vời, xa xỉ với họ. Nghèo khó mãi thành quen không biết mình còn khổ. Theo tôi, nếu đem so sánh, đong đếm thì tính lạc quan của người miền núi Tây Bắc có khi nhất nước. Họ có tâm hồn yêu đời, biết trân trọng tình người, biết quý cái thật thà ngay thẳng, sống hoà nhập với thiên nhiên, ghét cái giả trá điêu ngoa, yêu ghét rõ ràng. Tính cách ấy là bản sắc của người vùng cao, quý lắm trân trọng lắm! Nhiều khi tôi nghĩ làm một cái gì đó, cho vùng cao, một cái gì, dù là rất nhỏ, như là một niềm vui chẳng hạn… Mỗi chuyến đi như thế thấy lòng mình thảnh thơi, nhẹ nhõm. Song mỗi chuyến đi như thế cũng cho mình nhiều điều ngẫm suy về cuộc sống quanh ta.
 Lai Châu tôi cũng đã đến đôi lần, nhưng lần nào cũng vội vàng, cũng chỉ lươn lướt nhoáng nhoàng như cưỡi ngựa ngắm hoa, như bịt mắt ngắm hoa hậu trong tưởng tượng. Mỗi lần đi là một lần háo hức chờ mong, như ngóng đợi điều gì. Lần này lại đi những hai ngày bằng xe máy, được tự chủ, tự do, còn sung sướng gì bằng.
Con đường sang Lai Châu từ Lào Cai đến phải vượt qua đèo Hoàng Liên, còn được mang danh đệ nhất đèo Tây Bắc trên quốc lộ 4D. Nói là “khủng” nhất cũng phải mà sướng nhất cũng đúng. Khủng bởi đường dốc quanh co nguy hiểm, mùa này sương mù đặc quánh bưng bít như xắt ra được. Khủng bởi con đèo có độ dài và cao nhất Việt Nam trên 2.000m nơi cổng trời. Khủng bởi hiểm nguy rình rập nếu trời mưa lớn lũ, đá sẽ lăn ào từ núi xuống bất cứ lúc nào. Nhưng sướng bởi được chinh phục, bởi được dung nạp cảm giác mạnh, được cưỡi mây, đạp gió, được thăng hoa cùng trời đất. Điều đó nhiều người ước chả được, muốn chả có. Lần này lại cùng đi với nhà văn đã từng gắn bó với miền đất này nhiều năm, đã từng sinh nở những tác phẩm văn chương về tình người hồn đá nơi đây. Nghĩ chuyến đi này mới càng thấy oách, càng thấy sướng lắm lắm!...

Đoàn Hữu Nam trông tướng mạo mặt mũi bặm trợn vậy nhưng ông là người cẩn thận khi tham gia giao thông trên đường đến mức nhát. Mà nhát cũng đúng thôi vì ông đã có những bài học về sự mơ màng của căn bệnh “nghề nghiệp”. Tôi biết đã đôi lần hồn men chếnh choáng kết hợp hồn thơ lếnh loáng, châng lâng, hồn văn bay bổng đã làm nhà văn quên mặt đường, cất cánh bay lên rồi hạ xuống. May các lần “hạ cánh” đó chỉ sây sát chân tay, mày mũi chút ít “sửa chữa bảo dưỡng” qua loa ít ngày lại “chạy tốt” chưa đến nỗi phải “đại tu”. Lại nhớ câu chuyện hoạ sĩ Đỗ Chung kể. Chắc lần đó là lần anh ngã xe đau nhất, kinh hồn nhất. Kinh cho đến mãi tận bây giờ khi cứ ngồi lên xe là cảnh giác. Chuyến đó cùng Đỗ Chung đi Mường Khương thăm nhà thơ Pờ Sảo Mìn về. Đến với bác Mìn là phải vui, phải hết mình. Gặp nhau chốn ấy thì quên mọi phương diện tuổi tác, chức