Ký sự của Công Thế
Trong những lần đi điền dã, tôi thấy thú vị nhất vẫn là chuyến đi vòng quanh nóc nhà Đông Dương, chuyến đi này tôi khám phá và hiểu biết nhiều điều hơn tôi tưởng. Các vùng đất, cuộc sống, các bản làng và phong tục tập quán của các tộc người cùng cảnh sắc thiên nhiên dưới chân nóc nhà mang nhiều huyền thoại này còn bao điều mới lạ, kỳ thú. Như cho tôi đi ngược về cội nguồn văn hoá bản địa, ở đó tất cả là một bảo tàng sống thuộc nhều lĩnh vực khác nhau tuỳ theo sở thích phám phá của mỗi người. Tất cả cứ hiển hiện lên hồn nhiên, trong veo như mây ngàn gió núi, như cỏ cây hoa lá …
Những kỳ thú…
Đèo Khau Co là một trong những thắng cảnh mà trên cung đường tôi đi qua. Con đèo nằm ở phía nam của hùng sơn PanXiPang, tuyến đường chiến lược huyết mạch quốc lộ 279, đoạn nối liền huyện Than Uyên của Tỉnh Lai Châu và Huyện Văn Bàn Tỉnh Lào Cai. Những gì mắt thấy tai nghe, những điều chiêm nghiệm về con người và cảnh sắc Khau Co làm tôi ấn tượng khó quên.
Nhiều người biết đến đèo Khau Co trên thực tế hoặc qua báo chí, qua những câu chuyện kể. Nói về Khau Co là nghĩ đến sự hiểm nguy, đường quanh co hiểm trở, vực sâu dốc cao, với mây mù bao phủ quanh năm. “Khau Co, Khau Phạ, Khau Riềng/ Trong ba khau đó thì kiềng Khau Co”. Câu ca đó đã có từ lâu, kể tên ba con đèo quanh co hiểm trở của Tây Bắc và cũng ngầm ý nhắc nhở ta đèo Khau Co vẫn là hiểm trở nhất. Nhắc đến Khau Co người ta nghĩ ngay đến mảnh đất thừa gió, thiếu nắng. Gió ở đây thật khủng khiếp, gió rít ngày rít đêm, gío làm nghiêng ngả, bẻ cành vặt lá, gió làm chốc gốc, bốc rễ cây cối, nhất là mùa gió Lào, gió làm te tướp, xướp xơ cỏ cây, gió đúng với tên gọi của con đèo. Khau Co theo hệ ngữ Tày, Thái nghĩa là “ Đèo Gió”. Sự vắng vẻ, quạnh hưu của rừng nguyên sinh rậm rạp, của lam sơn chướng khí. Sự đỏng đảnh bất thường của thời tiết nơi đây và cả những nỗi lo sợ bất chắc dọc đường, đã làm lên một Khau Co nhiều huyền bí.
Trên đỉnh Khau Co đến nay vẫn còn những dấu tích nơi đồn trú của chủ nghĩa thực dân Pháp. Chúng chiếm Khau Co xây đồn cho quân án ngữ vì thấy đây là vị trí lợi hại quan trọng về mặt quân sự, hòng chặn đường tiếp tế, liên lạc của ta với Than Uyên và vùng Tây Bắc với chiến trường Điện Biên Phủ. Chúng còn ý đồ lấy nơi đây làm bàn đạp đánh chiếm Văn Bàn và các huyện phía đông tỉnh. Nhưng chúng chưa thể thực hiện được ý đồ đó thì đã bị quân và dân Huyện Văn Bàn xóa sổ trước. Theo tài liệu lịch sử đảng bộ Văn Bàn chép: Ngày 27/10/1946 quân ta chiếm đánh đồn Khau Co, chỉ huy trận đánh là đồng chí Vạn Lịch và Nguyễn Đình Tấn, do ông Sầm Văn Khèo người xã Minh Lương dẫn đường. Quân ta chia làm 3 hướng luồn rừng bí mật áp sát tiến công đồn địch, bất ngờ bị ta đánh úp chúng không kịp trở tay đối phó, Một trung đội Âu Phi và một số lính dõng cầm cự không nổi đã nhanh chóng tan dã, một số tên chết, một số bị ta bắt làm tù binh, ta thu toàn bộ trang bị, vũ khí, đạn dược, trong đó có 17 khẩu súng trường, 4 tiểu liên, 3 trung liên, 2 Moóc-chi-ê, 1 đại liên.
