Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

“ Thắp nhang Thành Cổ” - Lời cầu siêu tháng bảy

              
         
Nhạc sĩ Phùng Chiến
     
      Công Thế                                                                               Sáng ấy, thứ bảy, tháng bẩy tôi vừa viết xong bài bút ký về những ký ức về một thời chưa xa “Trở lại cung đường máu- lửa”. Đang phấn khích, không thể trì hoãn sự hứng khởi, tôi quyết tự thưởng bằng chầu cà phê xịn như cách để tiếp dưỡng nguồn lửa. Nhưng sao cà phê một mình được? Nhấc máy bấm số bất định trong danh sách bạn bè, té ra vào đúng máy nhạc sĩ Phùng Chiến. Chả hiểu có sự trùng lặp, linh nghiệm nào hay không mà phía bên kia đầu dây nhạc sĩ nói giọng đầy xúc động “ Chú đến anh ngay, rượu anh đã chuẩn bị, trà đã sẵn, anh vừa xong một ca khúc, có thể nói tương đối hoàn thiện…” Rồi giọng ông nghe như nghèn nghẹn ở câu “Thắp nhang Thành Cổ …tháng bẩy”. Tôi vẩn vơ
nghĩ: Lạ! Hai anh em, hai người đang đeo đuổi hai thể loại văn học nghệ thuật khác nhau mà lại cùng một chủ đề, cùng có khoảnh khắc hồi tưởng Trường Sơn. Như điều chi nhắc nhở: Tháng bẩy của lòng tưởng nhớ!... Tôi vội vã lấy xe phóng ngay tới nhà nhạc sỹ.
Khác với mọi ngày Phùng Chiến không tiếp khách trong phòng, mà hôm nay kê bộ bàn ghế nhựa ở ngoài khoảng vườn nhỏ phía sau nhà. Trên bàn có bộ ấm trà, các tách đã được bầy thành hàng, hương trà thơm tỏa lên ngào ngạt, kế bên góc bàn một hũ sành nhỏ, tất cả được bày biện chu tất. Tôi giật mình liên tưởng đến một đàn tràng cầu siêu đầy vẻ nghiêm túc, chỉ có điều ở cái đàn tràng này không có lọ hoa và thay vào đấy là bản thảo của ca khúc “ Thắp nhang Thành Cổ”. Thấy nhạc sĩ đang ôm ghì cây ghi ta, say sưa trầm bổng theo khuôn nhạc. Không muốn để cái cảm xúc đang thăng của ông bị chi phối, tôi đứng lặng bên cửa nghe. Lời ca du dương theo lối tự sự, sâu lắng. Những nốt nhạc trầm thủ thỉ như vỗ về, rồi bỗng vút lên bay bổng, lãng du. Những điệp từ gằn lên như nức nở, xa xôi. Mái tóc của ông bồng bềnh lúc hất lên khi xõa xuống theo giai điệu, tan loãng theo làn gió hun hút cuốn vào khu rừng trẩu phía sau đồi. Lời ca như lời tâm sự, mơ hồ, vời vợi với người bên kia cõi thế. Nghe như lời cầu siêu các linh hồn Liệt Sĩ. “ Thắp nén nhang mà lòng tôi cứ nấc lên nghẹn ngào/ Gặp lại Thành Cổ hôm nay, ai mất ai còn, trong nước mắt mặn mòiNhững linh hồn bất tử của tôi ơi…Tên các anh mãi thành tên đất nước/ Thân thể các anh đã hòa đất mẹ… Nghe câu chuyện tám mươi mốt ngày đêm Thành Cổ giữa mùa hè rực lửa xưa thẩm thấu qua giai điệu của Phùng Chiến, mà lòng tôi cứ dội lên sự hy sinh lẫm liệt, như những thước phim tua chậm… Cảnh ấy, người ấy thì dù là người đã đi qua thời trận mạc, trong sinh tử mất còn hay những ai sống trong thời bình chưa hiểu hết cảnh binh đao cũng cảm nhận được sự gian nguy, khốc liệt của chiến tranh, để rồi ai nấy tự dằn mình nhớ lại, dằn mình hiểu cái giá cho cuộc chiến bảo vệ độc lập tự do, và cũng dằn mình để sống sao cho vẹn nghĩa trọn tình...