tước bỏ hết, tớ tớ, tau tau cứ như thời trẻ trâu, được cởi truồng nhảy xuống sông quê mà vùng vẫy, nhào lộn. Tình nghĩa bạn bè thế mới đã. Khi vịt đã được lùa ngoài ruộng bắt về, cá bắt từ ao lên, rượu chắt từ chum ủ trong hang núi đem vào. Thế là rượu hết mình, thơ hết mình, văn chương gặp dịp cứ gọi là xăm xắp đến tràn trề. Cái tình hoà quyện vào nhau say đến ngu ngơ. Xong tiệc chủ khách lăn ra nền nhà thi nhau “xẻ gỗ”, khi tỉnh dậy mặt trời đã gác núi, hoạ sĩ cùng nhà văn tạm biệt bác Mìn xuống núi. Cứ vậy hai nhà sĩ đánh võng theo con đường xoắn quẩy. Đến Bản Lầu gặp đoạn xoắn quá nhà văn không đánh võng theo được nháo nhào nhảy bổ qua rãnh nước vọt vào vườn ngô nằm ngất lịm. Bầy chó thấy động cắn ré lên, chủ nhà người Mông tưởng trộm vác dao quắm cùng mấy vệ sĩ chó lao ra, thấy nhà văn nằm bất động ồ lên “Ồ thằng này có võ giỏi thật, ngã còn biết tránh được cả đá… Cũng may đá có mắt đã tránh hắn chứ không thì”. Những lần đo đường như thế đã làm ông khiếp, ông nhát và rèn chí cẩn thận khi tham gia lưu hành giao thông, đi đứng chuẩn mực, lại còn triết lý như khẩu hiệu  “Đã uống là phải say, say không đi, đi là không uống”. Câu này ông nói, có trước cả nhà đài đang vận động thực hiện văn hoá giao thông.
Đoàn Hữu Nam tính thẳng như ruột ngựa, nóng không ai bằng, mát cũng không ai giống, nhưng cái chân tình hết lòng với bạn bè như vậy cũng không có mấy người. Chúng tôi nhiều khi hay đùa, ông mệnh hoả, Sơn hạ hoả (lửa chân núi), ấy là thứ lửa nóng khủng khiếp của nham thạch, nhưng chỉ khi nào những vết đứt gẫy của vỏ trái đất cựa quậy rục rịch va vào nhau nứt vỡ thì sức nóng hàng nghìn độ ấy mới có dịp phóng phun trào, còn không thì hoả ấy cứ gọi là nhốt kín, ủ yên trong lòng đất, chân núi cỏ cây vẫn cứ xanh rì, mơn mởn với hoa thơm, bướm lượn. Chẳng vậy mà tính nết nhã nhặn, mặt hiền trông ngồ ngộ như thổ phỉ trong rừng ra phố. Chẳng hiểu cái chất ngồ ngộ ấy của ông thế nào mà phái đẹp lại mê mẩn, say tít mới lạ. Cứ rủ rỉ, rù rì trầm bổng mà nghe lại say mới lạ.
Hình như cái sức phun trào của Sơn hạ hoả trong ông Nam đã chuyển thành văn, thành ngữ cứ phùn ào ào, mỗi năm lại đẻ ra vài cuốn sách, cái nào ra cái ấy, từ tác phẩm văn học đến kịch bản phim thấy mà kinh. Vừa qua tôi xem trên website của Hội nhà văn (vanvn.net) có cuộc hội thảo văn học của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam mổ xẻ cuốn tiểu thuyết Thổ phỉ của nhà văn họ Đoàn, (tác phẩm đạt giải A của Hội). Trong hội thảo nhiều ý kiến đánh giá cao về tác phẩm. Nhà văn Trung Trung Đỉnh còn gọi “ …Đó là huyền ảo của núi rừng Việt Nam…”. Và  đăng tải ba chương của tiểu thuyết thổ phỉ cùng chùm thơ “Từng đốt cuộc đời”.