Trận đánh này là tiếng súng đầu tiên mở màn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của tỉnh Yên bái lúc bấy giờ, trước ngày có lệnh toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Chiến thắng Khau Co còn in đậm mãi trong tâm trí người dân nơi đây, trong lịch sử giải phóng dân tộc chống giặc ngoại xâm của quân và dân Huyện Văn Bàn. Khau Co (Đèo Gió) ngày nay không còn heo hút, đã bớt nguy hiểm, đường đã được rộng mở, đỉnh đèo vẫn hùng vĩ và sừng sững với mây ngàn, gió núi, Quốc lộ 279 đã được nhựa hoá vắt qua đỉnh Khau Co, trông như một tấm thảm nhung chào mời du khách. Nỗi lo lắng, sợ hãi qua đèo bây giờ không còn nữa, mà Khau Co đã trở thành điểm thu hút khách thập phương qua lại và dừng nghỉ ngắm cảnh sắc hữu tình nơi đây.
Song đến Khau Co để có dịp được chiêm ngưỡng những khoảng khắc đẹp kỳ thú trên đỉnh mù sương lộng gió này thì không phải ai cũng biết và cũng không phải lúc nào cũng may mắn gặp. Nếu ai đó chỉ cần một lần được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đến sững sờ khi hoàng hôn xuống cũng đủ để nhớ mãi, sẽ là những kỷ niệm khó phai. Để chiêm ngưỡng những khoảnh khắc đó khi ta đứng từ đỉnh đèo nơi “ Cửa Gió” trên độ cao 1300m so với mực nước biển nhìn về phía tây vào những ngày đẹp trời. Sau một trận mưa rào, trời trong xanh, mặt đất ẩm ướt, hơi ẩm bốc lên ngùn ngụt, thời điểm ấy thường xuất hiện vào lúc giao mùa giữa hạ sang thu. Khi màn mây mù đã mỏi mệt, quên rong chơi chúng rủ nhau xúm đặc lại chìm thấp xuống, bay là là, luồn lỏi vào các lũng sâu, (người ta gọi là mây luồn), rồi bò tràn xuống các nấc ruộng bậc thang đang mùa trĩu hạt vàng óng. Lúc mặt trời đỏ mọng như chảo lửa từ từ chui xuống biển mây trắng bồng mềnh, khuất lấp xuống cánh đồng Mường Than xa tắp, dáng đỏ của mặt trời hắt khúc xạ lên biển mây thành màu ngũ sắc, bắc những cầu vồng đan lồng vào nhau. Các vầng mây ngũ sắc đó lúc cuộn lên, lúc nhào xuống, khi tản ra, lúc xụm lai, khi đứng khi ngồi, tạo ra muôn hình vạn trạng, vẽ lên những cảnh sắc đẹp đến mê hồn. Mây bay bồng bềnh dưới chân đưa cảm giác con người như chao nghiêng theo làn mây, tựa như đang sống chốn bồng lai tiên cảnh. Những khoảnh khắc đó đã làm mê hoặc biết bao lữ khách. Chẳng vậy mà dân “Phượt” đã xếp Khau Co là điểm đến trên cung đường những con đèo “ Khủng” của Tây Bắc khó bỏ qua.
Khau Co là vùng lõi của rừng đặc dụng trong khu bảo tồn đa dạng sinh học vườn Quốc gia Hoàng Liên đã được công nhận là vườn di sản thiên nhiên ASEAN. Vườn Quốc gia Hoàng Liên được đánh giá là một trong những trung tâm đa dạng sinh học vào bậc nhất ở nước ta. Tôi đã có bài viết “Những báu vật trong rừng Hoàng Liên” nên không bàn sâu về tiềm năng rừng trong bài nay. Trong chuyến đi lần này tôi lại phát hiện thêm một điều thú vị nữa, đó là một tiềm năng mà trời đã phú cho Khau Co là khí hậu mát lành mà nay con người ở đây đã và đang biến cái của trời cho, phát huy ứng dụng khoa học để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh rất hiệu quả (cá hồi vân). Trại nuôi cá hồi vân trên đỉnh Khau Co lại do chính những người gác rừng đặc dụng Hoàng Liên phát triển. Cái hay là những người làm công tác bảo tồn rừng đã biết biến cái giá trị bảo tồn phát triển lên thành giá trị kinh tế củng cố tính bảo tồn càng bền vững. Chủ dự án do anh Phạm Đăng Hải trạm trưởng trạm kiểm lâm đèo Khau Co chủ trì. Anh Hải tâm sự: Suốt 32 năm gắn bó với nghề gác rừng thường xuyên phải ở những nơi heo hút khó khăn nhưng cái nghiệp đã vận vào đời, ở rừng mãi nên yêu rừng nếu xa là nhớ, trống trải lắm! Nhiệm vụ chính của các anh là tuần tra canh gác, tuyên truyền nhân dân về công tác bảo vệ rừng, trạm kiểm lâm của anh gồm có 4 người được giao nhiệm vụ quản lý 22 nghìn hec ta, trong đó có 12 nghìn hec ta là rừng đặc dụng trong khu bảo tồn ASEAN. Địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên công việc của các anh không những vất vả mà còn hiểm nguy, nhiều khi phải đối mặt, tuyên chiến với những kẻ “đầu trâu mặt ngựa” ngày đêm rình mò “moi gan, rút ruột” rừng. Trong những năm gần đây nhờ được các chính sách, sự giúp đỡ của các cấp các ngành địa phương tuyên truyền, sự nhận thức của người dân được nâng cao nên rừng đã có phần lắng dịu yên hàn hơn trước.