Người ta thường nói người già hay suy tư tâm tưởng trong hoài niệm. Câu nói này quá đúng với Phùng Chiến. Trong sáng tác, những ca khúc của ông dẫu luôn ăm ắp cái nhịp sôi động trong thời hiện tại, hướng đến cả cái cảm của tương lai, song với đề tài chiến tranh, với ký ức lửa réo, bom gào thì chưa khi nào nguôi trong ông. Nó cứ miên man thôi thúc như níu kéo ông bật lên những nốt nhạc mà ở đó những người đồng đội ông đã ngã xuống. Có lần ông tâm sự: Con người ta không chỉ sống bằng hiện tại. Đời sống cần nhiều hơn thế!... Với ông quá khứ là truyền thống, làm nền tảng để vững bền cho hiện tại và tương lai, không người nào bỏ qua được truyền thống. Quên đi quá khứ sẽ mất gốc. Quá khứ để nâng niu trân trọng, là căn cốt cho hiện tại và tương lai hướng tới, vươn đến sự tốt đẹp, vững bền.
 Phùng Chiến tuổi Đinh Hợi (ông sinh năm 1947), cái tuổi mà các thầy tướng số phán “Đinh, Nhâm, Quý, Giáp, có tài” Nhưng đối với ông lại rất kiệm lời khi nói về mình, mặc dù những ca khúc đã làm nên tên tuổi Phùng Chiến, người nhạc sĩ của núi rừng Tây Bắc. Điều làm ông tâm đắc hơn cả là những ca khúc – những đứa con tinh thần của ông đã biết làm đến cái đích rung động tâm hồn, sẻ chia đồng cảm với người thưởng thức, để rồi mỗi khi giai điệu vang lên được khán giả mến mộ lưu dấu và chính họ đã định danh tên tuổi nhạc sĩ. 
Miền đất Hạ Hòa – Phú Thọ nơi ông sinh ra đã sớm được thừa hưởng âm phúc của cội nguồn nơi Thánh mẫu Âu Cơ định tọa. Dòng sông Thao ong óng uốn lượn, cuồn cuộn phù sa bồi đắp bãi lúa, nương dâu, rừng cọ, đồi chè với nao nức thi ca. Các làn điệu dân ca chân mộc, những câu hát ví, hát đúm, hát xoan truyền thống đã được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể của nhân loại cần bảo tồn đã neo mầm trong ông từ thủa ầu thơ.  
Năm 18 tuổi chàng thanh niên cường tráng Phùng Chiến hăm hở lên đường nhập vào đội chiến binh cứu nước. Sau mấy tháng huấn luyện anh được bổ sung làm pháo thủ của đơn vị phòng không. Chỉ ba năm sau đơn vị được chi viện cho chiến trường Miền Nam. Cũng như hàng vạn người lính khác anh nhập vào đoàn quân trùng trùng vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ. Đơn vị anh đã tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đánh Khe Sanh, Làng Vây, Tà Cơn, Ái Tử..., đặc biệt là chiến dịch tám mốt ngày đêm rực lửa tại thành Cổ Quảng Trị. Chiến trường ác liệt, sự nồi da xáo thịt trong cái tàn khốc của chiến tranh, bao đồng đội đã ra đi, thân thể của họ đã hòa vào đất nước. Những trận chiến ấy cứ ám ảnh dai dẳng trong ông không nguôi.
Đất nước sạch bóng quân thù, Bắc Nam liền một dải. Người chiến binh Thành Cổ, người được tôn vinh là dũng sĩ diệt máy bay hăm hở trở về quê với bao dự định ước mơ tươi sáng, ông chuyển ngành về Ty văn hóa Yên Bái (sau này là tỉnh Hoàng Liên Sơn). Với năng khiếu trời cho cùng với đam mê cháy bỏng, ông đã tốt nghiệp trường Văn hóa – Nghệ thuật Tây Bắc, khoa Sáng tác âm nhạc.