Đoàn Hữu Nam có khiếu hài hước hóm hỉnh, khi rượu đã tây tây, tưng tửng, chuyện đông tây, kim cổ có dịp bay lượn. Tôi có cảm tưởng như kho chữ nghĩa đầy ắp trong ông có cớ mà vọt ra cho vơi vợi đi. Ở đâu có Nam thì ở đó cứ rộ lên tiếng cười, nhất là trước phái đẹp, cái hứng khởi hóm hỉnh trong ông cứ trào như mạch nguồn, bay bổng, ma mị. Nói đến chuyện này tôi lại nhớ đợt đi thực tế cơ sở cách đây chừng hai năm. Khi ghé vào quán cafe uống nước, trong khi trò chuyện văn chương chuyện của Đoàn Hữu Nam nổ như ngô rang. Cô chủ quán xinh đẹp ai ngờ cũng là người yêu văn chương, cứ ngồi nép sau cánh cửa há miệng nghe như bị thôi miên, đến khi mẹ quát, mùi khét lẹt trong bếp xông ra mới nháo nhào chạy vào thì ôi thôi nồi cá kho đã thành than. Cả đoàn bấm bụng nín cười và động viên cô chủ. Lúc đoàn lên đường đi tiếp Đoàn Hữu Nam cho biết chính cô chủ quán yêu văn chương ấy là nguyên mẫu của truyện ngắn Cô gái xuống ga Vĩnh Yên của Nhà văn Phạm Duy Nghĩa. Tôi ồ lên một tiếng. Hẳn nào nhìn sắc nước và cái chất phấn son của cô gái xuống ga Vĩnh Yên ấy vẫn cứ lồ lộ ra. Nhưng dù gì một người yêu văn chương đến ngẩn ngơ như thế ở thời này thì cũng hơi hiếm đáng quý, đáng yêu lắm…  

  
Lần trước tôi đến Lai Châu lúc thị xã đang rục rịch chuyển về định đô trên đất mới này. Con đường di đô của thị xã Lai Châu cũng lắm gian nan và nhiều chính kiến, bởi phụ thuộc vào mực nước dâng của thủy điện Sơn La. Cuộc bàn cãi gay gắt của các nhà khoa học, địa chất, môi trường diễn ra trong các cuộc hội thảo và trên cả diễn đàn nghị sự của quốc hội kéo dài gần chục năm mới thống nhất được cao trình đập để rồi thị xã Lai Châu được di rời về Phong Thổ nhường đất cho mặt hồ thuỷ điện.   
Mới cách có mấy năm mà Lai Châu đã đổi thay đến chóng mặt. Con phố độc đạo, lèo tèo khi trước thuộc thủ phủ huyện Phong Thổ có tiếng là sầm uất nơi cuối trời Tây Bắc lúc bấy giờ, nay đã trở thành già nua, bụi bặm xấu xí, phố như bị đẩy vào góc núi xa xăm. Vẫn đất đó, núi đó, con đường nhỏ với những dây leo trên những tường đá rêu phong. Cái thị trấn vùng Phòng Tô một thời rồi sẽ vào quên lãng, thay vào đó là một đô thị hiện đại với những đại lộ thênh thang, với những toà nhà cao tầng lộng lẫy, các công sở, công viên hồ nước… cứ mới tinh khôi. Sự đổi thay đến ngỡ ngàng. Sự phát triển trỗi dậy của đô thị mới Lai Châu nổi bật nơi cuối trời Tây Bắc. Chỉ có những thiếu nữ Thái vẫn đó, da trắng, tóc dài eo thon với những nụ cười hồn nhiên tươi tắn như hoa ban, đẹp như thiên sứ nhà trời.  Tôi chỉ sợ có một ngày nào đó đổi thay!