Sau những ngày đi tuần rừng về, những thời gian rảnh rỗi, nhìn dòng suối trước trạm chắt những dòng nước mát lạnh từ lòng núi quanh năm chảy róc rách. Rồi anh chợt nhớ lần sang Sa Pa công tác và được anh bạn chiêu đãi cá hồi. Vậy là anh lao vào tìm hiểu và tính toán. Cũng phải mất một thời gian trăn trở, tính toán, nghiên cứu và nhận thấy điều kiện khí hậu ở đây phù hợp với việc nuôi cá hồi, đặc biệt nguồn nước rất đảm bảo như độ lạnh, nồng độ ô xy hoa tan và nguồn nước luôn ổn định không ô nhiễm. Rồi anh đi tham quan học hỏi kinh nghiệm các cơ sở nuôi cá hồi ở Sa Pa , Lai Châu bên đèo Hoàng Liên. Được sự giúp đỡ của trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ, trung tâm phát triển thuỷ sản Lào Cai. Anh Hải mạnh dạn đầu tư tiến hành làm hồ nuôi thử nghiệm, qua lứa cá nuôi thử thấy kết quả tốt, anh đã lên kế hoạch xây dựng dự án được trung tâm khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ Lào Cai ủng hộ và đưa dự án của anh vào chương trình. Tổng chi phí dự án lên đến 622 triệu đồng trong đó được sự hỗ trợ của chương trình 60 triệu đồng sau hơn một năm thực hiện đã thu được kết quả đáng khích lệ đến năm 2010 anh đã thu hơn 3000 kg cá thịt. Anh tiếp tục thả, nuôi đợt 3, đợt 4 cho đến nay quí 1/2011 tổng sản lượng cá thịt anh thu đã trên 5300 kg tổng doanh thu lên đến gần 1,7 tỷ đồng. Theo anh Hải cho biết khu trại nuôi cá của anh hiện đã được các cấp có thẩm quyền cho phép mở rộng diện tích nuôi thả, hiện dự án đã thành lập thành Công ty Sơn Hải đã được duyệt cấp đăng ký. Vậy là cái nghiệp đã gắn với anh thật. Anh sẽ gắn bó với rừng và quyết trí không chỉ làm giầu ngay trên đỉnh đèo heo hút gió này mà còn vì một nghĩa nữa là yêu mến, ân nghĩa với rừng.
Nhìn hồ cá tung tăng bơi lội, mỗi hồ, mỗi lứa cá khác nhau đều tăm tắp, loại đã đến kỳ xuất bán loại đang nuôi trưởng thành, vỗ béo, có loại nhỏ bằng ngón tay là cá giống mới chuyển về tất cả cứ nhao nhao, chao lượn theo dòng nước xoáy trông đến vui mắt. Đang dẫn chúng tôi tham quan hồ cá, thấy mấy chiếc xe con dừng dưới đường anh Hải nói: Các bác thông cảm em xuống đón khách, tí nữa anh em mình vừa lai rai vừa chuyện tiếp. Nhìn những du khách trong cái bắt tay thân mật, rồn rã, biết là khách quen. Ngước lên sườn đồi trong mấy cái lán, sàn nứa lợp cọ trông rất dân dã, đã thấy mấy mâm khách đang thưởng thức món đặc sản lẩu cá hồi. Nhìn lướt qua xe và các gương mặt thấy láng mượt đoán chắc là các đại gia bên Lai Châu sang hoặc các ông chủ của mấy công trình thủy điện…
Các món sơn hào ở đây qua bàn tay của các đầu bếp nơi đèo gió phục vụ trông rất hấp dẫn và chắc chắn là “ Thóc thật”. Trong màn sương mờ ảo, hơi lạnh bò sau lưng nhồn nhột, không gian thật là lãng mạn, trong lời thì thầm của gió, trong tiếng rủ rỉ của rừng đại ngàn, thi thoảng tiếng tắc kè điểm nhịp trong hang đá vọng lại, dòng suối trong xanh róc rách reo vui và tiếng chim hoạ mi lảnh lót. Ngồi trên đỉnh Khau Co làm “Thượng Đế” uống rượu với lẩu cá hồi như thế thì quả là một điều kỳ thú trên đỉnh Khau Co.
C.T
“ Kỳ sau: Những câu chuyện kỳ bí…”