Trải qua hơn ba mươi năm công tác, qua nhiều chức vụ, từ cán bộ Ty văn hóa Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lào Cai rồi cả những ngày đang nghỉ hưu hiện nay trong ông luôn đau đáu với mảng đề tài văn hóa các dân tộc miền núi và người lính. Chính vì lẽ đó mà các ca khúc ông sáng tác đều mang âm hưởng dân ca các dân tộc và chiến tranh cách mạng. Ông vận dụng các làn điệu dân ca một cách linh hoạt và nhuần nhuyễn làm cho giai điệu trở lên mượt mà đằm thắm. Đó là “ Mùa xuân đi chợ Bắc Hà” “ Uống rượu ở chợ Bắc Hà” ... theo âm hưởng dân ca HMông. “Mùa xuân trên con đường mới” - âm hưởng dân ca Hà Nhì, “ Kèn lá đêm trăng”- Ngẫu hứng dân ca Dao, “Khát vọng sông Chảy” “Miền đất có hai dòng sông”…mang âm sắc của dân ca Tày, rồi “Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời”,  “Lửa cháy đêm xòe”, “ Cánh còn cầu duyên”… những tác phẩm cứ miệt mài tuôn chảy như suối nguồn trong veo giữa đại ngàn, làm cho cảnh sắc núi rừng trở nên thân thiết mến yêu hơn.
 Càng ngày Phùng Chiến càng tạo cho mình một phong cách riêng mang đậm bản sắc núi rừng Tây Bắc. Ông say mê với đề tài dân tộc miền núi và chính các làn điệu dân ca đã chắp cách cho âm nhạc của ông bay bổng. Ông đã góp phần làm phong phú của dòng nhạc dân ca đương đại. Những giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam, của tỉnh Lào Cai, tấm lòng  trân trọng, quý mến của bạn bè, của những người yêu âm nhạc cho ông và các ca khúc của ông đã khẳng định điều này. 
Song trong lòng Phùng Chiến vẫn luôn canh cánh như mắc nợ với những đồng đội năm xưa. Các nốt nhạc nhớ thương, ký ức chiến tranh vẫn không phai mờ, luôn khắc khoải muốn làm được gì đấy, dù nhỏ thôi như lời tri ân. Nếu ai đã từng được chứng kiến lần ông tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm “Chiến sĩ bảo vệ thành Cổ Quảng Trị năm 1972”, trong buổi gặp lại những đồng đội xưa, người mất, người còn, bồi hồi xúc động mà nước mắt tuôn trào. Tâm hồn sắt đá đến mấy cũng phải run run khi gặp đồng đội “Một thời hoa lửa”. Trong vòng tay nhớ thương, Họa sĩ Lê Duy Ứng, các cựu chiến binh như Nguyễn Danh Tài, Trần thái Mùi... những chiến sĩ Thành Cổ năm xưa bằng xương bằng thịt. Những người lính già đã ôm ghì lấy nhau trong ngân ngấn lệ, trong chén rượu mặn cay nước mắt… Và càng hiểu giọt nước mắt ấy không chỉ để dành cho nhau mà là nỗi nhớ thương ấy dành cho những đồng đội còn trong tâm tưởng.
 Vẫn cái nguồn cớ đó xin nhắc lại, rằng nghệ thuật không bao giờ chỉ là hiện tại. Nghệ thuật vang lên luôn hắt sáng tâm hồn người sáng tác. Nó là quá khứ đã qua, là kỷ niệm ấm ủ đã làm cơn cớ cho ông trăn trở. Bởi lẽ đó các ca khúc người lính đầy xúc động vẫn vang lên trong tập sáng tác của ông “Tiếng hát nơi biên cương” “ Màu xanh và nỗi nhớ” … Và đặc biệt tháng bảy này ông vừa ra mắt ca khúc “ Thắp nhang Thành Cổ”. Lại lần nữa lấy đi nhiều nước mắt của ông và những đồng đội còn lại hôm nay.