Buổi trưa bạn bè Lai Châu biết tin chúng tôi sang đã tụ mặt tại tư gia cây bút văn xuôi Huỳnh Nguyên. Tôi người biết, người lạ nhưng đối với Nam thì họ quá thân thiết. Trong đó có cả nhà báo, nhà quay phim Hồng Hải mãi tận Điện Biên qua. Cuộc hội ngộ như không dứt ra được kéo dài lê thê. Đến chiều nhà thơ Huỳnh Nguyên lại làm hướng dẫn viên cùng chúng tôi đến thôn Phìn Thầu nơi mà hai năm trước ông đã dẫn Đoàn hữu Nam và cũng chính nơi này nhà văn đã thâm nhập thực tế để viết cuốn tiểu thuyết Thổ phỉ.
Trước mắt chúng tôi cánh rừng thâm u của dãy núi Pu Sam Cáp sừng sững. Những thác nước, những hang động, những bản làng chìm trong màu xanh của đại ngàn. Tất cả còn nguyên nét hoang sơ kỳ bí. Những kỳ bí hiểm hóc của địa hình địa mạo nơi này đã là căn cứ một thời của bọn giặc cỏ gây bạo loạn. Nơi đây là đại bản doanh của phòng tuyến Phòng Tô. Từ những sự kiện lịch sử ghi dấu ấn về việc diệt phỉ trừ gian của Việt Minh đã làm nguồn cảm hứng để nhà văn họ Đoàn tẩy tung ngòi bút.
Chiều muộn chúng tôi về thị trấn Than Uyên. Về nơi vựa lúa to thứ ba Tây Bắc (nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc). Cả một cánh đồng lúa đang thì con gái xanh ngan ngát. Thị trấn Than Uyên như thiếu nữ dậy thì bẽn lẽn bên hồ nước xanh tươi. Cái hiện đại sa hoa, kiểu cách của những dãy phố, của nhà nghỉ khách sạn mới được xây dựng, giao hoà với những nếp nhà sàn, thấp thoáng. Những thiếu nữ Thái với sắc màu thổ cẩm truyền thống. Sự kết hợp giao thoa giữa hiện đại và bản sắc hài hoà. Cái dáng vẻ của một thị trấn vùng cao gợi lên sức hút lạ kỳ làm lữ khách chúng tôi không khỏi nao lòng. Phố không phải phố, quê không phải quê đó là sự kết hợp chung chiêng bản làng và đô thị đã khơi lên cái dáng vẻ Than Uyên rất khác lạ.
Rồi đêm cũng xuống trong rộn rã tiếng cười, trong rộn ràng nhịp phách, vũ điệu sạp truyền thống của người Thái rậm rịch. Những ánh mắt long lanh, những nụ cười tươi mát, tất cả như mời, như gọi, nồng nàn chan chứa…, đồng điệu hoà nhập giữa Thái đen, Thái trắng, Thái Bình tạo nên một nhịp điệu Than Uyên - Lai Châu, ngân xa như chẳng muốn dừng, như chẳng muốn xa. Đêm như ngắn lại tình thêm da diết, thắm thiết. Lai Châu, Lai Châu ơi!… Trong cái háo hức gặp lại Lai Châu, trước cảnh sắc ấy, con người ấy chất lơ mơ trong tôi cứ muốn tuôn trào, nếu được gọt giũa chắc sẽ thành thơ, mà có khi thành thơ hay “Trời hoe hoe nắng lại mưa/Gió vu vơ thổi lại mây mịt mùng/Tôi lơ ngơ đến lạ lùng/Trước trập trùng thiên tạo/Trước địa tầng văn hoá/Lơ mơ/Say... say vòng xoè/Đung điêng đùi non sơn nữ/Ngập ngừng...  gõ cửa… Lai Châu…” .
                                                                                   C.T
                                                               Lào Cai những ngày tháng đầu hè


Không có nhận xét nào:

Bài đăng phổ biến