Quay trở lại câu chuyện ca khúc “Thắp Nhang thành Cổ” mà ông đã gọi tôi đến chia sẻ. Ông bảo: “Ca khúc này anh đã bật khóc nhiều đêm. Để có “ Thắp nhang Thành Cổ” ra đời, tôi đoán chắc cái tâm ông đã nhức nhối, hối thúc lâu lắm, nhiều lắm. Mỗi lời ca là tiếng lòng xa xót, từ gan ruột, là lời tâm sự, là khúc tráng ca vinh quang của “Những thiên thần bất tử…“… Trong hương khói huyền ảo… Những bóng mũ tai bèo bay lên…bay lên…
Nghẹn ngào, nghẹn ngào quá. Tôi thành thật phải nhắc điệp từ trên với tâm thế một người nghe, người từng qua bom đạn. Chỉ có những người trong cuộc mới thấu, mới cảm được cái mất mát, đau thương. Và cũng hiểu được cái giá đích thực của hòa bình độc lập. Lời ca như nhập đồng đưa ông về quá vãng, phiêu linh, mơ hồ, hòa nhập, lung linh. Như có ai mách bảo, tôi bỗng cầm hũ rượu rót tràn các ly cùng các tách trà bầy quanh bàn. Hương rượu thơm phảng phất quyện cùng hương trà khói sương, phảng phất. Bỗng đâu làn gió mồ côi quẩn lại, xoay vòng quanh cuốn theo hương trà, hương rượu cùng những chiếc lá khô bay xào xạc. Mái tóc ông bồng bềnh càng trở nên hư ảo, mông lung. Lời ca như có hìnhcó khối, loang loáng ánh bạc, ngân ngân, văng vẳng. Phùng Chiến vẫn say sưa hát như mê, như sảng. Có điều chi rất mơ hồ khó lý giải! Cơn gió mồ côi cuốn quanh một hồi manh theo lá vàng như vòng xoáy vút cao lên, hun hút phía rừng trẩu mờ sương. Trong phút chốc ngỡ ngàng ông buông đàn đứng lên. Không ai bảo ai, cả hai chúng tôi đều lặng lẽ ngóng về nơi mờ xa như điều gì nuối tiếc…Không hiểu lúc này ông đang nghĩ gì, nhưng dẫu sao cũng đoán được dấu chấm lặng đang díu đè trong lòng người nhạc sĩ. Và tôi nghĩ ca khúc “Thắp nhang Thành Cổ” - Lời cầu siêu tháng bảy của ông, có lẽ đã nghiệm.../
                                                                 Tháng tri ân Liệt sĩ

                                                                           C.T

4 nhận xét:

phó nhòm nói...

Bài này viết khá lắm. Cố lên Thế nhé. Cái chính vẫn là phải viết từ "ruột gan" của mình. Không được viết hộ ai, cho ai cả. Văn cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là CÁI TÂM.

phó nhòm nói...

Bài này viết khá lắm. Cố lên Thế nhé. Cái chính vẫn là phải viết từ "ruột gan" của mình. Không được viết hộ ai, cho ai cả. Văn cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là CÁI TÂM.

congtheblocg nói...

Cảm ơn Bác phó . Quả này ổng động viện thật rồi! cảm động quá bác phó ời.

Kiên Sa Pa nói...

Bác phó nhòm không đông viên anh, bài này anh viết như rút ruột mình ra chia sẻ cho mọi người. Sau một thời gian chậm lại, thai nghén,em thấy anh viết nuột nà mà sâu đậm.Không nịnh anh đâu.

Bài đăng phổ biến